Người Trung Quốc ở hải ngoại đổ xô đi mua thuốc trong bối cảnh thiếu hụt thuốc men
Các quốc gia khác rơi vào tình trạng đáng báo động khi hoạt động mua hàng số lượng lớn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp
Số ca nhiễm COVID tăng đột biến đã khiến các thành phố và thị trấn trên khắp Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu thuốc men trầm trọng. Khi hàng triệu người Trung Quốc rất khó khăn để mua được thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, và thuốc ho, thì nhiều Hoa kiều ở hải ngoại cũng đổ xô đi mua thuốc để gửi về đại lục. Hành động mua hàng ồ` ạt này đang gây ra tình trạng báo động ở các quốc gia khác.
Một dược sĩ ở Osaka, Nhật Bản chỉ xưng tên là Kitajima, nói với The Epoch Times hôm 21/12 rằng nhiều người mua “đang chộp lấy” các miếng dán hạ sốt, thuốc ho và thuốc cảm lạnh, khẩu trang, cũng như thuốc nhỏ mắt để gửi về Trung Quốc.
Việc mua hàng với số lượng lớn đã khiến các hiệu thuốc Nhật Bản thiếu nguồn cung cấp thuốc.
“Một số hiệu thuốc [ở Nhật Bản] đang bắt đầu kiểm soát số lượng mua hàng, và hàng hóa về mỗi ngày cũng không đủ phục vụ, điều đó có nghĩa là ở đây đang thiếu nguồn cung sản xuất,” anh Kitajima nói thêm.
Xếp hàng dài chờ mua thuốc
Hôm 07/12, các cơ quan y tế của Trung Quốc đã ban hành cái gọi là bộ quy tắc “Mười Điều Mới”, báo hiệu việc chấm dứt chính sách zero COVID và chuyển sang sống chung với virus.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc bất ngờ quay ngoắt chính sách phòng chống dịch bệnh đã kéo theo sự gia tăng bùng nổ số ca nhiễm bệnh và khiến người dân vô cùng hoang mang. Nhiều thành phố chứng kiến những hàng dài người xếp hàng trong bối cảnh dân chúng đổ xô đi mua thuốc cảm và thuốc hạ sốt, thậm chí trái đào vàng đóng hộp và nước điện giải cũng bị vợt lấy trong chớp mắt.
Cô Trương Dương (hóa danh), một cư dân ở thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 21/12: “Mấy ngày nay tôi bị ho, đi hiệu thuốc nhưng không mua được thuốc cảm, tôi đi đến mấy hiệu thuốc mà cũng không tìm thấy bất kỳ loại thuốc cảm nào. Dì của tôi bị sốt 40 độ [C, hay 104 độ F]. Người nhà tôi cũng cho kết quả dương tính; không có thuốc hạ sốt, thì chúng tôi chỉ biết cắn răng mà chịu đựng thôi.”
Anh Đào Hoa (hóa danh), một người dân ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cho biết dịch bệnh ở thành phố này đang rất nghiêm trọng: “Tôi không thể mua bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Họ hàng thân quyến của tôi đều bị sốt và tất cả đều cho kết quả dương tính. Chúng tôi không có thuốc ở nhà … Anh trai và cháu gái của tôi đều bị sốt 39 độ [C], và họ cũng không có thuốc.”
Anh Đào cho biết giá khẩu trang đã tăng chóng mặt, trong đó khẩu trang N95 được bán với giá gấp 4-5 lần giá bình thường.
Sự thất vọng đã tồn tại trước khi có ‘Mười Điều Mới’
Anh Đào lưu ý rằng việc không thể mua thuốc để điều trị các triệu chứng của COVID đã tồn tại trước khi Trung Quốc nới lỏng chính sách zero COVID.
“Trong thời gian thành phố bị phong tỏa, chúng tôi không được phép mua thuốc cảm lạnh do các hiệu thuốc hạn chế bán thuốc,” anh Đào cho biết. Anh giải thích rằng nếu người dân có thể mua được thuốc hạ sốt, thì chính quyền sẽ không có cớ nào để bắt người dân phải tuân thủ các biện pháp khắc nghiệt chẳng hạn như đến các điểm cách ly.
“Hiện tại đã mở cửa rồi, người dân có thể tự đi mua thuốc, nhưng không có thuốc cảm mà mua. Tôi cảm thấy chính quyền hình như đang muốn chọc tức chúng tôi thì phải,” anh Đào nói.
Cô Vương Dao (hóa danh), một người gốc Trung Quốc sống ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng “ngoài việc lo lắng ra” thì cô không thể giúp gì cho người thân của mình ở Bắc Kinh. Cô Vương nói: “Tôi đã đi đến một số hiệu thuốc, nhưng tôi không thể mua được bất cứ loại thuốc nào để hạ sốt.”
Thiếu sự tin tưởng
Theo anh Đông Hoằng (hóa danh), một người Trung Quốc sống ở Nhật Bản, còn có một lý do khác khiến Hoa kiều đổ xô đi mua thuốc ở hải ngoại.
“Ngày nay, người dân Trung Quốc không tin tưởng vào chính quyền, và họ nghĩ rằng thuốc men và hàng hóa nhập ngoại sẽ tốt hơn. Ngay cả khi họ [có thể] mua thuốc, họ vẫn nghĩ rằng thuốc ngoại có hiệu nghiệm hơn, bởi vì họ đã bị ĐCSTQ lừa dối từ khi còn nhỏ.”
Truyền thông quốc tế đưa tin người Trung Quốc đổ xô đi mua thuốc
Hành trình tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 trong tuyệt vọng đang trở thành tiêu đề chính trên toàn thế giới.
Thông Tấn Xã Trung ương (CNA) có trụ sở tại Đài Loan đưa tin hôm 16/12 rằng, các hiệu thuốc ở Hồng Kông, Ma Cao, và Úc báo cáo tình trạng thiếu thuốc giảm đau và hạ sốt sau làn sóng mua hàng ồ ạt. Các hiệu thuốc đã buộc phải giới hạn việc mua thuốc.
Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), nhiều người đã gọi đến Đài phát thanh Ma Cao để thông báo về tình trạng thiếu hụt que thử xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm nhanh) và thuốc chống dịch ở Ma Cao, cũng như các loại thuốc cảm và thuốc hạ sốt nói chung. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ma Cao đã phản ứng bằng cách ban hành hướng dẫn cho các hiệu thuốc, trong đó hướng dẫn họ áp dụng các biện pháp hạn chế mua hàng, cụ thể là mỗi người chỉ được mua tối đa năm bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 và mỗi lần đến chỉ được mua một hộp thuốc giảm đau hạ sốt.
Những Hoa kiều sống ở Úc gần đây đã bắt đầu gửi thuốc Panadol dạng viên về Trung Quốc cho bằng hữu và thân nhân. Loại thuốc do Úc sản xuất này đã được các cơ quan chức năng chính thức công nhận là có thể kiểm soát các triệu chứng COVID-19.
Tại Hoa Kỳ, khi cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc trùng với mùa cúm tồi tệ nhất trong mười năm trở lại đây, các hiệu thuốc lớn bắt đầu thiếu thuốc hạ sốt và bắt đầu hạn chế việc mua hàng.
Một trang web của cộng đồng người Hoa ở New York cho biết trong một bài đăng hôm 17/12 rằng kịch bản mà thường phổ biến ở giai đoạn đầu của đại dịch, trong đó khẩu trang được mua với số lượng lớn và gửi trở lại Trung Quốc, nay đã xuất hiện trở lại. Lần mua hàng này liên quan đến thuốc hạ sốt và thuốc ho.
Một người mua hàng Trung Quốc đã đăng một video lên mạng xã hội về chuyến mua sắm tại cửa hàng Costco của Mỹ hôm 15/12: giỏ hàng của cô chất đầy các loại thuốc cảm, thuốc hạ sốt, và vitamin C.
Bài đăng này đã khiến dư luận không khỏi phẫn nộ với những bình luận của người dùng mạng xã hội phàn nàn rằng người mua Trung Quốc đang làm cạn kiệt nguồn cung cấp y tế rất cần thiết của Mỹ.
Các công dân Trung Quốc cũng phàn nàn rằng nhiều người Trung Quốc khác đang tích trữ thuốc men.
Cô Thường Lâm Vân (Chang Linyun), một bà mẹ 42 tuổi, sống tại Bắc Kinh, cho biết cô đã nhờ một người bạn ở Úc mua thuốc hạ sốt cho cậu con trai nhỏ của mình: “Tôi muốn mua hai chai Panadol và hai chai Nurofen …… [nhưng] bạn tôi nói với tôi rằng các hiệu thuốc gần nhà cô ấy ở Melbourne đã bán hết thuốc hạ sốt vì có quá nhiều người Trung Quốc cũng đã đến mua.”
Tâm lý mua hàng hoang mang
Anh Kitajima lo lắng rằng nếu người mua Trung Quốc tiếp tục dự trữ các loại thuốc men như vậy, thì Nhật Bản có thể gặp khủng hoảng nếu dịch bệnh bùng phát ở nơi này. Dược sĩ này cho biết điều này đặc biệt đáng lo ngại bởi vì người Nhật thích tự điều trị tại nhà hơn là đến bệnh viện.
Cô Mizobe Hgasi, một công dân Nhật Bản lại sợ rằng cô sẽ không thể mua thuốc cho con nếu cần.
Cô Mizobe phàn nàn: “Người Trung Quốc ở Nhật Bản đang vơ vét hết thuốc cảm cúm, và các nhà máy không thể sản xuất kịp.”
“Tôi thấy người Trung Quốc [ở Nhật Bản] đăng thông điệp bán thuốc trên vòng kết nối WeChat của họ … họ mua thuốc ở Nhật Bản … và bán cho người Hoa [ở Trung Quốc], và lợi nhuận thu được gấp hơn 10 lần, lên đến 700 nhân dân tệ (khoảng 100 USD), điều đó thật đáng sợ,” cô Mizobe tiếp tục.
Các loại thuốc generic rao bán ở thị trường chợ đen với giá cao
Như các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, hôm 14/12, Tập đoàn Meheco Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với tập đoàn Pfizer để nhập cảng và phân phối thuốc Paxlovid của Pfizer tại Trung Quốc đại lục.
Đầu tháng Mười Hai, Reuters đưa tin, khi một nền tảng chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc bắt đầu bán thuốc Paxlovid — rõ ràng là lần bán lẻ đầu tiên của loại thuốc này ở Trung Quốc — nhưng chỉ trong nửa giờ đồng hồ, nguồn cung cấp loại thuốc này đã bán hết.
Bản tin có sự đóng góp của Ellen Wan
Ben Liang, Kane Zhang, và Lynn Xu thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times