IMF: Thế giới cần chuẩn bị cho điều ‘không thể tưởng’ trong bối cảnh hậu COVID và chiến tranh ở Ukraine
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng thế giới cần chuẩn bị để giải quyết tốt hơn những vụ chấn động và “điều không tưởng” trong thế giới hậu COVID-19 và trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.
Bà Georgieva đã đưa ra nhận xét trên trong một hội thảo về Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới do cô Hadley Gamble của CNBC dẫn chương trình tại Dubai hôm 14/02, nơi bà cũng đề cập đến các trận động đất mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 36,000 người thiệt mạng.
Khi được hỏi năm nay sẽ “khó khăn” như thế nào, bà Georgieva trả lời rằng nền kinh tế thế giới vẫn “ở một giai đoạn rất khó khăn và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại vào năm 2023 nhưng đó có thể là một bước ngoặt,” đồng thời chỉ ra lạm phát giảm ở một số quốc gia.
“Điều chúng tôi vô cùng lo lắng [tới] là một điều, một điều không mong muốn,” bà Georgieva nói. “Điều mà COVID và chiến tranh đã dạy chúng ta là chúng ta đang sống trong một thế giới dễ gặp phải những điều chấn động hơn. Điều mà trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã dạy chúng ta là hãy suy nghĩ đến những điều không thể tưởng.”
“Tất cả chúng ta phải thay đổi tư duy của mình để trở nên nhanh nhẹn hơn và định hướng nhiều hơn vào việc xây dựng khả năng phục hồi ở mọi cấp độ, để chúng ta có thể chống chọi với những điều chấn động tốt hơn,” bà Georgieva nói thêm, đồng thời lưu ý rằng sức đề kháng xuất hiện dưới hình thức bảo đảm rằng chính “cơ cấu” của mỗi quốc gia và xã hội của họ là vững chắc.
IMF đóng ‘vai trò ổn định’ ở Ukraine
Vào một dịp khác hôm thứ Ba, bà Georgieva cho biết IMF phải đóng một “vai trò ổn định” trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng quốc gia này sẽ cần khoảng 40 tỷ đến 48 tỷ USD để nền kinh tế hoạt động trong năm nay.
Theo bà Georgieva, người đã chia sẻ với khán giả rằng anh trai bà đã kết hôn với một người Ukraine, IMF đã làm việc với Ukraine để cung cấp cho nước này lời khuyên về cách điều hành một “nền kinh tế thời chiến” kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hồi tháng Hai năm ngoái.
Bà nói thêm rằng IMF đã cung cấp hai gói tài trợ trị giá 2.7 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Đó là sự viện trợ bên cạnh những viện trợ khác từ các nước phương Tây chẳng hạn như Hoa Kỳ.
Hồi tháng 12/2022, bà Anna Bjerde, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Châu Âu và Trung Á, nói với tờ báo Die Presse của Áo rằng sẽ cần khoảng 500 tỷ euro (khoảng 533 tỷ USD) nói riêng để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hỏng hoặc phá hủy của Ukraine.
Hồi tháng Chín, Ngân hàng Thế giới, trong một đánh giá chung với chính phủ Ukraine và Ủy ban Châu Âu, đã ước tính rằng chi phí tái thiết và phục hồi hiện tại ở Ukraine lên tới 349 tỷ USD.
Những bình luận của bà Georgieva được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các thành viên cao cấp của JPMorgan Chase tại Kyiv để thảo luận về việc tạo ra một nền tảng nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân để tái thiết Ukraine và trợ giúp tăng trưởng kinh tế hậu chiến tranh.
NATO nói Ukraine cần thêm đạn dược
Chính phủ Ukraine và đại ngân hàng nói trên trước đó đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) về vấn đề này, theo đó JPMorgan sẽ tư vấn cho chính phủ Ukraine về các vấn đề liên quan đến ổn định tài chính, phát triển và điều phối các chiến lược tái cấp vốn và tái cơ cấu nợ, giành được xếp hạng tín dụng quốc gia, và số hóa nền kinh tế, trong số những vấn đề khác.
Hôm 13/02, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine sau thông báo trước đó cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới trước mốc tròn một năm của cuộc xung đột.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào thể hiện Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho hòa bình. Những gì chúng tôi quan sát là ngược lại, ông ấy đang chuẩn bị cho nhiều cuộc chiến hơn, cho những cuộc công kích và tấn công mới,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên.
“Đây đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, và do đó đây cũng là một cuộc chiến về hậu cần. … Khi nói đến pháo binh, chúng ta cần đạn dược, chúng ta cần phụ tùng thay thế, chúng ta cần bảo trì, chúng ta cần tất cả các hoạt động hậu cần để bảo đảm rằng chúng ta có thể duy trì các hệ thống vũ khí này,” ông nói thêm.
Đáp lại những bình luận của ông Stoltenberg, Điện Kremlin cáo buộc NATO là một tổ chức “thù địch” với Nga và ngày càng can dự vào cuộc chiến ở Ukraine.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times