Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Đề xướng của ông Putin về việc cung cấp vũ khí cho Bắc Hàn là ‘vô cùng đáng lo ngại’
Một quan chức nói, ‘Việc đó sẽ gây bất ổn cho Bán đảo Triều Tiên.’
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết những lời nhận xét gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi ý rằng ông sẽ cung cấp vũ khí cho Bắc Hàn là “vô cùng đáng lo ngại.”
Đầu tuần này, trong một chuyến công du tới Bắc Hàn, ông Putin đã đề xướng rằng nếu phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine thì Nga cũng sẽ đưa ra phản ứng tương ứng bằng cách cung cấp vũ khí cho quốc gia cộng sản bị cô lập này trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài hai năm với Nga vẫn đang tiếp diễn. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo Nam Hàn không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong khi bình luận tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm (20/06), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đã được hỏi về những lời nhận xét của Tổng thống Nga về khả năng cung cấp vũ khí cho Bình Nhưỡng. Ông Miller trả lời, “Điều này là vô cùng đáng lo ngại.”
Ông nói thêm: “Tất nhiên, việc đó sẽ gây bất ổn cho Bán đảo Triều Tiên, và có khả năng … tùy thuộc vào loại vũ khí họ cung cấp, có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà chính Nga đã ủng hộ.”
Phát ngôn viên này cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh của chúng ta trong khu vực” chẳng hạn như “Nam Hàn, Nhật Bản, các nước khác … để đáp trả mối đe dọa do Bắc Hàn gây ra.”
Đầu tuần này, Nga và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước quy định mỗi bên phải cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho bên kia trong trường hợp có hành động xâm lược vũ trang nhằm vào một trong hai bên tham gia. Đây là lần đầu tiên ông Putin tới thăm Bắc Hàn sau 24 năm dù hai nước có chung đường biên giới.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un mô tả thỏa thuận này là “hiệp ước mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” của họ, đồng thời nói thêm rằng ông hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến của Nga với Ukraine. Trước đây, Liên Xô và Bắc Hàn từng có một thỏa thuận kéo dài từ những năm 1960 cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Các quan chức khác ở Hoa Kỳ và NATO cho biết họ lo ngại về chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Hàn, quốc gia mà trên khía cạnh pháp lý vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Hoa Kỳ và Bắc Hàn vì Chiến tranh Triều Tiên kết thúc trong những năm 1950 mà không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby gọi đó là một nguyên nhân gây lo ngại nhưng không gây ngạc nhiên. Ông cho rằng nhu cầu cần trợ giúp như vậy từ ngoại quốc của Nga là một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng.
“Chúng tôi hiện đã và đang nói về vấn đề này và cảnh báo về mối quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa hai quốc gia này trong nhiều tháng qua một loạt những thông tin tình báo được làm giảm mức độ bảo mật mà chúng tôi đã công bố,” ông Kirby nói. “Rõ ràng đó là điều mà chúng tôi đang xem xét nghiêm túc.”
Đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang được Iran, Bắc Hàn, và Trung Quốc “trợ giúp” về mặt vật chất, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia đó muốn chứng kiến liên minh quân sự này và Hoa Kỳ “sụp đổ.” Sau đó, ông lập luận rằng cần phải trợ giúp nhiều hơn cho Ukraine để đẩy lùi Nga.
“Tất nhiên, chúng tôi cũng lo ngại về khả năng Nga cung cấp sự trợ giúp cho Bắc Hàn liên quan đến việc trợ giúp cho các chương trình phi đạn và hạt nhân của họ,” ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken, theo một bản ghi nội dung họp báo.
Và ông Blinken đã đồng tình với ý kiến này khi nói rằng hiệp ước Nga–Bắc Hàn là một dấu hiệu cho thấy “sự tuyệt vọng” vì Moscow đang gặp khó khăn trong việc “tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược mà họ đã khởi xướng với Ukraine,” ông nói trong cuộc họp báo.
Ông nói thêm, “Và như tôi đã đề cập lúc trước, những lo ngại sâu sắc của chúng tôi về Trung Quốc, không phải về việc cung cấp vũ khí mà là về việc cung cấp những gì Nga cần để duy trì hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng cũng như để [họ] tự mình sản xuất thêm xe tăng, nhiều đạn dược hơn, nhiều phi đạn hơn — vâng, đây là những quốc gia đáng lo ngại.”
Cả Hoa Kỳ và Ukraine đều cáo buộc Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga một lượng lớn đạn pháo và hỏa tiễn đạn đạo. Cả Nga và Bắc Hàn đều phủ nhận những khẳng định đó.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hiệp ước phòng thủ chung giữa Nga và Bắc Hàn có thể làm suy yếu mối bang giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Bình Nhưỡng hoặc với Moscow.
Ông Evan Medeiros, một giáo sư tại Đại học Georgetown, cho biết: “Nga có thể cung cấp cho Bắc Hàn các loại vũ khí quân sự tân tiến mà có thể gây bất ổn rất lớn.”
“Và thứ hai, mối quan hệ này có thể mang lại cho Bắc Hàn sự tự tin theo những cách khuyến khích ông Kim Jong Un hành động. Có lẽ điều đó có thể biểu hiện ở việc Bắc Hàn bắt đầu thử hạt nhân trở lại,” ông nói.