Chiến hạm hạt nhân của Nga cập cảng Cuba: Hãy giữ bình tĩnh và bước tiếp
Hôm 12/06, phía Cuba đã bắn 21 phát đại bác chào mừng chiến hạm có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân của Nga cập bến mới của nước này. Chiến hạm đã di chuyển cùng với một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan, khiến nguy cơ xảy ra Chiến Tranh Lạnh mới trở nên thực tế hơn, sát sườn hơn, và càng đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Một con quái vật hạt nhân hiện ra từ sương mù.
Chính phủ TT Biden đã cố hạ thấp sự đe dọa của Nga ở nơi chỉ cách Florida hơn 400 dặm. Nhưng mối hiểm họa là rõ ràng. Lần cuối cùng hải quân Nga cử các chiến hạm tới Cuba trong một chuyến thăm thường niên là vào năm 2020.
Việc hạ thấp mối đe dọa này đối với công chúng Mỹ là cũng có mục đích. Chính phủ muốn người Mỹ giữ bình tĩnh trước chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” về hạt nhân của Moscow và Bắc Kinh hòng khiến người Mỹ lo lắng và khiến họ phải rút lui ở những nơi như Ukraine và Đài Loan. Các mối đe dọa này là hiện hữu nhưng không chắc chắn. Không ai muốn chiến đấu trước một cường quốc có vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhưng giống như thế kỷ 19, Moscow và Bắc Kinh vẫn sẵn sàng mạo hiểm tham chiến để giành được những vùng lãnh thổ mà họ muốn. Và như chúng ta đã biết, cũng giống như ở thế kỷ 20, cuộc chiến đó đã có thể kết thúc sự sống của nhân loại.
Hoa Kỳ có công nghệ quân sự tốt nhất thế giới, ngay cả khi Nga và Trung Quốc đạt được những bước tiến lớn về hỏa tiễn siêu thanh. Mặc dù Trung Quốc có lực lượng hải quân vượt trội hơn Hoa Kỳ về số lượng tàu, nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể vượt qua họ khi xem xét tổng thể quân đội của mình, bao gồm Lực lượng Không quân và Lực lượng Không gian, nhiều đồng minh toàn cầu cho phép Hoa Kỳ lập căn cứ trên đất của họ, và ngày càng có nhiều thiết bị bay không người lái quân sự được Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ khai triển, cho đến tận các hòn đảo xa xôi của Đài Loan và trên các tiền tuyến ở Ukraine.
Một thế mạnh khác của Hoa Kỳ là nền kinh tế. Hoa Kỳ cùng với châu Âu và Trung Quốc là ba nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Do đó, các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga là đòn bẩy chính để chấm dứt cuộc chiến của Moscow ở Ukraine và cuối cùng là hâm nóng mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Nga.
Cho đến nay, hầu hết các lệnh trừng phạt đều mang tính biểu tượng nhắm vào các cá nhân và công ty Nga và họ có thể trốn tránh các chế tài này bằng cách thay đổi tên hoặc địa chỉ. Ví dụ, các lệnh cấm vận đánh vào hoạt động xuất cảng dầu và khí đốt của Nga đã tác động tới Moscow nhưng vẫn có thể né tránh bằng cách bán cho các nước thứ ba như Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khấu 9%. Hai nước này được biết đến là bên tinh chế nguyên liệu thô của Nga rồi bán ở Hoa Kỳ và các thị trường toàn cầu khác.
Bắc Kinh cũng góp phần giúp đỡ Moscow bằng cách tăng cường xuất cảng công nghệ lưỡng dụng để Nga có thể chế tạo bom, hỏa tiễn, và thiết bị không người lái được dùng để dội xuống các thành phố của Ukraine.
Mỗi hệ thống liên minh này đáp trả hệ thống liên minh khác trong cái đang trở thành một ván cờ chí tử gồm nhiều tay chơi. Hôm 12/06, Hoa Kỳ đã công bố các lệnh cấm vận thứ cấp mới đối với các cá nhân và doanh nghiệp không chỉ ở Nga, nơi có 4,500 tổ chức đang bị trừng phạt, mà còn ở Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi các tổ chức này vẫn tiếp tục kinh doanh cùng với các tổ chức bị cấm vận của Nga. Các tổ chức nào tài trợ hoặc bán các mặt hàng dựa vào công nghệ của Hoa Kỳ bị kiểm soát xuất cảng sang Nga thì sẽ bị trừng phạt.
Việc mở rộng “cánh tay dài” này của luật pháp Hoa Kỳ đến quyền tài phán đối với các chủ thể quốc tế ngoài lãnh thổ sẽ làm tăng sức ép lên một loạt những kẻ tạo thuận tiện cho cuộc xâm lược của Nga, bao gồm các ngân hàng quốc doanh then chốt, các nhà chế tạo chất bán dẫn, và nhà sản xuất quốc phòng của Trung Quốc.
Họ sẽ đều phàn nàn về “chủ nghĩa bá quyền” của Hoa Kỳ, nhưng đó chính là cái giá phải tra khi làm náo loạn toàn cầu. Viên cảnh sát này tỉnh dậy và tập hợp lực lượng của mình. Chính phủ Tổng thống Biden đang khuyến khích các đồng minh, bao gồm Liên minh Âu Châu và các nước G7 đã gặp nhau ở Ý hôm 12/06, hãy làm theo các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và tăng hiệu quả theo cấp số nhân.
Liệu họ có làm đủ để ngăn chặn Trung Quốc xuất cảng linh kiện phi cơ không người lái sang Nga không? Có thể là không. Bắc Kinh có động cơ để bảo đảm Nga giành chiến thắng, để cho các nước NATO tiếp tục bị phân tán và suy yếu. Chính quyền Trung Quốc muốn duy trì khả năng tiếp cận các thị trường xuất cảng năng lượng và công nghệ giá rẻ của Nga và chứng minh rằng một cuộc xâm lược Đài Loan có cơ hội thành công. Tuy nhiên, với sự mở rộng gần đây của NATO, chiến lược này rõ ràng đã phản tác dụng.
Thành công của Nga và Trung Quốc phụ thuộc vào nền kinh tế ngầm của “trục ma quỷ” của họ, trong đó Nga có thể bán năng lượng của mình để có được các nhà sản xuất Trung Quốc chẳng hạn. Để thoát khỏi các lệnh cấm vận thứ cấp gần đây nhất của Hoa Kỳ, ban đầu Bắc Kinh sẽ tài trợ và vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp theo cách thức hầu như lén lút.
Sau đó, Hoa Kỳ sẽ có các lựa chọn của chính mình, trong đó có mở rộng các lệnh cấm vận đối với toàn bộ nền kinh tế Nga và Trung Quốc, mở rộng các lệnh cấm vận ngoài các công nghệ mang thương hiệu Hoa Kỳ cho bất kỳ công nghệ có khả năng phòng thủ nào, và cấm xuất cảng năng lượng cũng như thiết bị quân sự lưỡng dụng trên biển và các nơi khác.
Chúng ta càng gây áp lực lên Nga và các đối tác của họ, thì có thể họ càng phải quy phục hoặc leo thang. Rốt cuộc, chúng ta tham gia vào chiến lược miệng hố chiến tranh, thậm chí có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, mặc dù chúng ta không chọn tham gia. Điều này giải thích cho việc tàu ngầm hạt nhân của Nga thực hiện chuyến ghé thăm tới Cuba và nỗ lực hợp lý của chính phủ ông Biden nhằm hạ thấp tầm ảnh hưởng của tàu ngầm Kazan đối với công chúng Mỹ. Cách phản ứng tốt nhất đối với tình huống này là giữ bình tĩnh.