IMF cảnh báo về ‘các cuộc khủng hoảng tài khóa thường xuyên hơn và gây xáo trộn hơn trên toàn thế giới’
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài khóa toàn cầu, nhấn mạnh sự cần thiết của việc các quốc gia phát triển hỗ trợ các quốc gia nghèo nhiều hơn trong việc thực hiện “tái cấu trúc nợ có trật tự”.
Giám đốc đặc trách tài khóa của IMF, ông Vitor Gaspar, đã nói tại các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới rằng, nhiều quốc gia trong số này đang phải trải qua mức nợ tăng, đồng thời áp lực tài khóa gia tăng có thể dẫn đến bất ổn xã hội lớn xảy ra trong những công dân nghèo nhất.
Ông Gaspar, người cho rằng tình hình hiện nay đang trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng thiếu lương thực và năng lượng cũng như biến đổi khí hậu, đã tuyên bố: “Sự gia tăng của nghèo đói cùng cực và mất an ninh lương thực bắt đầu trước khi xảy ra đại dịch nên được giải quyết ở cấp độ toàn cầu bằng một loạt các sáng kiến.”
Ông Gaspar cũng yêu cầu rằng các quốc gia thực hiện một cách hạn chế các biện pháp tài khóa nhắm vào những người cần nhất, cũng như thiết lập các chính sách làm giảm nhu cầu trong nước trong thời đại thiếu hụt năng lượng này.
IMF cho biết trên blog của mình: “Đối mặt với các mức nợ cao và chi phí đi vay tăng lên, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên hỗ trợ có mục tiêu thông qua các mạng lưới an sinh xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất.”
Giám đốc đặc trách các vấn đề tài khóa của IMF cũng đã nhấn mạnh rằng cần phải thực hiện những nỗ lực bổ sung để giảm tích lũy nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương.
Trách nhiệm tài khóa và xóa nợ toàn cầu
Trong khi đó, báo cáo Fiscal Monitor mới nhất của quỹ tiền tệ, được công bố hôm 13/10, đã đặt ra các vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phải đối mặt khi họ xem xét cách bảo vệ các gia đình thu nhập thấp khỏi tình trạng vỡ nợ tài chính trong khi vẫn giữ lập trường tài khóa thắt chặt để giúp chống lạm phát.
Áp lực lạm phát vẫn dai dẳng và lan rộng hơn dự đoán, bất chấp sự suy thoái kinh tế năm nay.
Lạm phát toàn cầu gia tăng đã dẫn đến sự sụt giảm mức sống trên toàn thế giới, với nhiều chính phủ đưa ra các chính sách cứu trợ tài khóa khác nhau để ngăn chặn sự bất mãn.
IMF cảnh báo: “Với lạm phát gia tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt, các nhà hoạch định chính sách trước hết nên ưu tiên sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính.”
Báo cáo của IMF lưu ý rằng việc chi tiêu rất lớn của chính phủ để giảm thiểu [tác động của] việc giá cả tăng đang tạo thêm áp lực không cần thiết lên các ngân hàng trung ương trong việc phải tăng lãi suất cao hơn nữa, làm tăng thêm những thâm hụt hiện có của chính phủ, kéo dài chu kỳ lạm phát.
Nhiều quốc gia đang cung cấp trợ cấp cho các công dân đang gặp khó khăn của họ, như trợ cấp giá năng lượng, cắt giảm thuế, và chuyển tiền mặt, tất cả các biện pháp này ước tính hấp thụ trung bình ít nhất 0.6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ.
Báo cáo này cho biết: “Điều này đặc biệt đáng quan tâm vì những diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu cho thấy sự nhạy cảm của thị trường ngày càng tăng đối với các yếu tố căn bản đang xấu đi (hoặc đang xấu). Sự nhạy cảm này làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng tài khóa thường xuyên hơn và gây xáo trộn hơn trên toàn thế giới.”
Họ tiếp tục: “Nhưng họ cũng phải giảm thiểu các nguy cơ tổn thương từ các khoản nợ công lớn và, phải duy trì lập trường tài khóa thắt chặt sao cho chính sách tài khóa không hoạt động theo mục đích trái ngược với chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát cao.”
IMF cho biết nợ công toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở mức cao 91% GDP trong năm nay, trong đó các nước đang phát triển là những nước dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc khủng hoảng tài chính.
Nợ đã giảm từ mức cao lịch sử vào năm 2020, nhưng vẫn cao hơn 7.5% so với mức trước đại dịch.
Báo cáo cũng cho biết 60% các quốc gia nghèo nhất hiện đang hoặc sắp lâm vào tình trạng kiệt quệ vì nợ.
Trung Quốc, G-20, và chính sách tài chính toàn cầu
Trong khi đó, theo Reuters, ngày càng có nhiều lời chỉ trích trên khắp thế giới đối với Trung Quốc vì sự thiếu tham gia của họ vào vấn đề này.
Các quốc gia phương Tây tỏ ra khó chịu với Trung Quốc, nhà nước chủ nợ lớn nhất thế giới, vì sự do dự trước bất kỳ hành động nào nhằm tái cấu trúc các khoản nợ của Zambia và Chad sau khi đồng ý giúp giải quyết vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối năm 2020.
Theo Reuters, tại một sự kiện do Ủy ban Bretton Woods tổ chức, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen nói rằng việc khai triển khung khổ G-20 đã được đồng thuận từ trước là “rất đáng thất vọng” và “nó chỉ đơn giản là sẽ không có kết cục tốt.”
Bà Yellen cáo buộc Trung Quốc “không tham gia” đủ vào các nỗ lực hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng sau khi họ yêu cầu sự trợ giúp từ G-20.
Bà Yellen nói, “Chúng tôi thực sự kêu gọi Trung Quốc hãy bước ra. Tình hình đang trở nên rất nghiêm trọng.”
Bắc Kinh nói rằng họ sẽ không tham gia vào kế hoạch cứu trợ trừ khi chính IMF hoặc Ngân hàng Thế giới đưa ra chính sách tài khóa có trách nhiệm hơn.
Bà Yellen đã trả lời, “Họ là những chủ nợ được ưu tiên trước. Và chúng tôi nghĩ duy trì tình trạng đó là điều quan trọng,” khi lưu ý về mục đích và khung khổ của hai tổ chức tài chính này.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times