Hiểu Hiến Pháp: Cấu trúc chặt chẽ, Trường phái văn bản thuần túy và Trường phái nguyên bản
Các phóng viên và tác giả của các bài bình luận thường phân loại các thẩm phán của Tối cao Pháp viện là “những người theo trường phái văn bản thuần túy”, “những người theo trường phái nguyên bản”, hoặc “những người theo trường phái cấu trúc chặt chẽ”. Và họ thường sử dụng sai các thuật ngữ đó. Ví dụ: chuyên mục ngày 09/12 của tờ Slate coi cả ba thuật ngữ là đồng nghĩa. Điều đó hoàn toàn sai.
Bài viết luận này làm rõ ba thuật ngữ và cách chúng tương tác.
Cấu trúc chặt chẽ
Cấu trúc chặt chẽ có nghĩa như thế này: Nếu một từ hoặc cụm từ có hai ý nghĩa, thì quý vị áp dụng nghĩa hẹp hơn.
Giả sử quý vị đang đọc một tài liệu và thấy từ “rau”. Giả sử tài liệu đó không nói rõ từ này chỉ đề cập đến các loại rau như bông cải xanh và bắp cải hay tất cả các loại thực vật (như trong “động vật, thực vật, hoặc khoáng chất”). Cấu trúc chặt chẽ bắt buộc sử dụng nghĩa hẹp hơn — các loại rau như bông cải xanh và bắp cải.
Ngoài luật hình sự, ngày nay các tòa án hiếm khi áp dụng cấu trúc chặt chẽ. Cấu trúc chặt chẽ cũng hiếm thấy trong trường phái văn bản thuần túy và trường phái nguyên bản.
Trường phái văn bản thuần túy
“Trường phái văn bản thuần túy” có nghĩa là diễn giải một tài liệu từ các từ và cấu trúc của tài liệu đó. Người theo trường phái văn bản thuần túy thường không xem xét các bằng chứng khác về ý định của các bên [soạn thảo văn bản đó]: Các biện pháp kiểm soát văn bản.
Trường phái văn bản thuần túy gắn liền với cố Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia. Ông đã viết bài luận hàng đầu trong cuốn sách nổi tiếng năm 1997 có tên “Vấn Đề Của Việc Diễn Giải” (tái bản vào năm 2018). Ông Scalia cho rằng các thẩm phán nên áp dụng trường phái văn bản thuần túy vào các đạo luật liên bang. Họ nên bỏ qua lịch sử lập pháp và “ý định của các nhà lập pháp” và tập trung vào từ ngữ và cấu trúc của quy định. Đây là những lý do của ông:
- Do khối lượng lớn của luật liên bang, các thành viên của Quốc hội nói chung không biết rõ với hầu hết các chi tiết trong các dự luật mà họ thông qua. Do đó, họ không có “ý định ban đầu” hoặc “sự hiểu biết ban đầu” về những chi tiết đó.
- Các tòa án nên loại trừ lịch sử lập pháp (chẳng hạn như các báo cáo của ủy ban và điều trần) vì các nhân viên của quốc hội và các nhà vận động hành lang thao túng lịch sử lập pháp sau lưng tập thể của Quốc hội.
- Các dự luật của Quốc hội được trở thành luật chỉ sau khi chúng được cả hai viện của Quốc hội thông qua và được tổng thống ký. Lịch sử lập pháp không trải qua những thủ tục đó.
- Các nguồn từ thế kỷ 19 cho rằng trường phái văn bản thuần túy là cách truyền thống để giải thích các quy chế.
- Việc thêm lịch sử lập pháp vào quy trình diễn giải cho phép các thẩm phán có quá nhiều quyền quyết định trong việc lựa chọn một cách có chọn lọc các tài liệu hỗ trợ những kết quả mà các thẩm phán mong muốn.
Tất cả những lý do này áp dụng cho các đạo luật liên bang, không áp dụng cho Hiến Pháp.
Trường phái nguyên bản
Các học giả về Hiến Pháp có nhiều cách khác nhau để định nghĩa “trường phái nguyên bản”, nhưng tôi nghĩ tất cả đều chung chung một điểm: Trường phái nguyên bản là đọc hiểu Hiến Pháp Hoa Kỳ giống như cách mà hầu hết các thẩm phán đã áp dụng ngay sau khi được phê chuẩn – như vào năm 1791 hoặc 1792.
Vào thời điểm đó, các tòa án giải thích hầu hết các văn bản pháp luật, bao gồm cả Hiến Pháp, bằng cách tìm kiếm “ý định của những người soạn thảo”. Họ đã sử dụng bằng chứng bên ngoài nếu cần thiết để xác định ý định đó (pdf). Trong trường hợp của Hiến Pháp, “ý định của những người soạn thảo” là sự hiểu biết của các đại biểu đối với công ước của 13 tiểu bang đã phê chuẩn văn bản đó (“sự hiểu biết nguyên gốc”).
Khi bằng chứng đằng sau một tài liệu không cho thấy “ý định nhất quán của những người soạn thảo”, thì các tòa án ở thế kỷ 18 đã sử dụng một cách thay thế: một người quan sát khách quan sẽ hiểu tài liệu đó như thế nào (“ý nghĩa gốc”).
Những người soạn thảo luật giỏi — và điều đó chắc chắn bao gồm cả những người soạn thảo Hiến Pháp — viết các tài liệu với tầm nhìn bao quát cách các tòa án sẽ giải thích chúng như thế nào. Vì vậy, sự trung thành với Hiến Pháp đòi hỏi chúng ta phải giải thích nó theo cách giống như những những người đã thông qua nó.
Ngẫu nhiên, cách đọc tài liệu theo “ý định của các nhà soạn thảo” đã có từ nhiều thế kỷ trước khi Hiến Pháp được viết ra. Nói chung, Tối cao Pháp viện trung thành với phương pháp đó trong 150 năm đầu tiên của Hiến Pháp. Tuyên bố gần đây cho rằng trường phái nguyên bản là một phát minh mới thực chất là che đậy.
Có nên áp dụng trường phái văn bản thuần túy vào Hiến Pháp không?
Như chúng ta đã thấy, ông Scalia đã lập luận rằng các tòa án nên giải thích các đạo luật liên bang theo phương pháp của trường phái văn bản thuần túy. Ông tiếp tục nói rằng các tòa án cũng nên sử dụng những phương pháp đó để xây dựng Hiến Pháp. Nhưng với điều đó, ông ta không đưa ra các lý do. Hơn nữa, những lý do của ông về việc áp dụng trường phái văn bản thuần túy khi đọc các đạo luật không có ý nghĩa gì đối với việc đọc Hiến Pháp.
Hãy nhớ rằng Hiến Pháp được viết với niềm tin rằng các tòa án sẽ tìm kiếm “ý định của những người soạn thảo” bằng cách xem xét các bằng chứng bên ngoài cũng như các từ ngữ của tài liệu này. Việc áp dụng một phương thức giải thích khác sẽ làm sai lệch Hiến Pháp.
Ví dụ, Hiến Pháp cấm “các đạo luật hồi tố.” Một người theo trường phái văn bản thuần túy có thể nghĩ “luật hồi tố” là bất kỳ luật nào cho phép hồi tố. Nhưng các cuộc tranh luận về Hiến Pháp cho thấy một thỏa thuận rằng cụm từ này sẽ được giới hạn trong các luật hình sự có hiệu lực hồi tố. Phù hợp với các phương pháp thời đó, vào năm 1798, Tối cao Pháp viện đã áp dụng quy định theo ý nghĩa đó, phần lớn dựa vào các hồ sơ nhà nước trước đây và các cuộc tranh luận về Hiến Pháp để phê chuẩn Hiến Pháp — theo cách hiểu nguyên gốc.
Có ít nhất hai lý do khác khiến trường phái văn bản thuần túy, mặc dù phù hợp với các đạo luật, nhưng lại không phù hợp với Hiến Pháp:
Thứ nhất: Hầu hết các đạo luật liên bang đều thuộc thời hiện đại, nhưng Hiến Pháp áp dụng ngôn ngữ bắt nguồn từ môi trường chính trị và pháp lý thế kỷ 18. Quý vị thường phải đào sâu ra ngoài văn bản để hiểu ngôn ngữ đó.
Thứ hai: Các thành viên của Quốc hội thường không biết về các chi tiết luật định vì có rất nhiều đạo luật và chúng thường rất dài. Nhưng chỉ có một bản Hiến Pháp. Bản Hiến Pháp này tương đối ngắn. Nó đã được đọc và tranh luận công khai, từng điều khoản, trong gần ba năm. Chúng ta có các tư liệu lưu trữ đầy đủ về cuộc tranh luận đó. Không có nhân viên quốc hội nào xung quanh để thao túng ý nghĩa. Những người ủng hộ Hiến Pháp đã giải thích cẩn thận và nhiều lần các điều khoản của tài liệu này với tính nhất quán đặc biệt (pdf).
Tại sao lại có sự nhầm lẫn giữa trường phái văn bản thuần túy và trường phái nguyên bản?
Tôi nghĩ rằng sự nhầm lẫn về việc áp dụng trường phái văn bản thuần túy vào Hiến Pháp phát sinh một phần do các giáo sư luật và các nhà bình luận đi theo những định hướng của Trường Luật Harvard — giống như các phương tiện truyền thông chính thống đi theo New York Times. Các ấn phẩm về Hiến Pháp của Harvard có xu hướng tập trung vào các tranh cãi hiện tại hơn là ý nghĩa thực tế của Hiến Pháp. Khi sách luật thế kỷ 18 từ các thư viện Harvard được đăng trên mạng, tôi đã rất ngạc nhiên vì chúng đã được sử dụng ít như thế nào.
Do vị trí lãnh đạo của Trường Luật Harvard, những khiếm khuyết của nó ảnh hưởng đến tất cả luật Hiến Pháp hiện đại. Một biểu hiện của điều này là không ai trong số sáu cây bút đóng góp bài cho mục “Vấn đề của việc diễn giải” (tất cả đều có bằng Harvard) biết được ý nghĩa ban đầu của cụm từ trong Tu chính án thứ Nhất về “quyền tự do ngôn luận”.
Không chỉ là Harvard không tập trung vào Hiến Pháp ban đầu. Một số ấn phẩm của trường này chủ ý gây hiểu lầm. Năm 1985, Tạp chí Luật Harvard đăng một bài báo của một giáo sư trẻ tuyên bố rằng các luật sư và các tòa án của thế hệ sáng lập hoàn toàn là những người theo trường phái văn bản thuần túy. Bài báo này có những sai sót mà các biên tập viên sẽ phát hiện ra nếu họ quan tâm đến: các chú thích sai lầm, các tuyên bố gây hiểu lầm, và các tuyên bố được nghiên cứu không đầy đủ. Nhưng các biên tập viên dường như không quan tâm, có thể vì bài báo này dường như phủ định việc chính phủ Tổng thống Reagan tuân thủ “ý định ban đầu”.
Kể từ khi tác phẩm này được trường Harvard xuất bản, rất ít người thách thức nó, và trong 20 năm sau đó, nhiều nhà bình luận đã dẫn chiếu nó. Mãi cho đến năm 2007, tôi mới có thể sửa lại vấn đề này, cho thấy rằng những Nhà sáng lập rốt cuộc không phải là người theo trường phái văn bản thuần túy (pdf).
Bây giờ chúng ta hãy “quay lại” (để lặp lại một cụm từ đã dùng rất nhiều) với bài báo trên Slate được đề cập ở đầu bài viết luận này. Tác giả viết sai ý nghĩa của trường phái nguyên bản, trường phái văn bản thuần túy, và cấu trúc chặt chẽ. Ông cũng lặp lại huyền thoại phổ biến rằng Điều khoản Cần thiết và Thích hợp của Hiến Pháp “là một quyền lực vô cùng rộng rãi, dường như cho phép Quốc hội làm nhiều điều theo ý muốn mà không có những giới hạn xác định thực sự.”
Ngược lại, nghiên cứu lịch sử và pháp lý về Điều khoản Cần thiết và Thích hợp cho thấy rằng nó đã được định nghĩa khá đầy đủ và còn đặt ra nhiều hạn chế.
Tóm lược
Tóm lại:
- Trường phái nguyên bản có nghĩa là đọc Hiến Pháp như một tòa án hiểu nó ngay sau khi nó được thông qua. Điều này đòi hỏi phải giải thích tài liệu này như nó đã được những người đánh giá hiểu (“cách hiểu ban đầu”) hoặc, nếu không thể khôi phục được sự hiểu biết ban đầu, thì một người khách quan, có hiểu biết sẽ hiểu nó như thế nào (nghĩa gốc).
- Trường phái nguyên bản yêu cầu kiểm tra không chỉ văn bản của Hiến Pháp mà còn cả lịch sử trước đó cũng như luật và bình luận đương thời.
- Trường phái văn bản thuần túy có nghĩa là giải thích văn bản của một tài liệu theo “ý nghĩa khách quan” của nó, mà không quan tâm đến những gì những người soạn thảo tài liệu nghĩ về nó. Trường phái văn bản thuần túy có ý nghĩa nhất trong việc giải thích các đạo luật liên bang.
- Cấu trúc chặt chẽ có nghĩa là khi một từ hoặc cụm từ có nhiều nghĩa, quý vị áp dụng nghĩa hẹp nhất. Trong một số tình huống hiếm hoi, trường phái nguyên bản và trường phái văn bản thuần túy có thể yêu cầu áp dụng cấu trúc chặt chẽ. Một ví dụ là việc giải thích quyền lực của Quốc hội đối với các cuộc bầu cử của chính họ (pdf).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Rob G. Natelson là chuyên gia cao cấp về luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập (Independence Institute) ở Denver, đồng thời là một cựu giáo sư về luật Hiến Pháp và là nhà sử học.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: