Một vụ án tại Tòa Thuộc Địa và nguồn cảm hứng của Tu Chính Án Thứ Tư
Luật sư James Otis đã biện hộ cho một vụ án đầy thuyết phục vào năm 1761 nhằm chống lại những lệnh bổ trợ, theo đó, những lệnh này đã trao cho chính phủ quyền lục soát và bắt giữ gần như không giới hạn
Vào những năm 1750, các thương nhân Hoa Kỳ thường buôn lậu hàng hóa để tránh các loại thuế cũng như những quy định hạn chế của chính phủ Anh, điều này đã tạo ra một vấn đề tài chính to lớn cho Vương triều nước Anh. Để giải quyết vấn đề này, Nghị viện Vương quốc Anh đã chấp thuận việc sử dụng các văn kiện bổ trợ đối với những người dân thuộc địa.
Văn kiện bổ trợ chính là một lệnh khám xét chung được cấp cho bất kỳ cảnh sát và quan chức công quyền nào với toàn quyền lục soát nhà, cửa hàng, tàu thuyền hay kho xưởng để tìm hàng buôn lậu. Gắn liền với những tờ văn kiện này là những quyền hạn to lớn như: không cần xác định vị trí; không cần lý do cụ thể để lục soát; không cần chỉ định rõ ràng về thứ được tìm kiếm trong văn kiện; và do đó, không có bất kỳ giới hạn pháp lý nào đối với quyền hạn của những tờ văn kiện này, và chúng đã được liên tục sử dụng hết lần này đến lần khác.
Vào năm 1760, khi các văn kiện này đến hạn gia hạn tại Luân Đôn, 63 thương nhân người Boston đã khởi kiện chính phủ Anh về tính pháp lý của chúng. Ngài James Otis, một luật sư người Boston và là người cố vấn pháp lý trung lập cho tòa án của Vương quyền, đã phụ trách vụ án với nhiệm vụ bảo vệ tính pháp lý của những tờ trát bổ trợ này. Ông đã nói với quan tòa rằng ông đã cân nhắc nhận lãnh nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thay vào đó, ông đã quyết định từ bỏ nhiệm vụ và từ chức – một quyết định có nguy cơ bị buộc tội trốn tránh trách nhiệm.
Luật sư James Otis không chỉ từ chức, mà còn chuyển sang bên nguyên đơn để bảo vệ quyền lợi của 63 thương nhân Boston tại tòa. Ông thậm chí còn không tính phí luật sư. Ông thật sự đã làm như vậy, ông nói, từ “nguyên tắc” và cùng với “niềm vinh hạnh còn to lớn hơn thế… vì nền tự do của Vương quốc Anh,” khẳng định rằng “vì những lý do như vậy, tôi coi thường khoản chi phí nhỏ bé đó.”
Vụ kiện đã được xét xử vào tháng 02/1761. Ông Otis đã dùng lý lẽ tranh luận một cách thành thạo và nhiệt huyết trong suốt cả năm tiếng đồng hồ. Ngài John Adam trẻ tuổi đã chứng kiến màn biện luận này và sau đó đã nhận xét rằng: “Ông Otis chính là một ngọn lửa đang bừng cháy! Cùng với những Điển cố được đưa ra nhanh chóng, một Nghiên cứu sâu rộng, bản Tóm lược những Sự kiện và Ngày tháng Lịch sử đầy mạch lạc, kết hợp nhuần nhuyễn các Quyền hạn Pháp lý, tầm nhìn xa trông rộng, tài hùng biện mạnh mẽ tuôn trào như con thác lớn, ông ấy đã nhanh chóng rời đi trước [ánh mắt] của tất cả người ngồi trước mặt mình. Và như vậy, nước Hoa Kỳ độc lập từ đó được sinh ra.”
Nguồn gốc của Tu Chính Án Thứ Tư
Ngài Otis giải thích tại tòa án rằng, theo lịch sử, các lệnh hợp pháp của chính phủ Vương quốc Anh bao gồm những giới hạn về quyền, ví như việc chỉ định rõ ràng nơi cất giấu tài sản nào hoặc vật phẩm. Tuy nhiên, những lệnh có liên quan đến sự việc năm 1761 áp dụng lên người dân thuộc địa là bất hợp pháp, ông lập luận rằng, những tờ trát này gắn liền với một quyền lực phi pháp “đã đặt tự do của loài người vào tay của một số nhân viên chính phủ nhỏ bé.”
Sau đó, ông đã trình bày bốn lý do tại sao những tờ lệnh này là bất hợp pháp. Đầu tiên, phạm vi ảnh hưởng của những lệnh này “hướng đến tất cả mọi chủ thể nơi được đặt dưới sự thống trị của Nhà Vua. Bất kỳ người nào giữ tờ lệnh này đều có thể trở thành một bạo chúa … Là một bạo chúa hợp pháp, đồng thời, có thể kiểm soát, bỏ tù, hoặc tàn sát bất kỳ người nào trong phạm vi lãnh thổ.” Thứ nhì, những tờ lệnh này có giá trị vĩnh viễn. “Một người không cần phải chịu trách nhiệm với ai vì những việc mình đã làm.” Thứ ba, “Người nào nắm giữ tờ lệnh này, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, có thể ra vào tất cả mọi ngôi nhà, mọi cửa hàng, v.v.. một cách tùy ý, và bắt buộc mọi người phải trợ giúp anh ta.” Và thứ tư, “nhưng tờ lệnh này không chỉ dành cho người được ủy quyền mà thôi, cả những người tôi tớ của họ thậm chí cũng được phép thống trị chúng ta.”
Trong khi những biện luận của ông Otis không ngăn được việc ban hành đối với những lệnh này, ông đã đưa ra lập luận một cách xuất sắc mà sau này đã trở thành nền tảng lý luận và trọng tâm của Tu Chính án Thứ Tư của Hiến Pháp Hoa Kỳ: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Một trong những đặc điểm cơ bản và cố hữu nhất của nền tự do Anh quốc, như Otis lập luận, là quyền tự do tại tư gia của công dân.
“Nhà ở của một người chính là tòa lâu đài của anh ấy; và mặc dù anh ta không lên tiếng, anh ta vẫn phải được bảo vệ đầy đủ như là một vị hoàng tử ở trong lâu đài của mình. Tờ lệnh này, nếu được tuyên bố là hợp pháp, thì sẽ hoàn toàn hủy mất đặc quyền này. Những nhân viên hải quan có thể ra vào cửa nhà chúng ta bất cứ khi nào họ muốn, và chúng ta được ra lệnh phải cho phép họ bước vào. Những tôi tớ của họ cũng có thể ra vào, cũng có thể đập phá những chiếc ổ khóa, hàng rào, và mọi thứ trên đường đi của họ; và liệu rằng họ làm điều đó vì ác tâm hay vì trả thù đi chăng nữa, chẳng có một người nào hay một tòa án nào có thể can dự vào điều đó. Chỉ cần mối nghi ngờ trần trụi mà không cần lập thệ là đã đủ.”
Nhìn vào Tu Chính Án thứ Tư của Hiến Pháp Hoa Kỳ, chúng ta có thể thấy những vị Tổ Phụ Lập Quốc đã tu chỉnh tất cả bốn nhận xét của ông Otis về những văn kiện hỗ trợ này:
“Con người có quyền bất khả xâm phạm về nhân thân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản trước mọi sự khám xét và bắt giữ vô lý. Không một Lệnh nào được đưa ra nếu không có lý do xác đáng được củng cố bởi lời Tuyên thệ hoặc lời khẳng định, đặc biệt cần miêu tả về địa điểm khám xét, người và đồ vật sẽ bị bắt giữ.”
Những quyền bất khả xâm phạm
Tổng thống John Adams đã để lại cho hậu thế một văn bản tóm tắt bài phát biểu của ngài Otis tại tòa. Tổng thống tập trung vào một khái niệm quan trọng khác dàn trải trong bài phát biểu và nội dung đó cũng đã được nhắc lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: Những quyền bất khả xâm phạm được Chúa ban cho là điều mà không một chính phủ nào có thể tước đoạt. Tại một điểm, ngài Adams tuyên bố: “Ngài ấy đã quả quyết rằng đó là những quyền hiển nhiên và bất khả xâm phạm. Những quyền này không bao giờ có thể bị tước bỏ hoặc động chạm đến, duy chỉ từ những kẻ vô tri hay kẻ điên, và tất cả mọi hành động của những kẻ vô tri hay kẻ điên ấy đều vô hiệu và không bị bắt buộc bởi luật của Chúa và luật của loài người.” Những từ ngữ như “hiển nhiên”, “bất khả xâm phạm” và “luật của Chúa” đều xuất hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Tổng thống Adams tiếp tục:
“Ngài ấy khẳng định rằng sự bảo đảm đối với cuộc sống, quyền tự do và tài sản chính là mục tiêu của các cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài của nhân loại – độc tài về thân xác và tinh thần, dân sự và chính trị, quân đội và giáo hội – ở mỗi từng thời kỳ lịch sử. Ngài Otis khẳng định rằng các thế hệ tổ tiên của người Mỹ, với tư cách là con dân Anh quốc, và những người dân thuộc địa là con cháu của họ, cũng là con dân Anh quốc, được hưởng tất cả những quyền lợi của hiến pháp Anh quốc, cũng như luật tự nhiên (và luật tự nhiên của Chúa ấy điều khiển cả vũ trụ) và cho dù đó là một người dân tỉnh lẻ ở vùng đất thuộc địa, hay là công dân của các thành thị như Luân Đôn, Bristol hoặc bất kỳ nơi nào khác ở Anh quốc, cũng không thể được sử dụng để lừa gạt và tước đoạt những quyền này bằng bất kỳ bóng ma của “đại diện thực thụ” nào, hay là bất kỳ luật pháp, hay chính sách hư cấu nào, hay bất kỳ thủ đoạn giả thầy tu với vẻ đạo đức lừa người nào khác.”
Mặc dù là cái tên James Otis không quá nổi tiếng với hầu hết người dân Hoa Kỳ, tuy nhiên ông đã đóng góp rất nhiều cho các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ về luật tự nhiên và những quyền bất khả xâm phạm – bao gồm quyền được bảo hộ về nhân thân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản của công dân. Ông cũng đã dự báo về nguyên tắc lập quốc khái quát mà trong đó chính phủ Hoa Kỳ được sáng lập với mục đích duy nhất là để bảo vệ các quyền công dân được Chúa ban cho và điều này hiện tại đang được gìn giữ một cách tôn kính trong các tài liệu lập quốc của Hoa Kỳ. Nếu như vào năm 1769 ngài Otis không bị đánh vào đầu dẫn đến thiểu năng trí tuệ, thì rất có thể ông đã được công nhận là một trong những vị Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times