IMF cảnh báo, rủi ro ổn định tài chính tăng vọt trong bối cảnh ‘có những xáo động lớn đan xen’, lạm phát dai dẳng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về việc định giá lại một cách mất trật tự trên các thị trường, nói rằng rủi ro ổn định tài chính toàn cầu đã tăng “đáng kể” trong bối cảnh biến động gia tăng, sự không chắc chắn lớn hơn, và một loạt “cú sốc lớn đan xen”.
Ông Tobias Adrian, Giám đốc Vụ Thị trường Vốn và Tiền tệ của IMF, cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/10: “Với những điều kiện tồi tệ hơn trong những tuần gần đây, các thước đo chính về rủi ro hệ thống – chẳng hạn như chi phí tài trợ bằng đồng dollar và chênh lệch lãi suất giữa đối tác cao hơn – đã tăng lên.”
Với việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh mẽ trong một nỗ lực để hạ nhiệt tình trạng lạm phát cao dai dẳng, ông Adrian cho biết có nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính “một cách mất trật tự”. Ngược lại, điều này có thể tương tác với các lỗ hổng đã tồn tại từ trước và làm gia tăng căng thẳng thị trường tài chính, đặc biệt nếu lạm phát không giảm nhanh như các nhà đầu tư mong đợi hoặc suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc.
‘Giông tố ở phía trước’
Khi đưa ra lời cảnh báo về một “loạt các cú sốc đan xen” trong phần tổng quan cho Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới nhất, IMF cho biết các thị trường đã “cực kỳ biến động” trong khi sự suy giảm trong thanh khoản thị trường dường như đã khuếch đại các động thái về giá.
Trong phần mở đầu của báo cáo (pdf), ông Adrian đã viết rằng lạm phát cao và rủi ro địa chính trị dai dẳng đang thúc đẩy sự biến động trên thị trường tài sản, có khả năng đe dọa sự ổn định tài chính.
Ông Adrian viết: “Môi trường toàn cầu mong manh với nhiều giông tố ở phía trước.”
Ông lưu ý rằng các điều kiện tài chính đang được thắt chặt khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối đầu với “bóng ma của lạm phát cao dai dẳng.”
Căng thẳng đã xuất hiện trên thị trường tài chính toàn cầu, với những căng thẳng xuất hiện trong việc cấp vốn theo cặp tiền tệ chéo và sự suy giảm tính thanh khoản của thị trường đối với các loại tài sản chính.
Ông Adrian viết: “Có một rủi ro cao trong việc định giá lại nhanh chóng, mất trật tự, vốn có thể tương tác với — và được khuếch đại bởi — các lỗ hổng đã có sẵn và thanh khoản thị trường kém.”
IMF cho biết các công ty lớn hơn đã chứng kiến tỷ suất lợi nhuận của họ bị giảm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách đầy thách thức, trong khi số vụ phá sản của các doanh nghiệp nhỏ hơn đã tăng lên do nguồn hỗ trợ tài chính giảm và chi phí đi vay cao hơn.
Lãi suất cao hơn đã đẩy lãi suất thế chấp cao hơn rất nhiều và thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, với cảnh báo của IMF về khả năng rủi ro liên quan đến thị trường nhà ở.
Các thị trường mới nổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng phải đối mặt với vô số rủi ro, bao gồm chi phí đi vay bên ngoài cao, thị trường hàng hóa biến động và lạm phát cao dai dẳng.
Sự không chắc chắn ‘quá cao’
IMF cho rằng cần phải có một “sự cân bằng tinh tế” để tìm được lối thoát cho môi trường lạm phát cao hiện nay và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
IMF cho biết, một mặt, các ngân hàng trung ương nên kiên quyết hạ thấp lạm phát và ngăn chặn kỳ vọng lạm phát trong tương lai trở nên mất kiểm soát.
Ông Adrian viết: “Đồng thời, việc thắt chặt các điều kiện tài chính cần phải được điều chỉnh một cách thận trọng, nhằm mục đích tránh các điều kiện thị trường rối loạn có thể gây rủi ro quá mức cho sự ổn định tài chính.”
Ông Adrian nói trong cuộc họp báo: “Thật khó để nghĩ đến rằng một thời điểm mà sự không chắc chắn lại cao như vậy.”
“Chúng ta phải quay ngược lại hàng thập niên để chứng kiến quá nhiều xung đột trên thế giới, và đồng thời lạm phát đang ở mức cực kỳ cao.”
Ông Nick Reece, phó chủ tịch nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư tại Merk Investments, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email rằng các dấu hiệu bất ổn tài chính đã xuất hiện trên phạm vi quốc tế, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải suy nghĩ lại về tốc độ thắt chặt chính sách của họ.
Ông Reece nói: “Nhìn chung, việc thắt chặt các điều kiện tài chính từ từ đều được các ngân hàng trung ương hoan nghênh, nhưng sự bất ổn tài chính ngoài tầm kiểm soát thì không.”
Sự bất ổn đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu Anh, khiến ngân hàng trung ương Anh phải can thiệp. Ông cho biết, căng thẳng cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường tài trợ bằng đồng dollar trên toàn cầu và nhu cầu đối với các kênh hoán đổi tiền tệ của Fed tăng lên.
Ông Reece nói: “Những dấu hiệu bất ổn tài chính toàn cầu khác có thể khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác lùi bước, mặc dù đến thời điểm đó, thiệt hại có thể đã xảy ra – khiến một cuộc hạ cánh mềm khó xảy ra.”
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm 10/10 rằng nguy cơ suy thoái đã tăng lên. Bà ước tính rằng, vào cuối năm tới, khoảng một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, đây là định nghĩa chung cho một cuộc suy thoái.
Bà nói: “Tổng số tiền sẽ bị xóa sổ bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới – từ nay đến năm 2026 – sẽ là 4 ngàn tỷ USD,” bà nói. “Số tiền này là bằng với quy mô GDP của Đức — đã biến mất.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times