Thử nghiệm dùng tiền giấy pháp định đầu tiên của Mỹ quốc
Vào năm 1690, Thuộc địa Vịnh Massachusetts đã bắt tay vào một thử nghiệm ngắn hạn về việc sử dụng tiền giấy pháp định. Cuộc thử nghiệm này đã diễn ra không mấy suôn sẻ.
Quý ngài George Washington — một nhà khảo sát thực địa, một nông dân, một người lính, và còn là một chính khách — chưa bao giờ tự cho rằng ông là một kinh tế gia, tuy nhiên những trải nghiệm ông kinh qua đã dạy cho ông nhiều kiến thức quan trọng về tiền giấy pháp định (Fiat, hay còn gọi là unbacked: tiền không có bảo đảm về giá trị). Khi Quốc hội buộc Lục quân Lục địa của ông phải sử dụng loại tiền này và cố gắng dùng nó để mua lương thực, thì những quân nhân của ông đã phải trải qua những chuỗi ngày thiếu thốn.
Ngược lại, những quân lính của Anh Quốc lân cận được ăn uống no nê bởi vì họ chi trả bằng vàng và bạc. Một vài năm sau, vào năm 1787, ngài Washington đã tuyên bố rằng những tác động không thể tránh khỏi của tiền giấy sẽ “hủy hoại nền thương mại, chèn ép những người trung thực, và là cánh cửa mở ra mọi thể loại gian lận và bất công.”
Siêu lạm phát của đồng dollar Lục địa mà Quốc hội đã in từ năm 1775 đến năm 1780 không phải là giai đoạn [thử nghiệm] tiền giấy đầu tiên ở Bắc Mỹ. Khoảng một thế kỷ trước đó, New England đã từng là một trường hợp thú vị có một không hai trong lịch sử kinh tế. Ngài Washington hẳn phải hiểu rất rõ về giai đoạn này.
Kinh tế gia của Trường phái kinh tế Áo, ông Murray Rothbard, đã đề cập một cách ngắn gọn về trường hợp tại New England này trong một bài báo năm 1963 cho Tổ chức Giáo dục Kinh tế, với nhan đề “Chủ Nghĩa Trọng Thương: Bài Học Cho Thời Đại Của Chúng Ta.”
“Massachusetts có một vụ tai tiếng về việc phát hành tiền giấy của chính phủ đầu tiên trong lịch sử thế giới phương Tây — nói đúng hơn là lịch sử của toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc,” ông viết.
“Lần phát hành định mệnh này được thực hiện vào năm 1690, nhằm chi trả cho một cuộc viễn chinh cướp bóc chống lại thuộc địa Canada của nước Pháp. Cuộc viễn chinh này đã thất bại nặng nề. Tuy nhiên, ngay cả trước khi sự việc này diễn ra, [thì] những người đứng đầu thuộc địa cũng đã bận rộn đề xướng các kế hoạch phát triển loại tiền giấy này.”
Cuộc viễn chinh mà ông Rothbard đề cập đến bắt nguồn từ cuộc chiến tranh của Vua William (1688–97) từ Âu Châu, lan sang các thuộc địa của nước Anh ở khu vực Bắc Mỹ. Vào tháng 08/1690, dưới sự chỉ huy của Ngài William Phips, 34 con tàu cùng 2,000 người đã rời khỏi cảng Boston trong một sứ mệnh chiếm lấy tiểu bang Quebec ở Tân Pháp (khu vực Canada có người Pháp chiếm đa số).
Các nhóm binh lính được hứa là họ sẽ được chi trả bằng chiến lợi phẩm mà ngài Phips kỳ vọng chiếm được sau khi giành lấy Quebec, thế nhưng vào cuối mùa thu, ông bị đánh bại và quay trở lại Thuộc địa Vịnh Massachusetts với hai bàn tay trắng [mà không có được chiến lợi phẩm nào để trả công cho những người lính]. Nguy cơ binh biến có thể xảy ra khi những người lính yêu cầu được trả lương. [Lúc này], ngân khố của họ đã cạn kiệt, vì thế vào ngày 10/12 chính phủ thuộc địa quyết định phát hành một lượng tiền giấy trị giá tương đương 7,000 bảng Anh.
Tuy nhiên, cuộc viễn chinh thất bại đó đã tiêu tốn hơn cả 7,000 bảng Anh — thực tế ước tính lên đến 50,000 bảng Anh. Vào ngày 03/02/1691, chính phủ Thuộc địa Vịnh Massachusetts đã phát hành một lượng tiền giấy khác nữa và tuyên bố rằng số tiền đó có thể được dùng để nộp thuế.
Tiền giấy của Thuộc địa Vịnh Massachusetts trong những năm 1690-1691 chỉ được “bảo đảm” bởi thiện chí của chính quyền thuộc địa, chứ không phải được bảo đảm bằng tiền đồng hoặc đất đai như các loại tiền giấy trước đó. Các nhóm binh lính nói trên và các chủ nợ khác không hài lòng về điều này (loại tiền giấy này bắt đầu giảm giá trị tức thì), tuy nhiên [rất may là] nhiều sự kiện diễn ra liên tiếp một cách nhanh chóng sau đó đã ngăn chặn một cuộc nổi dậy và tình trạng lạm phát mất kiểm soát.
Vào tháng Năm, chính phủ đã thông qua một đạo luật nhằm giới hạn tổng số tiền giấy được phát hành là 40,000 bảng Anh. Họ khóa các máy in tiền nhằm ngăn không cho bất kỳ ai in được nữa. Vào tháng Mười, họ đã tiêu hủy ít nhất 10,000 bảng Anh trong khoản tiền đó, vốn đã được dùng để nộp thuế vào Ngân khố. Hơn nữa, vào cuối năm, họ đã đánh thuế 30,000 bảng Anh trong các loại thuế mới nhằm mục đích thu hồi tất cả số tiền giấy còn lại này. Và chính ngài Phips cũng đã dùng phần lớn tài sản cá nhân của mình để mua lại hầu hết khoản tiền còn lại đó bằng vàng.
Hai mươi năm sau đó, trải nghiệm đầu tiên của Thế giới phương Tây về siêu lạm phát tiền giấy đã diễn ra tại nước Pháp. Từ năm 1715 đến năm 1720, khi không có bất kỳ điều khoản nào hạn chế tiền giấy của Thuộc địa Vịnh Massachusetts in trong giai đoạn năm 1690–1691, nước Pháp đã in ấn tiền cho đến khi những đồng tiền này trở nên hoàn toàn vô giá trị.
Việc phá giá tiền tệ của một quốc gia là một hoạt động được rất nhiều chính phủ ưa chuộng từ lâu đời, nhiều hơn số lượng chúng ta có thể đếm được. Trước khi xuất hiện hình thức tiền giấy, thì việc này được thực hiện dưới hình thức cắt nhỏ các đồng xu, có lúc bị cắt quá nhỏ đến mức không thể cho lưu hành, hoặc bằng cách khác nữa là trộn các kim loại có lẫn tạp chất với các kim loại quý. Những người Israel cổ đại đã bị nhà tiên tri Isaiah chỉ trích vì điều đó (“Bạc của các ngươi đã trở thành cặn bã”). Những người La Mã đã chi trả cho phúc lợi xã hội hoặc cho các cuộc chiến tranh của nhà nước họ bằng cách không ngừng phá giá tiền tệ. Các tiểu bang siêu nhỏ của nước Đức nổi tiếng với việc làm tương tự như vậy trong cuộc Chiến Tranh Ba Mươi Năm (1618–48), v.v., và v.v. Ít ra thì Thuộc địa Vịnh Massachusetts đã nhanh chóng chấm dứt việc phá giá tiền tệ này vào thế kỷ 17.
Nhân tiện, dù là theo tiêu chuẩn vàng hay bạc, thì cũng không có nghĩa là tiền giấy không được phép in. Đơn giản là điều này có nghĩa rằng, tiền giấy là một vật thay thế có tính trao đổi cho món đồ có giá trị thực. Khi mà các đồng tiền của họ có sự “bảo đảm về giá trị” bằng vàng hoặc bạc thật, thì mọi người có thể yêu thích sự tiện lợi của tiền giấy, và cũng có thể tự tin khi dùng, nếu họ biết rằng họ có thể chuộc lại [đúng giá trị] khi họ có nhu cầu.
Điều gì đã khiến Thuộc địa Vịnh Massachusetts tiến hành vào một cuộc thử nghiệm ngắn hạn về tiền giấy pháp định vào năm 1690? Vì sao họ không đơn thuần là thực hiện việc này như họ và các chính phủ thuộc địa khác đã từng thực hiện, cụ thể là, ngay lập tức đề nghị đổi tiền giấy thành tiền xu hoặc đất đai? [Việc phải chi trả] các phí tổn do chiến tranh không phải là toàn bộ đáp án cho câu hỏi này.
Theo sử gia Richard Sylla, hiến chương và xưởng đúc tiền của Thuộc địa Vịnh Massachusetts bị bãi bỏ vào năm 1684. Mãi cho đến khi hiến chương và xưởng đúc tiền được khôi phục, thì họ không còn cách nào khác là buộc phải tham gia vào biện pháp mà ông gọi là “đổi mới tiền tệ.”
Mở rộng từ luận điểm đó, sử gia Dror Goldberg nói rằng với việc không có một hiến chương sau năm 1684, thì tất cả đất đai của thuộc địa đều trao lại cho nhà Vua, không ai khác ngoài nhà Vua có thể cấp đất của ông cho bất kỳ người nào. Mãi cho đến khi một hiến chương mới có thể được đàm phán, thì London đã cấm thuộc địa này vận hành một xưởng đúc tiền, điều này đã ngăn chặn việc dùng tiền xu để bảo đảm giá trị cho tiền giấy. Điều tốt nhất mà Thuộc địa Vịnh Massachusetts có thể thực hiện là in tiền giấy với việc không có gì khác hơn ngoài một lời hứa mơ hồ rằng sẽ quy đổi loại tiền này thành một thứ gì đó có giá trị vào một ngày nào đó trong tương lai.
Như ông Goldberg viết, “Tuy rằng tiền giấy phải được phát hành để trả lương cho quân đội, nhưng nó phải trông như thể nó không phải là tiền.”
Về mức độ được thừa nhận [của loại tiền giấy này] ở Thuộc địa Vịnh Massachusetts, người dân ở đây không bị buộc phải sử dụng tiền giấy phát hành vào những năm 1690-1691. Vì chính phủ không tuyên bố đây là tiền pháp định, nên không ai bị buộc phải sử dụng loại tiền này khi chi trả các khoản nợ. Thậm chí là không có quân đội nào bị ép buộc phải chấp nhận hoặc dùng loại tiền này cho bất kỳ khoản chi trả nào. Do vậy loại tiền này nhanh chóng bị thu hẹp và thu hồi. Tất cả những điều này cho thấy rằng, với mức độ thành công của loại tiền giấy này, là vì nó đã dựa trên một tiêu chuẩn tiền tệ có bảo đảm giá trị vững chắc hơn là một thử nghiệm thực sự đối với loại tiền giấy lâu dài, không có bảo đảm về giá trị, và không thể quy đổi.
Trên thực tế, các tờ tiền này là những hồ sơ chứng minh vay mượn ngắn hạn.
Sự hoài nghi của ngài George Washington về tiền giấy vẫn còn đó. Kinh nghiệm của Thuộc địa Vịnh Massachusetts trong những năm 1690-1691 không cho thấy rằng, tiền giấy pháp định không có bảo đảm về giá trị là một lựa chọn tốt, trừ khi các biện pháp được thực hiện gần như ngay lập tức để phá hủy hoặc bảo đảm giá trị cho loại tiền giấy này, trong trường hợp đó, người ta phải đặt câu hỏi, vậy cớ gì người ta lại bận tâm đến loại tiền này ngay từ đầu?
Để biết thêm thông tin, mời quý vị tham khảo các bài viết sau:
Bài viết nguyên gốc được đăng tải trên trang FEE.org
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times