Nhà biện thuyết vĩ đại người Mỹ: Thượng nghị sĩ thế kỷ 19 Daniel Webster đã trau dồi tài năng đặc biệt của mình như thế nào
Nhà báo đương thời ông Oliver Dyer đã mô tả ngài Daniel Webster như sau: “Đầu tóc, gương mặt, toàn thể bộ dạng của ông Webster, đều mang phong thái vương giả, uy nghi, toát lên khí chất của thần.”
Đặc tính thứ ba được mô tả khiến người ta lúng túng. Những người khác bắt đầu nhắc đến vị thượng nghị sĩ, nhà diễn thuyết đến từ vùng New Hampshire này là “Daniel mang khí chất thần.” Ngôn từ của ông có thể làm lay động con tim của thính giả, giọng nói đầy nội lực của ông đem đến cho khán giả niềm hân hoan khó tả và đôi khi cả những giọt nước mắt, nhưng chính vẻ bề ngoài của ông — nước da đen, mái tóc hoang dã và đầy chắc khỏe, đôi mắt “như những hòn than rực sáng” — đã đem lại cho ông biệt danh này.
Ông sinh ra vào năm 1782 có cha là ông Ebenezer Webster và mẹ là bà Abigail, Daniel vô cùng yêu thương phụ mẫu của mình. Từ thân phụ Ebenezer Webster, người đã từng phục vụ ở quân đội trong giai đoạn Cách mạng Hoa Kỳ và xem Tổng thống George Washington là người hùng của mình, ông Daniel đã hình thành nên tình yêu thương sâu đậm đối với đất nước và vùng quê hương New Hampshire. Cũng nhờ sự dẫn dắt của cha, ông đã có được lòng sùng kính đối với các lời dạy từ Kinh Thánh và đề cao sức mạnh của tài hùng biện. Bên cạnh các trang trại, cha ông còn sở hữu một tửu quán, và khi còn nhỏ cậu bé Daniel đã thường xuyên ngâm thơ và đọc các câu thánh thư cho những lữ khách và người đánh xe dừng chân tại tửu quán để ăn uống, nghỉ ngơi.
Tình yêu với văn viết
Tài năng thiên bẩm của ông Daniel trong khả năng đọc và tiếp thu ngôn từ đã trở thành công cụ trọn đời cho thành công của ông. Theo bà Virginia Drew, Giám đốc Trung tâm Du khách Statehouse của tiểu bang New Hampshire, từ lúc 9 tuổi ông Daniel đã thuộc Hiến Pháp Hoa Kỳ. Khi cha ông mang về cho ông bản sao chép tác phẩm “An Essay on Man” (sáng tác từ năm 1733-34) của nhà thơ Alexander Pope, ông Daniel sau này hồi tưởng lại, “Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần; tôi không dừng lại cho đến khi tôi có thể đọc thuộc từng từ trong tác phẩm từ đầu đến cuối.”
Khi mọi chuyện đã rõ ràng rằng ông Daniel không bao giờ có thể trở nên phát đạt nếu làm nông dân, thân phụ Ebenezer đã đưa ông đến Học viện Phillips Exeter với hy vọng con trai mình sẽ trở thành một giáo viên. Tại đây ông có kết quả học hành xuất sắc nhưng lại cảm thấy lạc lõng, tách biệt với những người bạn đồng trang lứa giàu có và sành điệu bởi phong cách có phần quê mùa, ăn mặc thô kệch cũng như kết quả học tập kém trong các môn ngôn ngữ cổ điển. Trớ trêu là, người đàn ông một ngày kia sẽ làm Thượng viện và đất nước sững sờ bởi tài diễn thuyết của mình lại vô cùng sợ hãi và chán nản khi phải trình bày các bài nói chuyện thường được các học sinh thực hiện.
Khi ông Daniel 15 tuổi, cha ông cho rằng ông đã sẵn sàng trở thành một giáo viên và đưa ông về trang trại. Lẽ ra ông đã ở lại đây, nhưng một người quen của gia đình, Mục sư Samuel Wood, đã nhận ra tiền đồ hứa hẹn của chàng trai trẻ và đề nghị đưa ông đến nhà mình và dạy kèm để chuẩn bị cho ông vào đại học. Khi ông Ebenezer đồng ý với sự sắp đặt này—phí là 1 dollar mỗi tuần—chàng trai Daniel đã khóc vì vui mừng và biết ơn.
Trong thời gian ở với Mục sư Wood, chàng trai Daniel đã bộc lộ trí thông minh và tài ghi nhớ của mình. Chẳng hạn, một ngày nọ, người mục sư bắt gặp học trò của mình làm trái nội quy, trốn vào rừng để đi săn, và ông Wood phạt Daniel học thuộc 100 câu thoại của nhà thơ La Mã cổ đại Virgil vào ngày hôm sau. Chàng trai Daniel đọc thuộc những dòng đó, sau đó hỏi gia sư của mình có muốn nghe thêm 100 dòng nữa không.
Bậc thầy của văn nói
Sau thời gian sống dưới sự giám hộ của mục sư Wood, ông Daniel vào Đại học Dartmouth ở Hanover, New Hampshire. Tại đây, ông trở nên xuất sắc trong việc nghiên cứu văn học, lịch sử và diễn thuyết tiếng Anh. Kỹ năng tranh luận và hùng biện đã sớm đưa ông lên vị trí hàng đầu của lớp trong lĩnh vực đó. Ông tài năng đến mức vào năm 1800, chàng trai 18 tuổi được yêu cầu có bài trình bày vào hôm 04/07 trước các công dân của Hanover. Đây là một phần của bài nói chuyện mà ông đã trình bày ngày hôm đó, một lời bày tỏ lòng kính trọng đối với các cựu chiến binh của Cách mạng Hoa Kỳ đã làm nức lòng đám đông:
Họ đã chiến đấu vì chúng ta! Máu của họ đã đổ vì chúng ta! Họ chinh phục những vùng đất mới cho chúng ta! Chúng ta, hậu thế của họ, sao có thể phủ nhận tổ tiên một cách đáng hổ thẹn, thẳng thừng chối bỏ di sản mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta? Chúng ta có nên nói một lời từ biệt đau buồn với sự tự do và để nó bốc cháy trên bàn thờ mà tổ tiên của chúng ta đã xây dựng không? Không thể nào! Câu trả lời của một quốc gia là, “Không!” Hãy để nó được ghi lại trong kho lưu trữ của Thiên đường!
Sau khi tốt nghiệp, ông Daniel quay về quê hương, theo học ngành luật, và nhanh chóng gây được tiếng vang cả trong nghề luật lẫn và từ khả năng diễn thuyết của mình. Mặc dù được tiểu bang New Hampshire hai lần bầu vào Hạ viện, sự nghiệp của ông chỉ thực sự phát triển khi ông chuyển đến Boston. [Tại Boston], ông đã biện hộ cho hơn 200 vụ kiện trước Tối cao Pháp viện, một lần nữa phục vụ tại Hạ viện, sau đó ông vào Thượng viện, nơi ông cùng với ông Henry Clay(*) từ tiểu bang Kentucky và ông John C. Calhoun(*) từ tiểu bang Nam Carolina đều tìm kiếm con đường bảo vệ các quyền tự do của nước Mỹ, theo cách riêng của mỗi người. Nhiều sử gia vẫn coi những thập niên trước Nội chiến là “Thời đại vàng của nghệ thuật diễn thuyết” tại Thượng viện, một phần chính là vì [tài năng lỗi lạc] của ba quý ông này.
Năm 1852, ông Webster bị ngã ngựa và bị chấn thương đầu. Vài tháng sau, ông qua đời vì những di chứng từ chấn thương đầu và bệnh xơ gan. Ngài Franklin Pierce, sau này là Tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ, sau đó nhắc về người bạn của mình rằng tiểu bang New Hampshire “đã sinh ra người đàn ông vĩ đại nhất, cho đến nay là người vĩ đại nhất, từng sinh ra trên lục địa này, và tôi thực sự tin rằng, ở bất kỳ lục địa nào.”
Những nguyên tắc và giá trị mà ông Webster có được khi còn niên thiếu từ những cuốn sách và từ cha mình, tài hùng biện mà ông rèn giũa khi còn nhỏ, cậu học sinh khao khát thức ăn có thể nuôi sống trí tuệ của mình, tình yêu nước Mỹ mãnh liệt: tất cả những đặc điểm này, cùng với với tham vọng và phẩm chất, đã làm nên nền tảng cốt lõi của người đàn ông này.
Bài báo được đăng lần đầu trên tập san American Essence.
Chú thích của dịch giả:
Henry Clay, Sr. (12/4/1777 – 29/6 /1852) là một chính trị gia và nhà biện thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ trong thế kỷ 19.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times