Nhà kinh tế Roubini cảnh báo: Hãy sẵn sàng cho ‘khủng hoảng lạm phát đình trệ’
Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini, người được mệnh danh là “Dr. Doom” vì đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu có thể đang bắt đầu một kỷ nguyên mới của “tình trạng bất ổn vì lạm phát đình trệ lớn.”
Ông Roubini, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, đã viết một bài bình luận cho tạp chí Time, trong đó ông đã cảnh báo rằng áp lực lạm phát gia tăng trên toàn thế giới trong năm qua khó có thể là một thách thức ngắn hạn.
Ông cho rằng những cú sốc ảnh hưởng đến nền kinh tế có thể bắt nguồn từ phía cung chứ không phải từ sự gia tăng nhu cầu, như những gì đã xảy ra trong những năm 1970 giữa hai cú sốc tiêu cực về dầu. Khi tình trạng này xảy ra, chi phí năng lượng và sản xuất tăng vọt, dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn cho các quốc gia nhập cảng nhiên liệu và thực phẩm, gây ra môi trường lạm phát cao và có thể dẫn đến suy thoái.
“Nếu sự ứng phó đối với cú sốc tiêu cực về cung này là chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng — các ngân hàng thiết lập lãi suất thấp để khuyến khích vay vốn — nhằm ngăn chặn suy giảm tăng trưởng, thì quý vị sẽ đổ thêm dầu vào lửa lạm phát bằng cách khuyến khích thay vì làm giảm nhu cầu với hàng hóa và lao động,” ông viết. “Sau đó, quý vị kết thúc với lạm phát đình trệ dai dẳng: một cuộc suy thoái với lạm phát cao.”
Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường đã cảnh báo về một môi trường kinh tế lạm phát cao và tăng trưởng thấp như vậy.
Trong cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt của những năm 1970 và đầu những năm 1980, vấn đề lạm phát đã được giải quyết bởi cuộc suy thoái kép vào giai đoạn năm 1980 và 1981–1982 và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang khi đó là ông Paul Volcker đã chấp thuận các đợt tăng lãi suất hai con số. Biện pháp này cuối cùng đã dẫn đến thời kỳ Đại Điều Tiết (Great Moderation) trong khoảng 30 năm: lạm phát thấp, tăng trưởng ổn định, giá trị tăng cao, lợi suất trái phiếu thấp, và các cuộc suy thoái ngắn và nhẹ.
Có phải Hoa Kỳ hiện đang chuyển đổi từ thời kỳ Đại Điều Tiết sang thời kỳ Đại Đình Trệ không? Ông Roubini lưu ý, câu trả lời cho câu hỏi này có thể phụ thuộc vào cách trả lời các câu hỏi khác.
Ví dụ, liệu lạm phát có dai dẳng không? Liệu các ngân hàng trung ương có thay đổi đường hướng và đảo ngược nỗ lực thắt chặt của họ? Cuộc suy thoái tiếp theo sẽ là “ngắn và nhẹ” hay “nghiêm trọng và kéo dài?” Thị trường tài chính sẽ phản ứng thế nào với lạm phát đình trệ?
Trong khi đó, ông Roubini viết, hạ cánh cứng đối với nền kinh tế quốc gia và các nền kinh tế quốc tế đang ngày càng trở thành kịch bản cơ sở đối với các nhà quan sát thị trường, trên thực tế đã từ bỏ các dự kiến hạ cánh mềm hồi đầu năm. Nhưng trong khi suy thoái có thể là không thể tránh khỏi, thì người sáng lập Roubini Global Economics cho rằng có thể xảy ra “một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng trong môi trường lạm phát đình trệ” sau sự suy giảm kinh tế.
Ông viết: “Tính theo tỷ trọng GDP toàn cầu, các mức nợ công và tư nhân ngày nay đang cao hơn nhiều so với trước đây, đã tăng từ 200% vào năm 1999 lên 350% vào ngày nay. Trong những điều kiện này, việc bình thường hóa nhanh chóng chính sách tiền tệ và việc tăng lãi suất sẽ khiến các gia đình, công ty, tổ chức tài chính, và chính phủ có đòn bẩy tài chính cao rơi vào tình trạng phá sản và vỡ nợ.”
Ngoài ra, tất cả các công cụ thông thường để giảm thiểu suy thoái hoặc giảm thiểu tác động của suy thoái đều bị hạn chế, đặc biệt là do “các khoản nợ công đang trở nên bấp bênh.”
Cuối cùng, ông Roubini tin rằng cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ là sự kết hợp của lạm phát đình trệ những năm 1970 và cuộc khủng hoảng nợ 2008-2009. Khi chúng được kết hợp lại với nhau, “thập niên tới có thể là một cuộc Khủng Hoảng Nợ trong Lạm Phát Đình Trệ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.”
Hồi chuông cảnh báo cho lạm phát đình trệ
Ông Roubini không phải là cá nhân nổi bật duy nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo lạm phát đình trệ hoặc gây lo ngại về rủi ro nợ toàn cầu.
Hồi tháng Chín, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới, đã nói với báo giới trong một cuộc họp ngắn ở Hoa Thịnh Đốn rằng tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi triển vọng của tổ chức này, nhấn mạnh mối lo ngại về “lạm phát đình trệ nói chung.”
Ông nói, “Sáu tháng trước, chúng tôi thực sự lo ngại về sự phục hồi chậm lại và giá cả rất cao của một số mặt hàng, và bây giờ tôi nghĩ chúng tôi lo ngại hơn nhiều về tình trạng lạm phát đình trệ nói chung, điều này gợi lại những ký ức thực sự tồi tệ về khoảng giữa những năm 1970 và những thập niên đã mất.”
Trình bày tại Đại học Stanford vào tháng trước (09/2022), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã lặp lại những lo ngại này khi ông thảo luận về việc quá trình đa dạng hóa sản xuất năng lượng quốc tế khỏi Nga sau cuộc xung đột quân sự ở Ukraine có thể mất nhiều năm như thế nào. Kết quả là, vấn đề này có thể kéo dài nguy cơ lạm phát đình trệ và kéo dài thời gian xảy ra lạm phát cao và tăng trưởng thấp.
“Thế giới đang phát triển đang đối mặt với một triển vọng ngắn hạn vô cùng thách thức bị định hình bởi giá phân bón và năng lượng thực phẩm cao hơn đáng kể, lãi suất và chênh lệch lãi suất tín dụng tăng, đồng tiền giảm giá, và dòng vốn chảy ra,” ông Malpass nói. “Một mối nguy cấp bách đối với thế giới đang phát triển là sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng toàn cầu sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu.”
Sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tạm dừng chu kỳ thắt chặt định lượng để mua trái phiếu và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) thông qua một đợt tăng lãi suất ít hơn dự kiến ở mức 0.25%, ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ hạn chế các hành động chống lạm phát của họ. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers nói, việc lùi bước khỏi cuộc chiến này có thể khiến rủi ro lạm phát đình trệ thêm nghiêm trọng.
Gần đây ông nói với Bloomberg: “Lịch sử ghi lại rất nhiều trường hợp khi các điều chỉnh chính sách đối với lạm phát bị trì hoãn quá mức, và có những chi phí rất đáng kể cho hành động như vậy.”
Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm trong tháng Chín tăng cao hơn dự kiến ở mức 8.2% và tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng lên 6.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2021).
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times