‘Thước đo về nỗi sợ’ của Wall Street phát tín hiệu cảnh báo về thị trường
Chỉ số Biến động CBOE (VIX), “thước đo về nỗi sợ” của Wall Street, đang bắt đầu đưa ra các tín hiệu cảnh báo về thị trường.
Wall Street đã chứng kiến nhiều tổn thất trong những tuần gần đây, do lạm phát vẫn ở mức cao và Cục Dự trữ Liên bang không cho thấy ý định lùi việc tăng lãi suất.
Thị trường lao động vẫn tăng và giá bán buôn lần đầu tiên đã tăng trong ba tháng, bất chấp những nỗ lực của Fed nhằm làm chậm nền kinh tế.
Trong khi đó, lợi suất Trái phiếu kho bạc và giá trị cạnh tranh của USD so với các đồng tiền khác vẫn mạnh.
Chỉ số biến động được theo dõi chặt chẽ này đang thu hút sự chú ý của các nhà phân tích, vì mối tương quan của nó với chỉ số S&P 500 dường như đã khác biệt rất nhiều.
Marketwatch đưa tin, VIX là thước đo dựa trên quyền chọn về kỳ vọng biến động của S&P 500, chỉ số này đã chạm mức 33.57 hôm 12/10 — cao gấp đôi so với hồi đầu năm.
Hai chỉ số này đều có mối tương quan nghịch đảo, vì VIX thường tăng khi các cổ phiếu trong S&P 500 giảm.
VIX đã đạt mức cao nhất kể từ tháng Sáu khi đạt đỉnh 34.75 điểm, sau khi S&P 500 giảm xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 09/2020.
Chỉ số này đã đi xuống một lần nữa sau khi thị trường chứng kiến một đợt phục hồi ngắn kết thúc vào cuối mùa hè.
Chỉ số biến động này đã tăng trở lại kể từ tháng Tám, vượt qua 30 điểm vào tháng Mười.
Các nhà kinh tế nhận định thị trường sẽ rơi vào khủng hoảng khi VIX đạt hoặc vượt 40 điểm.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 3.1% hôm 04/10 và sau đó tăng 2.8% hôm 07/10, diễn biến này là bất thường vì chỉ số này hiếm khi tăng mạnh trong vòng ít hơn một năm.
Việc hai biến động trên của thị trường xảy ra trong vòng chưa đầy một tuần đang khiến một số nhà đầu tư lo lắng, vì những biến động này là dấu hiệu khả dĩ cho thấy chứng khoán có thể phải đối mặt với sự sụp đổ thảm khốc trong vài tháng tới.
Một mô hình tương tự đã diễn ra lần cuối hồi tháng Sáu, khi Wall Street giảm xuống mức thấp nhất trong năm.
Về danh nghĩa, nền kinh tế Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật, sau khi GDP giảm trong nửa đầu năm.
‘Chữ thập vàng’ và sự sụp đổ của thị trường
Theo Marketwatch, chỉ số VIX đang đạt đến điểm tới hạn của việc đạt được “chữ thập vàng”, đó là khi đường trung bình trượt trong 50 ngày của một tài sản, tỷ giá hối đoái, hoặc chỉ số nhất định vượt lên trên đường trung bình trượt 200 ngày.
Ông Tyler Richey, đồng biên tập của Sevens Report cho Marketwatch, cho biết “chữ thập vàng” thường xảy ra trước một cuộc suy thoái mạnh ở Wall Street, giống như những gì đã xảy ra hồi tháng 09/2008, khi sự biến động của thị trường tăng vọt trước sự phá sản của Lehman Brothers.
Lần cuối cùng VIX chạm mốc “chữ thập vàng” là vào tháng 12/2021.
Ông Richey cảnh báo: “Nếu sử dụng lịch sử như một chỉ dẫn, thì đây là một thời điểm mà mọi thứ có thể trở nên tồi tệ.”
Tuy nhiên, Forbes tin rằng cổ phiếu vẫn chưa thực sự thể hiện loại biến động đi kèm với sự sụp đổ của thị trường, dù là có biến động.
Các chỉ số S&P 500, Dow Jones Industrial Average, và Nasdaq Composite đều có vẻ như đang trên đà đạt đến “chữ thập vàng” một lần nữa, sau khi đạt đến đỉnh điểm chu kỳ hồi đầu năm 2022.
Ông Richey nói rằng mô hình với các mức cao thấp hơn trong chỉ số biến động có thể là kết quả của việc các nhà đầu tư mạnh về tiền, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ và các quỹ hưu trí, thanh lý cổ phiếu của họ thay vì sử dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro dựa trên quyền chọn để bảo vệ rủi ro giảm giá của họ.
Cô Katie Stockton, chiến lược gia thị trường tại Fairlead Strategies, nói với Marketwatch, mức “kháng cự” quan trọng tiếp theo là 35 điểm, ngay dưới mức cao của chỉ số này hồi tháng Sáu.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times