DELTA, Utah—Chiếc xe bán tải lớn lăn bánh trên con đường đất, cuốn theo bụi tung mù mịt khi ông Phil Gleason lái xe ngang qua những người công nhân trong chiếc áo ghi-lê màu vàng, đội nón bảo hộ lao động, đang đào giếng cho một ngôi nhà mới có nguồn cấp điện từ quang năng.
Nằm cách xa mọi trung tâm mua sắm dải (strip mall) hoặc khu nhà cookie-cutter, cộng đồng không phụ thuộc vào tiện ích công cộng này được gọi là Chiến dịch Tự lực Cánh sinh (Operation Self-Reliance) nở rộ với hoạt động xây dựng nhà cửa ở sa mạc Utah.
“Hãy thử nghĩ đến tất cả những thứ phụ thuộc khi chúng ta sống ở thành thị,” ông Gleason, 74 tuổi, người sáng lập cộng đồng này, cho biết. “Chúng ta phải uống nước do họ cung cấp. Chúng ta phải lo giải quyết chuyện thu gom rác và thuốc trừ sâu.”
“Tôi không nói mọi thứ đều không tốt. Mà đó không phải là điều tôi muốn. Tôi cần phải làm điều gì đó khác.”
Với vẻ tự hào, ông Gleason nói rằng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh vừa là một kế hoạch hành động vừa là một công việc đang trong tiến trình thực hiện. Đây là một tiếng kèn hiệu triệu cho những người khao khát thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống đô thị.
Mấy năm trước, ông Gleason đã hình dung ra một nơi như vậy dành cho những người có cùng chí hướng, được phát triển dựa trên ý tưởng vốn đã thành tập quán đáng tôn trọng về “sự tự cung tự cấp bền vững” giống như những người định cư từ thuở ban sơ.
Đó sẽ là một nơi mà mọi người có thể sống gần gũi hơn với thiên nhiên, cảm thấy an toàn, nuôi nấng gia đình, và trồng lương thực.
Thách thức ban đầu là “căn bản là chúng tôi không có tiền,” ông Gleason cho biết. “Chúng tôi không có đất. Chúng tôi chỉ có một khái niệm.”
Nhưng dù sao thì đó cũng là một khái niệm hợp lý, ông nói—một khái niệm dựa trên những nguyên tắc bền vững về khả năng tự lực của mỗi cá nhân và nhiều năm nghiên cứu chi tiết.
Năm 2018, ông Gleason trình bày ý tưởng của mình tại một bữa tiệc chèo thuyền trên hồ Powell. Ba vị khách bước tới và đề nghị đầu tư vào dự án này.
Sau nhiều tháng tìm kiếm địa điểm thích hợp để xây dựng, ông Gleason khám phá được một mảnh đất rộng 1,240 mẫu Anh (khoảng 5 km2) được rao bán nằm tại một địa điểm hẻo lánh cách thành phố Salt Lake khoảng 100 dặm (khoảng 160km) về phía nam.
Mảnh đất này từng là một nông trang đang canh tác dùng để trồng bắp, lúa mạch, lúa mì vụ đông, và cây linh lăng. Nhưng giờ đây mảnh đất này chủ yếu bị bỏ hoang, chờ ai đó tới truyền sức sống mới.
Khoảng giữa năm 2019, ông Gleason động thổ dự án này, và một vài người sống theo lối canh tác tự cấp đầu tiên đã chuyển đến ở.
Ngày nay, có 140 người thuộc 50 gia đình—trong đó có 75 trẻ em—đang sinh sống trong những ngôi nhà làm bằng gạch, bê tông, gạch nén (CEB), được lắp thiết bị phát quang năng thụ động, không phụ thuộc vào lưới điện công cộng.
Khi được xây dựng hoàn chỉnh, thì cộng đồng kiểu mẫu này sẽ có hơn 200 nông trang tự cấp, mỗi nông trang có một mảnh đất với diện tích 2 mẫu Anh (khoảng 8,000 m2) để chăn nuôi và trồng cây ăn trái và rau củ.
“Chúng tôi đang xây dựng một cộng đồng gồm những nhà sản xuất nông nghiệp tự lực cánh sinh,” ông Gleason nói với The Epoch Times. “Một phần của thỏa thuận này là họ sẽ trở thành những nhà sản xuất nông nghiệp.”
Ông cho biết việc trở thành một nhà sản xuất có thể cũng đơn giản như việc có một khu vườn nhỏ thôi.
“Anh có thể có một căn nhà kính. Nhưng anh sẽ cần cơ sở hạ tầng. Nếu anh có một khu vườn rộng 1 foot (khoảng 0.3m) và một cái cây, thì anh chính là một nhà sản xuất nông nghiệp.”
Tuy nhiên, trước khi gia nhập cộng đồng này, mỗi chủ sở hữu tiểu nông trang tương lai phải đồng ý với một bộ những điều khoản và điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phát triển một kế hoạch chuyển đổi trong ba năm để sử dụng hai mẫu đất của họ một cách hiệu quả.
Trên mảnh đất nhỏ đó, họ sẽ đồng ý xây dựng một ngôi nhà quang năng thụ động rộng tối thiểu 600 foot vuông (khoảng 55.7 m2), chuồng trại, nhà kính, giếng nước ngọt, và hệ thống vệ sinh đã được sở y tế địa phương phê chuẩn.
Ông Gleason cho biết giá một lô đất rộng 2 mẫu Anh là 25,000 USD; trung bình tốn khoảng 200,000 USD để phát triển đầy đủ phù hợp với hợp đồng.
Mặc dù vậy, hợp đồng không cho phép chỉ mua đất rồi để một chiếc xe cắm trại (RV). Mà mục đích là xây dựng một cộng đồng gồm những ngôi nhà ở lâu dài để canh tác nông nghiệp.
“Chúng tôi giống những người làm vườn hơn. Chúng tôi không phải là nông dân,” ông Jesse Fisher, người tổ chức sự kiện và truyền thông xã hội của cộng đồng này cho biết. “Chúng tôi khuyến khích mọi người đều có nghề tiểu thủ công của mình.”
Không giống như những người theo chủ nghĩa sinh tồn hay còn gọi là “những người chuẩn bị” (prepper), ước tính có khoảng 20 triệu người, Chiến dịch Tự lực Cánh sinh không phải là chờ đợi ngày tận thế hay quan tâm đến việc sống sót qua ngày tận thế. Ông Gleason cho biết đây là việc hòa mình vào một cộng đồng tự cung tự cấp và bền vững như một tập quán sinh sống.
“Chúng tôi không phải là những người chuẩn bị nhưng chúng tôi có thiên hướng đó,” ông nói.
“Một số người trong chúng tôi thậm chí không thích bị gọi là người chuẩn bị. Phần lớn chúng ta—chúng ta đều muốn có một lối sống bền vững. Quý vị phải thuận theo Trái Đất.”
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của Finder, “việc chuẩn bị trước là một việc quan trọng.”
Nghiên cứu đó phát hiện ra rằng năm 2022, 29% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ đã chi 11 tỷ USD cho hàng dự trữ khẩn cấp. Những mặt hàng được mua phổ biến nhất là thực phẩm và nước uống.
Theo nghiên cứu này, 2 phần 5 (40%) Thế hệ Z cho biết họ “đã chi tiền vào hàng dự trữ cho ngày tận thế trong 12 tháng qua,” và số lượng gần như tương đương những người thuộc Thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) (39%) cũng nói như vậy.
Đại dịch chắc chắn đã làm nảy sinh nhu cầu về việc dự trữ.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang báo cáo số người có khả năng sinh tồn trong một tình huống khẩn cấp trong vòng 31 ngày đã tăng 50% từ năm 2017 đến năm 2020.
Mặc dù không phải là người chuẩn bị cho trận đại hồng thủy, nhưng ông Gleason cho biết, từ nửa thế kỷ trước, ông đã học cách đánh giá cao cách suy nghĩ về sự chuẩn bị.
Hồi đó, khi ông đang làm thầu xây dựng ở Idaho, sống cùng vợ và ba cô con gái nhỏ trên một chiếc xe RV dài 29 foot (khoảng 8.8 m) chạy bằng khí propan, thì mùa đông ập đến.
“Điều chúng tôi không ngờ tới là trời đã trở nên lạnh buốt. Nhiệt độ xuống gần 0 độ bên ngoài và cả bên trong chiếc RV. Nước thì đóng băng. Thức ăn thì đông đá,” ông hồi tưởng.
Ông cho biết gia đình ông có ít kinh nghiệm sống với việc không phụ thuộc vào tiện ích công cộng, nhưng họ có mền điện.
“Do đó, chúng tôi đặt ba đứa con nhỏ ở giữa chúng tôi và đắp mền điện. Chúng tôi dùng nhiều mền và áo khoác, vừa mặc vào người vừa đắp mền lên trên. Chúng tôi vẫn ổn,” ông Gleason nói.
Lúc 3 giờ sáng, toàn bộ bãi đậu xe RV đột ngột mất điện, khiến cả gia đình run rẩy vì lạnh.
“Trải nghiệm đó đã điều chỉnh lại lý trí của tôi,” ông Gleason cho biết. “Tôi không màn đến các sự kiện thế giới. Tôi lo giữ ấm cho các con nhỏ, cho tụi nhỏ ăn và có thể uống nước được. Tôi đã cảm thấy rất bất lực.”
Tâm lý về tình trạng dễ bị nguy hiểm đó sẽ trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều năm sau đó.
Cuối cùng ông Gleason đã nảy ra ý tưởng về Chiến dịch Tự lực Cánh sinh này, một liên hợp nông nghiệp kết hợp các nguồn lực và tài năng cá nhân vì lợi ích của cộng đồng.
Khi một liên hợp nông nghiệp vượt quá 200 thành viên thì có thể tiếp nối qua nhiều “thế hệ.”
Và khi tình trạng tội phạm gia tăng và lạm phát khiến cho cuộc sống ở thành thị trở nên kém bền vững hơn, ông cho rằng, ngày càng có nhiều người xem cuộc sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng là một giải pháp thay thế khả thi.
Trong số các cộng đồng không phụ thuộc vào tiện ích công cộng phổ biến ở Hoa Kỳ có Suối nước nóng Breitenbush ở Oregon, Earthaven ở North Carolina, và Làng sinh thái Dancing Rabbit ở Missouri.
Vivos xPoint là một cộng đồng không phụ thuộc vào tiện ích công cộng khác gồm 575 hầm trú ẩn được quân đội xây dựng trong Đệ nhị Thế chiến gần khu vực Black Hills ở South Dakota.
Ông Gleason cho biết ông dự định xây dựng một dự án Chiến dịch Tự lực Cánh sinh khác trên 1,300 mẫu Anh (khoảng 5.2 km2) đất nông thôn nằm ở Snowflake, Arizona.
Ông cho rằng điều quan trọng là hiểu được những dự án cộng đồng không phụ thuộc vào tiện ích công cộng của ông là gì.
“Chúng tôi không đưa ra một tuyên bố chính trị,” ông nói. “Chúng tôi không đưa ra một tuyên bố tôn giáo. Chúng tôi không có quân nhân nào cả.”
“Tôi nghĩ chúng tôi là những gia đình khá bình dân. Chúng tôi có các nhà thầu, kỹ sư, nhà giáo dục, nhân viên y tế, chuyên gia — rất nhiều người trong ngành công nghệ thông tin (IT) — nhân viên bán hàng, thợ cơ khí.”
Ông Mark Miller, 65 tuổi, là một nhân viên ứng phó nhanh của chính phủ liên bang đã về hưu. Ông đang sinh sống theo lối sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng tại cộng đồng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh ở Utah trong ba năm qua.
Vợ chồng ông đã xây ngôi nhà rộng 5,000 foot vuông (khoảng 464 m2) bằng gạch bê tông nén. Hiện tại họ đang làm việc để tạo ra một công viên và địa điểm tụ họp cho cả cộng đồng tận hưởng.
“Tôi thích ý tưởng làm việc cho chính mình. Làm nông nghiệp — có thể vừa ngủ nghỉ vừa ăn sáng tại đây,” ông Miller nói. “Đó là sự tự do để có thể làm những gì tôi muốn cho chính mảnh đất của mình.”
Điều đó bao gồm việc có sự tự do trồng bao nhiêu thực phẩm mà ông cần trong một khu vườn rộng 100 x 300 foot (30m x 91m), cho dù đó là bắp, dưa lưới, dưa hấu, hay trong nhà kính mà ông dự định xây dựng.
Ông nói: “Bùn đất ở đây thật khủng khiếp, vì vậy chúng tôi phải sửa sang theo ý muốn của mình… và làm cho mọi thứ thật hiệu quả.”
Từng là một người ứng phó đầu tiên của chính phủ, ông Miller cho biết ông đã ghi hình lại “sự vô nhân đạo của con người đối với con người” bên trong mái vòm thể thao ở New Orleans khi cơn bão Katrina xảy ra vào năm 2005.
Ông nói, “Và ý tôi là, tôi đã chứng kiến điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ nhất” — sát nhân, cưỡng gian, cướp bóc, đánh đập.
“Và tôi đã từng ở những nơi mà quý vị có thể nghĩ tới.”
Khác xa với nỗi kinh hoàng của cơn bão Katrina và các thành phố suy tàn của Mỹ, ông Miller cho biết ông tìm thấy sự bình yên khi ở bên những người hàng xóm trong cộng đồng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh.
“Đôi khi, tôi nghĩ họ quá thân thiết. Những lần khác, tôi nghĩ họ chưa đủ gần gũi,” ông nói. “Tôi đã kết bạn với 50 gia đình. Tôi yêu quý mỗi người trong số họ.”
Anh Tyler Ellingson, 35 tuổi, là nhà phát triển phần mềm đến từ Eagle Mountain, Utah. Anh vừa mới quyết định rằng việc sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng tại cộng động Chiến dịch Tự lực Cánh sinh là cách sống tốt nhất.
Hiện nay, anh dành mỗi cuối tuần để xây một ngôi nhà rộng 800 foot vuông (khoảng 74 mét vuông) được lắp thiết bị phát quang năng. Anh, cùng vợ và ba đứa con nhỏ, dự định sẽ chuyển đến vào năm tới.
Tại Eagle Mountain, gia đình Ellingson tận hưởng tất cả những tiện nghi xa hoa của cuộc sống thành thị hiện đại — hệ thống điều hòa, hệ thống ống nước, một ngôi nhà đáng yêu, và một khoảng sân xinh đẹp. Điều họ thiếu chính là sự “chân thành” từ những người xung quanh.
“Mọi người ở đây đều chân thành và sẵn sàng giúp đỡ,” anh Ellingson nói. “Nếu quý vị bị mắc kẹt trong tuyết, trong thành phố, thì quý vị sẽ gọi điện thoại cho ai đó và trả tiền để họ giúp đỡ quý vị. Còn ngay ở đây, những người hàng xóm sẽ ra tay giúp đỡ quý vị.”
Anh nói rằng sống trong một cộng đồng nhỏ gồm những người cùng chí hướng chính là xây dựng những mối quan hệ thân thiết, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc cùng nhau trải qua sự đau khổ.
“Khi quý vị cùng chịu đau khổ với mọi người, điều đó sẽ xây dựng được sự đoàn kết — tức là xây dựng nên cộng đồng,” anh nói. “Tôi có rất nhiều hàng xóm” ở Eagle Mountain. “Chúng tôi nói ‘xin chào’ với nhau. Chỉ đến mức đó thôi.”
Ở đây, giữa một nơi xa xôi hẻo lánh, được bao quanh bởi những ngọn núi và lúa mạch đen hoang dã, những người hàng xóm của anh giống như một đại gia đình hơn.
Anh Ellingson nói: “Ngoài kia, tất cả là cộng đồng làm việc cùng nhau để xây dựng một cái gì đó cao cả hơn chính chúng ta.”
Còn đối với ông Brandon Wilson, 44 tuổi, một người có đức tin sâu sắc, “câu trả lời ngắn gọn” cho lý do tại sao ông chuyển đến cộng đồng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh là “Chúa đã dẫn dắt chúng tôi đến đây.”
Mặc dù cuộc sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng khiến ông tò mò nhưng ông nói, nó khác xa với cuộc sống thành thị ở South Weber, Utah, với vợ ông là Shari và sáu đứa con nhỏ.
Ông Wilson, một bác sĩ gia đình chuyên khoa chỉnh hình và nhi khoa ở Ogden, Utah, cho biết: “Chúng tôi không có ý định chuyển đi.”
“Chúng tôi nghĩ đó sẽ là nơi ở của chúng tôi trong 40 năm tới. Suy cho cùng, việc chúng tôi đến đây chỉ có chút ý nghĩa. Chúng tôi thực sự cảm thấy đây chính là nơi chúng tôi phải đến — đặc biệt là sau khi chúng tôi tìm thấy nơi này. Rõ ràng là chúng tôi có mục đích ở đây.”
Ông nói rằng việc nuôi dạy và giáo dục tại gia cho 5 bé trai và 1 bé gái trong một môi trường an toàn và lành mạnh là trọng tâm của mục đích đó.
“Tập quán của chúng tôi đã chuyển hướng đến sự tiếp xúc trực tiếp với những người hàng xóm. Ở đây, quý vị phải trông cậy vào hàng xóm của mình vì có rất nhiều thách thức phải đối mặt,” ông Wilson nói.
“Một phần của việc ra ngoài này là do bọn trẻ lại cảm thấy buồn chán. Các con phải tạo ra niềm vui cho chính mình.”
Cùng với sự bình yên trong tâm hồn mà gia đình Wilson được hưởng, còn có sức khỏe thể chất được cải thiện cùng với cuộc sống trong một cộng đồng nhỏ gồm những con người kiên cường.
“Chúng tôi cảm thấy tốt hơn khi ở ngoài này. Nơi này tĩnh lặng hơn rất nhiều,” ông Wilson nói.
Kể từ tháng 10/2023, nhà Wilson đã sống trong một “ngôi nhà tí hon” tạm thời rộng 300 foot vuông (hơn 27 m2) tại cộng đồng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh này.
Kế hoạch là xây dựng một ngôi nhà rộng 1,200 foot vuông (hơn 100 m2) bằng gạch nén.
Ông Wilson cho biết ông vẫn duy trì một phòng mạch nắn khớp xương ở Ogden, lái xe gần 200 dặm (321 km) đến nơi làm việc ba ngày một tuần.
Ở nhà, ông yêu thích quây quần bên gia đình và nhìn các con lớn lên trong một thế giới mà của cải vật chất không còn quan trọng nữa.
“Không có giao thông. Ở đây chú thực sự có thể ngắm sao — Dải Ngân hà,” Bron, 13 tuổi, cậu con trai lớn của ông, nói.
Hai ông bà Tom và Kathy Barnes cho biết họ không hối tiếc việc từ bỏ 530 mẫu Anh đất sản xuất nông nghiệp ở Payson, Utah, để làm việc chỉ trên hai mẫu đất tại cộng đồng Chiến dịch Tự lực Cánh sinh này.
Hai vợ chồng hiện trồng cây ăn trái và nuôi heo, gà tây, gà, và dê, sống nhờ tiền thưởng khá sung túc.
“Chúng tôi đã sống như thế này trên [mảnh đất] 530 mẫu Anh,” ông Barnes bày tỏ. “Còn ở đây là hai mẫu đất, tức là chúng tôi đã giảm bớt diện tích. Chúng tôi quyết định là ở ngoài này sẽ tốt hơn.”
Trên mảnh đất nhỏ bé của mình, hai vợ chồng đã xây dựng ngôi nhà rộng 3,000 foot vuông (khoảng 278 m2) được lắp thiết bị phát quang năng, một căn nhà thô sơ được sơn màu đỏ, và 17 thùng trồng cây.
Ông Barnes chia sẻ: “Hy vọng rằng chúng tôi sẽ thu hoạch được cam quýt trong nhà kính này. Chỉ riêng những chiếc thùng trồng cây này thôi cũng có thể trồng được những gì mình muốn.”
Những chiếc thùng này có thể trồng ra được bao nhiêu thức ăn?
“Tất cả những gì chúng tôi cần,” ông Barnes chia sẻ.
“Dư thêm một ít chứ,” bà Barnes nói thêm vào.
“Đó là một sự lựa chọn cách sống,” bà nói. “Chúng tôi có một con dê để vắt sữa mỗi ngày — không tệ lắm.”
Một lợi thế của việc sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng là “chỉ có người, người, và người,” ông Barnes nói. “Dự án này chính này là cộng đồng.”
“Đối với chúng tôi, điều này không đáng sợ. Chúng tôi hiểu các nguyên tắc” sống không phụ thuộc vào tiện ích công cộng.
Một ưu điểm khác là không phải trả hóa đơn tiện ích hàng tháng nhờ dàn quang năng 4,000 watt mà hai vợ chồng đã lắp đặt.
Ông Barnes cho biết chỉ riêng quang năng cũng đủ để chạy hai tủ đông, hai tủ lạnh, và hai máy điều hòa, với nhiều công suất dự phòng.
“Cho đến nay, tôi đã chi trả được 6,700 USD trong 18 tháng qua,” ông cho biết. “Sẽ không bao lâu nữa là thanh toán hết chi phí lắp đặt tấm pin mặt trời trị giá 35,000 USD này.”
Lái xe một đoạn ngắn trên con đường đất, ông bà Rebecca và Bill Sampson, trước đây sống ở Colorado Springs, Colorado, đang trong tiến độ xây dựng ngôi nhà mới của họ.
Bà Sampson bày tỏ: “Chúng tôi sẽ xây ngôi nhà của mình bằng gạch nén chắc chắn.”
Mới kết hôn, vợ chồng nhà Sampson đang tìm cách chuyển đến một vùng nông thôn để thoát khỏi sự “quay cuồng” của chốn đô thị.
“Chúng tôi đang xem xét những gì có thể xảy ra. Cháu gái tôi đã gửi cho tôi thông tin về nơi này,” bà Sampson nói. “Khi chúng tôi suy ngẫm và cầu nguyện về điều đó, có vẻ như đó là điều đúng đắn nên làm.”
“Nếu chúng ta muốn nói về hiện trạng của thế giới, tôi thấy thật biết ơn vì đã được đưa đường chỉ lối để rời khỏi các thành phố. Tôi nghĩ các thành phố đang trở nên hoàn toàn điên rồ.”
Bà Sampson cho biết việc trồng cây ăn trái và rau củ trong nhà kính mới của bà cần có một lộ trình học hỏi nhất định.
“Chúng tôi không có những tố chất này,” bà nói, chồng bà là một “anh chàng máy điện toán” làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Tôi được đào tạo về kiến trúc cảnh quan. Tôi không phải là người làm vườn. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc thiết kế mọi thứ.”
Bà Sampson chia sẻ, nhưng cuối cùng thì, “quý vị có được sự tự do mà quý vị thậm chí không thể hiểu hết được” — không có ông chủ nào bảo quý vị phải làm gì.
“Quý vị thức dậy và làm những gì quý vị thấy quan trọng. Nhưng khi tôi đang làm việc ngoài trời và nhiệt độ là 107 độ [F], thật khó mà cảm thấy dễ chịu cho được. Nhưng tôi cảm thấy rất dễ chịu.”