Hoa Kỳ: Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao 8.2% trong tháng Chín
Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ là 8.2% trong tháng Chín, giảm từ 8.3% trong tháng Tám. Con số này cao hơn kỳ vọng của thị trường là 8.1%.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng đầy biến động, đã tăng lên mức 6.6% hàng năm, mức cao mới trong bốn thập niên. Con số này tăng từ 6.3% trong tháng Tám và cao hơn mức dự báo của thị trường là 6.5%.
Theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.4%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cơ bản tăng 0.6%.
Chi phí thực phẩm và nhà ở đã góp phần vào tỷ lệ lạm phát này khi chúng tăng lần lượt 11.2% và 6.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất được đưa ra sau khi giá bán buôn cao hơn những gì các nhà kinh tế đã dự đoán.
Trong tháng Chín, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.4% so với tháng trước, tăng từ mức giảm 0.2% trong tháng Tám và cao hơn mức ước tính thị trường là 0.2%. PPI hàng năm cũng giảm với tốc độ chậm hơn dự kiến là 8.5%, cao hơn mức đồng thuận của thị trường là 8.4%.
Mặc dù giá cả tăng cao, một số nhà đầu tư tin rằng có dấu hiệu giảm lạm phát.
Trình bày tại hội nghị thành viên thường niên của IIF, ông Larry Fink, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, tuyên bố rằng lạm phát có thể sẽ hạ nhiệt.
Tuy nhiên, với lạm phát ở mức này, ông Fink cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới phải sử dụng “một cái búa [thắt chặt tiền tệ] thường xuyên hơn.”
Ông lưu ý, “Chúng ta đã có ở Hoa Kỳ vào năm 2020 tới 1.1 ngàn tỷ USD kích thích tài khóa.”
“Do những chính sách tài khóa này, điều đó buộc các ngân hàng trung ương phải sử dụng một cái búa [thắt chặt tiền tệ] thường xuyên hơn, bởi vì việc kiềm chế mức lạm phát đó sẽ khó khăn hơn.”
Người tiêu dùng tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm trong năm tới. Theo Khảo sát Kỳ vọng của Người tiêu dùng (FRBNY) mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong năm tới đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, đạt mức thấp nhất trong hơn hai năm là 5.4%. Kỳ vọng lạm phát trong ba năm tới đã tăng nhẹ lên 2.9% vào tháng trước, tăng từ 2.8% trong tháng Tám.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ dự đoán giá xăng dầu, giáo dục đại học, thực phẩm và tiền thuê nhà sẽ tăng nhanh hơn.
Ông John Rekenthaler, phó chủ tịch nghiên cứu tại Morningstar, tin tưởng rằng áp lực lạm phát dài hạn sẽ giảm xuống, ám chỉ đến Ngân hàng Dự trữ Cleveland. Ngân hàng trung ương khu vực này dự báo tỷ lệ lạm phát dự kiến trong 10 năm sẽ giảm xuống 2.35%.
Ông viết trong một ghi chú: “Tôi cho rằng [chúng ta] có thể tin tưởng một cách hợp lý rằng lạm phát dài hạn sẽ nhẹ hơn nhiều mức mà hiện các nhà đầu tư tin tưởng.”
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các chỉ số lạm phát vì chúng có thể đưa ra gợi ý về việc liệu ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể xoay chuyển chính sách tiền tệ hay không. Nhiều nhà giao dịch đã đặt hy vọng vào một điều gì đó mà Chủ tịch Jerome Powell đã lưu ý trong một cuộc họp báo vào tháng trước và những gì mà một biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng Chín đã tiết lộ.
Biên bản nêu rõ: “Những người tham gia nhận xét rằng, khi lập trường của chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn nữa, thì việc làm chậm tốc độ tăng lãi suất chính sách vào một thời điểm nào đó đồng thời đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách tích lũy đối với hoạt động kinh tế và lạm phát sẽ trở nên thích hợp.”
Thật vậy, sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) nâng lãi suất chính sách chuẩn lên chỉ 25 điểm cơ bản và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tạm thời đảo ngược hướng đi và mua trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư hy vọng rằng Fed có thể đi theo lộ trình này.
Cho đến nay, không có dấu hiệu cho thấy Fed đã bắt đầu xem xét lại chu kỳ thắt chặt định lượng của mình.
Một số nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương đang thắt chặt quá mức, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế giảm tốc. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Minneapolis, ông Neel Kashkari, nói tại một tòa thị chính ở Wisconsin rằng ngưỡng để xoay trục là “rất cao” do lạm phát tăng.
Ông nói, “Nếu nền kinh tế bước vào thời kỳ giảm tốc mạnh, chúng tôi luôn có thể dừng những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi luôn có thể — nếu chúng tôi cần — đảo ngược những gì chúng ta đang làm, nếu chúng tôi nghĩ rằng lạm phát đang giảm rất nhanh. Đối với tôi, ngưỡng cho sự thay đổi như vậy là rất cao bởi vì chúng tôi chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát cơ bản — lạm phát dịch vụ, lạm phát tiền lương, thị trường lao động — giảm bớt.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times