Bảo vệ Hiến Pháp: Các Nhà Sáng Lập Hiến Pháp đã không vi phạm sự ủy thác
Đây là bài thứ năm trong loạt bài tiểu luận bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ trước những cáo buộc chung chống lại Hiến Pháp. Bài tiểu luận này xem xét tuyên bố rằng các nhà sáng lập—các nhà soạn thảo Hiến Pháp—đã dàn dựng một cuộc đảo chính bằng cách đệ trình một bản Hiến Pháp mới.
- Bài viết thứ nhất: Kiến thức công dân sơ đẳng: Hiểu Hiến Pháp như thế nào?
- Bài viết thứ hai: Bảo vệ Hiến Pháp: ‘Thỏa hiệp Ba-Phần-Năm’ không dựa trên phân biệt chủng tộc
- Bài viết thứ ba: Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao các Nhà Sáng Lập không thể bãi bỏ chế độ nô lệ
- Bài viết thứ tư: Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao Bình đẳng cho Tiểu bang trong Thượng Viện lại có ý nghĩa
Như thường được nêu, cáo buộc đó là:
Quốc hội Hợp bang đã thông qua nghị quyết triệu tập một hội nghị với mục đích chỉ giới hạn trong việc đệ trình sửa đổi đối với Thỏa thuận Hợp bang [còn được gọi là Điều khoản Hợp bang]. Tuy nhiên hội nghị này đã bỏ qua các giới hạn về thẩm quyền của mình và thay vào đó đã soạn thảo một văn bản mới hoàn toàn. Hơn nữa, Thỏa thuận chỉ có thể được sửa đổi khi có sự phê chuẩn của Quốc hội và sự đồng thuận của các tiểu bang. Nhưng hội nghị này đã đơn phương thay đổi quy tắc để cho phép chín tiểu bang phê chuẩn.
Lời cáo buộc này rất cổ xưa: Nó đã xuất hiện lần đầu tiên trong các cuộc tranh biện phê chuẩn năm 1787–1790. Mặc dù các học giả đương thời đã lật tẩy lời buộc tội này (pdf), nhưng những người chỉ trích Hiến Pháp vẫn tiếp tục rêu rao.
Khi làm điều này, họ đã bỏ qua các sự kiện quan trọng dẫn đến hội nghị; không đọc kỹ nghị quyết của Quốc hội; không biết về nguồn gốc thực sự của quyền hạn của những nhà sáng lập; không biết rằng Quốc hội đã thực sự chuẩn y văn kiện của hội nghị; và bỏ qua các nguồn [dẫn chứng] lịch sử quan trọng.
Chúng ta hãy đánh giá từng điểm này.
Các sự kiện dẫn đến Hội nghị
Năm 1787, các tiểu bang ràng buộc lẫn nhau theo một thỏa thuận lỏng lẻo được gọi là Thỏa thuận Hợp bang. Theo Thỏa thuận này, các tiểu bang ủy thác cho Liên minh (Confederation) trách nhiệm hạn hẹp, chủ yếu là về quốc phòng và các vấn đề ngoại giao.
Mặc dù một số người gọi Thỏa thuận này là “Hiến Pháp đầu tiên của chúng ta”, nhưng đây là một cách hiểu sai. Trong kỷ nguyên thành lập, một “liên minh” có nghĩa là một hiệp ước hoặc liên kết. Thỏa thuận này tương tự như NATO, và Quốc hội tương tự như cơ quan quản trị của NATO, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương.
Giống như các hiệp ước khác, Thỏa thuận này cho phép các tiểu bang riêng lẻ tự do giải quyết hầu hết các vấn đề của họ. Ngay cả khi các vấn đề là chung đối với một số tiểu bang, thì các tiểu bang cũng thường không đưa ra trước Quốc hội. Thay vào đó, họ tham gia vào các cuộc đàm phán song phương hoặc đàm phán đa phương thông qua “hội nghị các tiểu bang”.
Một hội nghị các tiểu bang đã họp tại Annapolis, Maryland, vào tháng 09/1786. Hội nghị này đã đề nghị các cơ quan lập pháp tiểu bang cử các đặc phái viên (đại biểu) đến một đại hội mới ở Philadelphia vào tháng Năm sau đó với quyền được đề nghị một chính phủ trung ương mạnh hơn.
Cơ quan Lập pháp New Jersey đã hồi đáp vào tháng 11/1786 bằng cách chỉ định các đặc phái viên cho hội nghị mới này. Cơ quan Lập pháp tiểu bang đã trao cho các đặc phái viên của mình quyền mở rộng để thảo luận và đề xướng bất kỳ thay đổi nào trong hệ thống chính trị mà họ cho là phù hợp với lợi ích của liên minh.
Tháng sau đó, Cơ quan Lập pháp Virginia đã ban hành một “triệu tập” (lời mời) hội nghị chính thức đến các tiểu bang khác. Virginia chỉ định các đặc phái viên và cấp cho họ quyền hạn tương tự như quyền hạn mà Cơ quan Lập pháp New Jersey đã cấp cho các đặc phái viên của mình:
“Đưa ra và thảo luận về tất cả các Thay đổi liên quan và các Điều khoản xa hơn mà có thể cần thiết để làm cho Định chế Foederal [trích nguyên văn] phù hợp với các yêu cầu của Liên minh và báo cáo Đạo luật cho mục đích này đến Liên minh các Tiểu bang tại Quốc hội khi được họ đồng ý và được xác nhận hợp lệ bởi một vài Tiểu bang để cung cấp hiệu lực như vậy”.
Lưu ý rằng cụm từ “Định chế Foederal” (Foederal constitution) có nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, theo cách sử dụng phổ biến lúc bấy giờ. Cụm từ này không chỉ đề cập đến Thỏa thuận Hợp bang, như một số nhà phê bình giả định.
Các quyền hạn được liệt kê trong “triệu tập” của Virginia — được đề nghị bất kỳ “Điều khoản mà có thể cần thiết ” khiến hệ thống chính trị “phù hợp” — đã trở thành cơ sở để có thêm năm tiểu bang đồng ý tham gia trong các tuần trước ngày 21/02/1787.
Nghị quyết của Quốc hội không phải là lệnh triệu tập hội nghị
Vào tháng 02/1797, một ủy ban do ông John Dickinson ở Delaware đứng đầu (người chủ trì đại hội Annapolis) đã đề nghị Quốc hội tán thành mật nghị Philadelphia đang chờ phê chuẩn. Ông Dickinson tin rằng một đề xướng, mặc dù không bắt buộc thực thi, nhưng sẽ tạo được sự ủng hộ của công chúng.
Các thủ tục của Quốc hội chỉ rõ và mọi người đều hiểu rằng trừ khi có điều gì đó thay đổi, đại hội sẽ có thể đề nghị cải cách toàn bộ hệ thống chính trị. Nhưng New York không muốn điều này. Các đại biểu quốc hội của New York đã đề nghị Quốc hội khuyến nghị hội nghị giảm phạm vi [công việc] xuống chỉ còn là đệ trình sửa đổi Thỏa thuận Hợp bang.
Đề nghị của New York không thành công. Nhưng vào ngày 21/02/1787, phái đoàn quốc hội Massachusetts đã đạt được một nghị quyết thỏa hiệp. Nghị quyết này chỉ thể hiện “ý kiến” của Quốc hội rằng hội nghị tập trung vào việc sửa đổi Thỏa thuận Hợp bang. Tôi đã viết nội dung này trong một nghiên cứu năm 2013 (pdf):
“Nghị quyết đạt được này không phải là một ‘triệu tập’ hội nghị hay đưa ra một khuyến nghị. Trên thực tế, nghị quyết này đã bỏ qua ngôn ngữ khuyến nghị trong đề xướng của ủy ban (do ông John Dickinson ở Delaware đứng đầu) và trong đề nghị của New York. Nghị quyết được thông qua chỉ đơn thuần khẳng định rằng ‘theo ý kiến của Quốc hội, cần thiết để một đại hội ‘được tổ chức tại Philadelphia với mục đích duy nhất và rõ ràng là sửa đổi Thỏa thuận Hợp bang’ …
“Có lẽ, thực sự là bất thường khi rất nhiều người viết đã lặp lại tuyên bố rằng Quốc hội triệu tập Hội nghị Lập hiến và giới hạn phạm vi pháp lý của Hội nghị này. Thứ nhất, Quốc hội Hợp bang không có quyền đưa ra lời triệu tập ràng buộc về mặt pháp lý. Nếu các tiểu bang quyết định tham dự hội nghị, thì là theo luật các tiểu bang — chứ không phải Quốc hội — quyết định phạm vi quyền hạn cho các đại biểu của họ. Thứ hai, Thỏa thuận Hợp bang đã không trao cho Quốc hội quyền hạn để giới hạn phạm vi đó. Chắc chắn là, Quốc hội, giống như bất kỳ cơ quan đại diện nào, có thể đề nghị với các thành viên chính một chương trình hành động ngoài thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng chắc chắn không phải là việc hạn chế phạm vi của một đại hội về mặt pháp lý. Thứ ba, thông qua diễn đạt từ ngữ cụ thể, nghị quyết của Quốc hội thậm chí đã không phải là một lời triệu tập hay hạn chế mang tính khuyến nghị. Như đã trình bày ở trên, Quốc hội đã bỏ thuật ngữ chính thức ‘khuyến nghị’ và chọn cách diễn đạt là ‘ý kiến của Quốc hội’.
Quốc hội có thể bày tỏ “ý kiến” của mình, nhưng chỉ trong phạm vi của riêng họ, các tiểu bang có thể làm những gì họ cho là tốt nhất. Sau ngày 21/02/1787, có thêm năm tiểu bang đã bỏ phiếu ủng hộ cử các đặc phái viên đến Philadelphia — chỉ có Massachusetts và New York giới hạn quyền của các đặc phái viên cho việc sửa đổi Thỏa thuận. Và trong số bảy tiểu bang đầu tiên đã cam kết, không có tiểu bang nào thu hẹp phạm vi quyền hạn của các đặc phái viên của họ.
Chỉ sau này các nhà phê bình đã ngụy tạo lại “ý kiến” của Quốc hội thành một tuyên bố rằng Quốc hội đã triệu tập đại hội và giới hạn phạm vi của nó.
Nguồn gốc thực sự về thẩm quyền của những Nhà Sáng Lập Hiến Pháp
Luật của thế kỷ mười tám và thực tiễn của hội nghị cho chúng ta biết rằng thẩm quyền của hội nghị được xác định bởi các ủy thác mở rộng hoặc giấy ủy quyền được cấp bởi đa số các tiểu bang. Các tài liệu khác, bao gồm một lá thư do ông John Jay viết vào đầu năm 1787 gửi cho ngài George Washington, xác nhận điều này.
Các nhà phê bình chỉ ra rằng một số đặc phái viên, đặc biệt là những người từ Massachusetts và New York, họ đã đặt câu hỏi về nguồn gốc và mức độ quyền hạn của các đặc phái viên. Nhưng các giấy ủy quyền của đa số các đặc phái viên đều đã rõ ràng. Họ thậm chí còn thông qua một nghị quyết có hiệu lực, như ông Charles C. Pinckney của North Carolina đã ghi, “tuyên bố rằng hội nghị không hành động theo thẩm quyền khuyến nghị của Quốc hội.”
Ông Hugh H. Brackenridge, một luật sư xuất sắc của Pennsylvania (và sau này là thẩm phán của Tối cao Pháp viện tiểu bang), đã tóm tắt tình hình pháp lý ngay sau khi hội nghị kết thúc:
“Việc triệu tập hội nghị này không bắt nguồn từ Quốc hội; mà bắt đầu bởi tiểu bang Virginia, đã được tiểu bang này thực thi, mà không có bất kỳ gợi ý nào về sự cần thiết về biện pháp này từ Quốc hội; đó là một thủ tục hoàn toàn không thuộc liên minh, và không liên quan đến Quốc hội.”
Sự chấp thuận của Quốc hội và sự phê chuẩn của tất cả các tiểu bang
Các nhà phê bình phàn nàn rằng Quốc hội đã không thông qua một nghị quyết chính thức phê chuẩn [Hiến Pháp]. Nhưng đây không phải là lỗi của những nhà sáng lập Hiến Pháp: Họ đã gửi [dự thảo] Hiến Pháp đến Quốc hội để phê chuẩn, nhưng Quốc hội đã nghi ngờ quyền lực của mình để có thể chính thức phê chuẩn. Quốc hội đã bỏ phiếu đồng thuận hoàn toàn để gửi bản dự thảo Hiến Pháp này tới các tiểu bang để phê chuẩn, và hành động này đã được hiểu là sự phê chuẩn không chính thức.
Cáo buộc rằng Thỏa thuận Hợp bang quy định tất cả 13 tiểu bang phải thông qua bất kỳ sửa đổi là sao? Một câu trả lời là tất cả 13 tiểu bang, trên thực tế, đã phê chuẩn Hiến Pháp. Nhưng một câu trả lời căn bản hơn là Hiến Pháp không phải là một sửa đổi của Thỏa thuận Hợp bang. Đây là một quyết định của các bên đã ký kết hiệp ước để thay thế hiệp ước đó bằng một thỏa thuận mới.
Các bên ký kết hiệp ước luôn có quyền lực này. Trong trường hợp này, quyền lực đó đã tăng gấp đôi, bởi vì một số tiểu bang đã vi phạm các quy định của Thỏa thuận Hợp bang, chẳng hạn như không trả các khoản tài chính bắt buộc. Việc một bên vi phạm hiệp ước sẽ giải thoát các bên khác khỏi nghĩa vụ của họ.
Dựa vào quá ít nguồn thông tin
Cũng giống như nhiều kẻ vu khống khác chống lại Hiến Pháp, cáo buộc về việc những nhà sáng lập Hiến Pháp đã dàn dựng một cuộc đảo chính dựa trên việc hiểu sai một số quá ít các nguồn thông tin. Một số người dường như nghĩ rằng họ là “các chuyên gia” về Hiến Pháp bởi vì họ đã đọc các biên bản hội nghị của ông James Madison và các bài Tiểu luận Liên bang (Federalist Papers). Nhưng những nguồn thông tin đó chỉ bao gồm được một phần nhỏ của các ghi chép lịch sử.
Ví dụ, một số kẻ thù của Hiến Pháp dường như nghĩ rằng sự biện hộ yếu ớt của ông Madison đối với thẩm quyền của hội nghị trong bài Tiểu luận Liên bang số 40 là tất cả những gì được nói về chủ đề này. Nhưng phạm vi được ủy quyền của các đại biểu cho thấy rằng ông Madison đã viết thiếu, chưa đầy đủ về vấn đề này, có thể là vì ông không có các bản sao của nội dung ủy quyền khi ông viết bài Tiểu luận số 40. (Thực tế ông ấy ở xa nhà vào thời điểm đó).
Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết kẻ thù của Hiến Pháp thà tấn công chứ không đi tìm kiếm sự thật.
Tóm lại: Tuyên bố rằng Hiến Pháp là một “cuộc đảo chính” là một sự vu khống chống lại các nhà sáng lập. Đại đa số các đại biểu của hội nghị có toàn quyền hành động như họ đã làm. Và một số ít nhỏ nhoi trong các đại biểu đó không có toàn quyền, hầu hết đều đã không ký vào bản Hiến Pháp.
Đón xem bài viết thứ sáu: Bảo vệ Hiến Pháp trước những người của ‘chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại’ |
Tác giả Rob Natelson là chuyên gia cao cấp về luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập tại Denver, là cựu giáo sư về luật Hiến Pháp, nhà sử học. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Văn Kiện Này Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3 năm 2014)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: