Phái đoàn Ukraine đến Arizona tìm kiếm sự trợ giúp nhiều hơn từ Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến với Nga leo thang
Nghị sĩ Quốc hội của Kyiv tuyên bố: ‘Không có giải pháp ngoại giao’
Phoenix — Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Dmytro Liubota lướt qua hàng chục bức ảnh trên điện thoại di động cá nhân chụp cảnh các tòa nhà bị đánh bom ở vùng Kharkhiv nơi ông sinh sống.
Một số tòa nhà vẫn đang bốc cháy; nhiều tòa nhà bị thủng lỗ lớn hoặc có nguyên cả một bộ phận bị sụp đổ.
Trong một số bức ảnh, các mảnh hỏa tiễn của Nga nằm la liệt trên đường xá.
Ông Liubota, người đã mất nhà và công việc kinh doanh của gia đình mình do vụ oanh tạc đó, cho biết những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn gần như xảy ra hằng ngày.
Đứng bên ngoài Nhà thờ Giáo hội Chính thống Ukraine St. Mary’s Protectress ở Phoenix, tiểu bang Arizona, hôm 12/03, ông Liubota cho biết: “Chúng tôi có một tuyến phòng thủ lớn khi họ tìm cách chiếm lấy lãnh thổ của chúng tôi. Người Nga rất mạnh, nhưng các chàng trai của chúng tôi còn mạnh mẽ hơn nữa. Người Ukraine còn mạnh mẽ hơn nữa.”
Ông Liubota cho biết tình hình rất khốc liệt khi cuộc chiến này bước sang năm thứ hai sau khi Nga bắt đầu xâm lược vào ngày 24/02/2022.
Hôm 12/03, ông Liubota và các chức sắc Ukraine khác đã đến thăm Phoenix để gặp gỡ các quan chức tiểu bang và địa phương nhằm tìm kiếm thêm sự trợ giúp cho nỗ lực chiến tranh quân sự và nhân đạo của Ukraine.
“Chính phủ của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để trợ giúp [người dân Ukraine] và cung cấp cho họ thức ăn và quần áo. Nhưng quý vị biết đấy, hằng ngày đều có những cuộc tấn công bằng quân đội và hỏa tiễn.”
“Thật khó để nói rằng mọi chuyện đều ổn. Mọi chuyện không hề ổn,” ông Liubota nói với The Epoch Times.
Ông Liubota là một Thứ trưởng Nhân dân Ukraine từ đảng chính trị “Công Bộc Của Dân” (Servant of the People) và là một thành viên của Ủy ban Verkhovna Rada của Ukraine liên quan đến đề xướng để quốc gia này gia nhập vào Liên minh Âu Châu (EU).
Ông cũng là chủ tịch của tiểu ban về hợp tác kinh tế, ngành, và khu vực thương mại tự do toàn diện giữa Ukraine và EU.
Trong phái đoàn Ukraine này còn có nhà ngoại giao và người ủng hộ nhân quyền Volodymyr Dzhydzhora.
Văn phòng Quan hệ Quốc tế của Hạ viện Arizona và Ủy ban Quan hệ Ngoại giao Phoenix đã mời phái đoàn này đến Arizona.
Vào buổi trưa, phái đoàn này đã tham dự một Thánh Lễ và tiệc chiêu đãi tại nhà thờ St. Mary’s. Sau đó, họ đã gặp gỡ Thống đốc tiểu bang Arizona Katie Hobbs, các nhà lập pháp Arizona, các thành viên doanh nghiệp, cùng các đại diện đến từ các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật sinh học, và khí hậu của Đại học Tiểu bang Arizona.
Trọng tâm của chuyến thăm này là nhằm gầy dựng sự trợ giúp viện trợ nhân đạo và quân sự nhiều hơn cho Ukraine và xác định các nhà tài trợ thuộc các tổ chức cho việc tái phát triển và phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng của đất nước bị tàn phá này.
Ông Dzhydzhora cho biết mục tiêu của chuyến thăm này cũng là “cung cấp thông tin về những gì đang diễn ra ở Ukraine để giải thích rằng người dân phải gánh chịu như thế nào, đất nước này phải gánh chịu như thế nào, đồng thời khiến các mối liên hệ giữa các vùng của Ukraine trở nên sâu sắc hơn” cũng như để “mang nhiều tiềm năng của Hoa Kỳ hơn đến cho Ukraine.”
Ông Dzhydzhora nói, “Hiện nay Nga đang xâm phạm tất cả các nhân quyền và tất cả các công ước quốc tế về nhân quyền. Không có quy tắc quốc tế nào mà Nga không vi phạm đối với Ukraine.”
“Họ đã chiếm lấy Crimea. Họ chiếm lấy các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine. Và sau tám năm, họ nhận ra rằng họ không thể khiến chúng tôi nhụt chí. Do vậy, họ đã quyết định dốc toàn lực.”
Sau nhiều cuộc đàm phán thất bại, ông Dzhydzhora cho biết các quan chức Ukraine không tìm thấy một giải pháp ngoại giao nào cho cuộc xung đột này.
Ông Dzhydzhora nói với The Epoch Times, “Thật không may, không có giải pháp ngoại giao nào cho việc này. Giải pháp cho hòa bình lại nằm ở Moscow, nhưng Điện Kremlin [vốn] không muốn hòa bình.”
“Đối với họ, điều đó có nghĩa là [Ukraine] đầu hàng, và chỉ thế thôi. Còn đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Chúng tôi sẽ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, sự thanh bình của đất nước và nhân quyền.”
Ông Liubota cho biết giải pháp cho hòa bình là Nga sẵn sàng trả lại cho Ukraine những đường biên giới năm 1991, Crimea, và các nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbas.
“Họ tiếp cận chúng tôi bằng một cuộc chiến tranh trên lãnh thổ lịch sử của chúng tôi. Chỉ có một [phản ứng] duy nhất. Hãy rời khỏi quê hương của tôi.”
Ông Liubota cho biết hàng triệu người Ukraine đã rời khỏi nước kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu.
“Thật đáng thương. Nhiều người không có nơi nào để sinh sống.”
Với cộng đồng người gốc Ukraine đông đảo của tiểu bang này, phái đoàn nói trên đã chấp thuận lời mời đến Arizona để tìm kiếm nhiều sự trợ giúp rộng rãi hơn. Dân số gốc Ukraine tại Hoa Kỳ hiện vào khoảng 893,000 người, tương đương 0.3%.
Ông Liubota cho biết cuộc chiến này sẽ tiếp diễn cho đến khi nào quân đội Nga rút khỏi Ukraine.
Ông nói, “Tôi không phải một quân nhân. Chúng tôi hy vọng việc rút quân sẽ diễn ra càng sớm càng tốt.”
“Điều đó phụ thuộc vào sự ủng hộ của các quý vị — sự ủng hộ của người dân Mỹ và người dân Âu Châu. Nếu quý vị cung cấp cho chúng tôi những vũ khí mà chúng tôi cần — viện trợ mà chúng tôi cần — thì chúng tôi sẽ có đủ sức mạnh để khiến ông Putin thất bại.”
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, kể từ năm 2014 Hoa Thịnh Đốn đã cam kết viện trợ an ninh trị giá 51 tỷ USD cho Ukraine, và hơn 24.2 tỷ USD trong tổng số đó kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hồi tháng 02/2022.
“Ở đất nước chúng tôi, không có ai phản đối [cuộc chiến này],” ông Liubota nói. “Chúng tôi có đủ nhân lực. Chúng ta có đủ người muốn chiến đấu. Chúng tôi muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times