Nhà ngoại giao Mỹ tới Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Putin
Nhà lãnh đạo Nga đã được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam, trong khi giới chức Mỹ chuẩn bị các chuyến thăm tiếp theo.
Hoa Thịnh Đốn đang cử nhà ngoại giao hàng đầu của mình về khu vực Đông Á, ông Daniel Kritenbrink, tới Việt Nam để nhắc lại cam kết hợp tác với Hà Nội nhằm bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở.”
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chuyến thăm của ông Kritenbrink là nhằm tái khẳng định “Hoa Kỳ ủng hộ một đất nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, và thịnh vượng.”
Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm quan trọng tới Hà Nội và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người đồng cấp Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller xác nhận ông Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ tới Hà Nội vào ngày 21/06.
Ông nói với các phóng viên hôm 20/06 rằng chuyến đi của nhà ngoại giao này đã được dự tính “từ rất lâu trước chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin.”
Hoa Kỳ từ lâu đã duy trì mối bang giao hữu nghị với Việt Nam.
Theo một số chuyên gia chính sách đối ngoại, Hoa Kỳ dựa vào mối bang giao tốt đẹp với Việt Nam để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Hoa Thịnh Đốn đã nâng tầm mối bang giao với Hà Nội lên một cấp độ mới, và Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất cảng hàng đầu của Việt Nam.
“Hoa Kỳ đã nâng tầm mối quan hệ song phương với Việt Nam lên một mức lịch sử, về cơ bản là nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 20/06.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc duy trì làm sâu sắc thêm, mở rộng, và cải thiện mối bang giao này vì lợi ích chung của chúng tôi đối với nhau và với khu vực.”
Hiệp ước Nga-Bắc Hàn ‘vô cùng đáng lo ngại’
Hôm 20/06, ông Putin và phái đoàn cấp cao của Nga tới Hà Nội, nơi họ nhận được sự chào đón nồng nhiệt — trong đó có 21 phát đại bác chào mừng.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, ông Putin nhấn mạnh cam kết của Moscow trong việc “làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chúng tôi.”
Ông nói, cả hai nước đều tìm cách tạo ra một “cấu trúc an ninh đáng tin cậy” ở châu Á-Thái Bình Dương dựa trên lợi ích chung và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.
Ông Lâm dành nhiều lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Nga, người mà theo ông, đã đóng góp cho “hòa bình, ổn định, và phát triển” trong khu vực.
Trong chuyến thăm kéo dài một ngày, hai nhà lãnh đạo đã ký một loạt thỏa thuận song phương, trong đó có một số thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng.
Trước đó một ngày, phái đoàn Nga đã đến thăm Bình Nhưỡng, nơi ông Putin và người đồng cấp Bắc Hàn ký hiệp ước “đối tác chiến lược.”
Trong số những điều khác, hiệp ước này được cho là quy định rằng mỗi bên phải đứng ra bảo vệ bên kia nếu một trong hai bên bị nước thứ ba tấn công.
Ông Miller nhận định hiệp ước — và tiềm năng chuyển giao vũ khí giữa hai nước — là “vô cùng đáng lo ngại.”
Vị phát ngôn viên này nói: “Việc đó sẽ gây bất ổn cho Bán đảo Triều Tiên, và có khả năng … tùy thuộc vào loại vũ khí họ cung cấp, có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà chính Nga đã ủng hộ.”
Moscow và Bình Nhưỡng cho biết hiệp ước đối tác chiến lược này hoàn toàn mang tính phòng thủ và không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào.
“Việc hợp tác với các đối tác của chúng tôi không hề nhằm mục đích chống lại các nước thứ ba,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 21/06.
Ông nói, mối quan hệ của Nga với các đối tác ngoại quốc “chỉ nhằm mục đích thúc đẩy phúc lợi của người dân các quốc gia liên quan.”
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times sau chuyến thăm gần đây của nhà lãnh đạo Nga tới Bình Nhưỡng: “Chúng tôi không cho rằng có bất kỳ quốc gia nào nên cho ông Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của ông ấy.”
Phát ngôn viên này nói: “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng mà Nga đã thực hiện ở Ukraine.”
Khi phái đoàn Nga đến Việt Nam, ông Miller thừa nhận “mối bang giao chặt chẽ lâu năm” giữa Moscow và Hà Nội.