Một loạt các vụ án mạng nêu bật sự oán hận, bất ổn ở các ngôi làng vùng thôn quê của Trung Quốc
Một loạt vụ các vụ án mạng bạo lực ở Trung Quốc hồi đầu tháng này đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội và các trang tin tức Hoa ngữ trên khắp thế giới.
Các vụ án mạng dã man này, diễn ra trong 11 ngày, đều liên quan đến các cuộc tấn công của nông dân nghèo Trung Quốc vào những quan chức thôn làng. Điều khiến những cuộc tấn công đó trở nên đáng chú ý hơn là phản ứng của công chúng đối với những kẻ sát nhân nói chung là thông cảm.
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 01/05 tại Tây Xã, một ngôi làng có khoảng 28,000 dân ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc. Ông Tục Quốc Cường (Xu Guoqiang), 38 tuổi, đã sát hại trưởng thôn, vợ và con trai của ông này trong một cuộc tấn công bằng dao tàn bạo vào buổi chiều. Ông Tục đã bị bắt ba ngày sau đó.
Một cuộc tấn công khác vào buổi chiều diễn ra 9 ngày sau đó tại làng Tây Lý, tỉnh Sơn Đông, miền đông của Trung Quốc. Một giáo viên Anh ngữ dạy trường cấp ba — chỉ được nhắc đến là họ Giả trong các bản tin — đã xông vào nhà của ông Lưu Kế Kiệt (Liu Jijie), trưởng thôn kiêm bí thư đảng. Ông Giả đã sát hại ông Lưu, vợ của ông ta, cũng là một quan chức địa phương, và con trai 15 tuổi của họ trước khi tự sát.
Công an địa phương cho biết trong một thông báo công khai rằng “vụ việc đang được điều tra, [nhưng] không tiện tiết lộ chi tiết.”
Hàng loạt những vụ phạm tội kể trên lên đến đỉnh điểm bằng một vụ án mạng hàng loạt rùng rợn vào sáng sớm ngày 11/05. Vụ tấn công này diễn ra tại làng Mã Gia Cương, thuộc tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Một người bán thịt 64 tuổi — chỉ được nhắc đến trên mạng xã hội với họ là Kim — đã đột nhập vào nhà của trưởng thôn và năm người họ hàng, sát hại họ bằng một con dao đồ tể. Vụ tấn công này khiến 11 người thiệt mạng và những người khác bị thương. Bản thân trưởng thôn đã thoát nạn vì ông không có nhà vào thời điểm xảy ra vụ tấn công này.
Bị đẩy đến đường cùng
Bởi vì cả ba vụ án mạng đều nhắm vào các quan chức địa phương — một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc — nên đã không có tuyên bố chính thức về bất kỳ vụ án nào. Các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đều dựa trên các chi tiết được những người biết về những vụ việc này cung cấp trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, những vụ án này rất đáng chú ý vì mức độ bất bình của công chúng. Các nhận xét trực tuyến thường là thông cảm với những kẻ sát nhân, bào chữa cho họ là nạn nhân của hành động ức hiếp quá mức hoặc hành vi bất công của các quan chức địa phương nắm quyền lực.
Theo các bài đăng trên mạng xã hội, ông Tục Quốc Cường, kẻ sát nhân trong vụ án đầu tiên, đã bị trưởng thôn gài bẫy và kết án hai năm tù do tranh chấp tiền bạc và cấp phát đất trong làng.
Trong vụ án thứ hai, liên quan đến ông Giả, giáo viên Anh ngữ, người dân địa phương cáo buộc rằng con gái của ông Giả đã bị con trai của trưởng thôn đe dọa và tấn công tình dục. Hậu quả của hành vi lạm dụng này là con gái của ông Giả đã bị bệnh tâm thần. Mặc dù ông Giả đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm công lý thông qua các kênh pháp lý, nhưng người ta cáo buộc rằng ông Lưu đã sử dụng vị trí và các mối quan hệ chức quyền của mình để cản trở điều đó.
Theo các bản tin, thủ phạm của vụ đâm dao hôm 11/05 là một “người mộc mạc và biết tuân thủ,” và có tiền sử bị bắt nạt. Giọt nước tràn ly là một vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai giữa ông Kim và một người họ hàng, trong đó trưởng thôn không đếm xỉa đến quyền lợi của ông Kim.
Một số nhà bình luận trực tuyến nhận xét rằng khi người nông dân nghèo — thường bị coi là lạc hậu hoặc không có quyền lực ở Trung Quốc — bạo gan lấy mạng các quan chức quyền lực và sau đó tự mình đối mặt với cái chết, thì họ hẳn là phải bị đẩy đến bước đường cùng.
Công chúng thông cảm
Theo hãng thông tấn nhà nước Tin tức Bắc Kinh, ông Lưu Kế Kiệt, 63 tuổi, trưởng thôn bị ông Giả sát hại, đã được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trao tặng nhiều danh hiệu, các danh hiệu như “Công nhân Kiểu mẫu Quốc gia,” và “Bí thư Tổ chức Đảng Thôn Xuất sắc.”
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trực tuyến đã không đề cập đến các giải thưởng chính thức. Trong số các nhà bình luận khác, thì một nhà tư vấn pháp lý nổi tiếng của Trung Quốc đã gọi vụ án mạng này là một thảm kịch, nhưng lại nói trong một bài đăng trên blog rằng “theo tin tức trực tuyến, dân làng địa phương nói chung hoan nghênh cái chết của gia đình ông Lưu Kế Kiệt, tin rằng những người này xứng đáng bị như vậy.”
Ông Lưu Đức Quân (Liu Dejun-hóa danh) là một cư dân Liêu Ninh sống cách Mã Gia Cương khoảng 125 dặm (200 km). Ông Lưu nói với The Epoch Times rằng các quan chức địa phương bị sát hại đã nắm quyền ở thôn của họ trong nhiều năm. Ông Lưu cho biết do được các quan chức cấp cao hơn của ĐCSTQ hậu thuẫn, họ thường xuyên lạm dụng quyền lực của mình.
“Những người này về cơ bản là những kẻ ức hiếp người khác ở trong thôn. Với sự trợ giúp từ những người giám sát của mình, họ có thể tuỳ ý đàn áp những người ở những cấp thấp hơn. Theo cấu trúc này, thì ít trưởng thôn muốn trở thành người tốt. Họ ngang nhiên bóc lột và ức hiếp nông dân địa phương, để trục lợi cho mình.”
Giọt nước tràn ly đối với một nông dân cao niên
Các vụ án mạng gần đây khiến mọi người nhắc lại về một trường hợp tương tự hồi cuối năm ngoái, trong đó ông Tùy Quảng Nghĩa (Sui Guangxi), một người dân làng đến từ Đồng Phương (Tongfa), tỉnh Hắc Long Giang, vùng đông bắc Trung Quốc, đã đâm và lấy mạng ông Tôn Đức Chí (Sun Dezhi), phó trưởng thôn đã nghỉ hưu, trước khi tự sát.
Hôm 14/05, một người dùng Twitter đã chia sẻ một đoạn video trong đó con gái của ông Tùy vừa khóc vừa kể lại những sự kiện dẫn đến vụ việc hồi tháng 10/2022.
Theo con gái của ông Tùy, hội đồng thôn đã chia một mảnh đất nông nghiệp cho ông Tùy vào năm 1994. Ông Tùy canh tác mảnh đất này trong 29 năm, nộp thuế và nộp một phần sản lượng làm nông cho chính quyền như được yêu cầu.
Năm 2021, phó trưởng thôn đã nghỉ hưu bất ngờ kiện ông Tùy ra tòa, tuyên bố rằng ông ta sở hữu mảnh đất. Ông ta yêu cầu ông Tùy “trả lại đất” và “bồi thường cho ông ta phí hợp đồng.”
Tại tòa, ông Tùy đã trình lên giấy chứng nhận hợp đồng đất đai do các quan chức thôn cấp cho ông. Những người dân trong làng đã cung cấp lời khai ủng hộ ông, nhưng thẩm phán đã phán quyết ông thua kiện.
Mặc dù ông Tôn đã xây dựng một nhà máy và một ngư trường bên cạnh mảnh đất nông nghiệp của ông Tùy, nhưng ông ta chưa bao giờ đòi đất của ông Tùy. Tuy nhiên, khi một dự án xây dựng đường cao tốc được công bố, ông ta đã nhìn thấy khả năng bán đất để kiếm lời, con gái của ông Tùy cáo buộc.
Con gái ông Tùy cho biết người nông dân này rất đau lòng, ngay cả trong lúc ngủ cũng phàn nàn về việc mất đất.
Ông Tùy đã đưa vụ việc ra tòa một lần nữa nhưng kháng cáo của ông không thành công. Ông đã bị công an bắt giữ vài lần vì gây “rối bất hợp pháp” và bị ông Tôn nhạo báng công khai.
Cuối cùng, vào ngày 14/10, khi ông Tôn đang chơi nhạc cụ tại một công viên địa phương, thì ông Tùy lao về phía ông ta với một con dao, rồi hét lên: “Nếu ông không để tôi sống, thì tôi sẽ không để ông sống.” Với những lời đó, ông đã đâm ông Tùy hơn 20 nhát dao rồi tự sát.
Tham nhũng tràn lan, bạo lực ở vùng nông thôn
Ông Lưu Đức Quân (Liu Dejun) tin rằng có sự oán hận lan rộng trong nông dân Trung Quốc. Sự oán hận đó thể hiện dưới hình thức ủng hộ những người dùng bạo lực để đương đầu với các quan chức tham nhũng.
Sau vụ sát nhân-tự sát, mộ của ông Tùy được bao phủ bởi những vòng hoa của người dân, cũng như một biểu ngữ ghi “Thương tiếc tưởng nhớ ông Tùy Quảng Nghĩa, người anh hùng cao niên, vì đã loại bỏ một kẻ ác cho người dân.”
Các ngôi làng của Trung Quốc — có khoảng 800,000 cộng đồng nhỏ — thoạt nhìn có vẻ không giống như một điểm nóng của tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, ông Thạch Sơn (Shi Shan), một ký giả tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng các vụ án mạng trong tháng này không phải là những sự kiện cá biệt.
Một viên chức công an Trung Quốc nói với ông Thạch rằng ông ấy biết đến hàng trăm trường hợp tương tự chỉ riêng trong tỉnh của mình, chưa kể đến toàn bộ Trung Quốc, nhưng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo.
Ông Lưu nói rằng tham nhũng và lạm dụng quyền lực là tràn lan ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Những cán bộ thôn tàn nhẫn thường tham ô tiền trợ cấp giảm nghèo hoặc tiền bồi thường cho những người bị mất nhà cửa do phá dỡ.
Ông Lưu cho biết biển thủ các quỹ cứu trợ, chiếm đất, hoặc cố tình giữ giấy phép xây dựng đều là những ví dụ về hành vi ức hiếp. “Ngoài ra, không có nơi nào để những nạn nhân này báo cáo những thống khổ của họ, và không có nơi nào để kháng cáo.”
Kết quả là, đối với một số người, “vùng nông thôn hiện nay rất nguy hiểm,” ông Lưu nói thêm.
‘Thắt chặt kiểm soát vùng nông thôn Trung Quốc’
ĐCSTQ đang chú ý đến tình trạng bất ổn ở các vùng làng quê. Thật trùng hợp, chỉ vài ngày sau vụ tấn công tàn bạo ngày 11/05, tờ Nam Hoa Tảo Báo đã đăng một dòng tít: “Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát vùng nông thôn Trung Quốc với chiến dịch đào tạo hàng ngàn trưởng thôn.”
Tuy nhiên, một lực lượng chấp pháp nông thôn mới, được thành lập vào tháng Một, chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ.
Các nhân viên mới này đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi vì các chiến thuật đáng ngờ của họ, giành được biệt danh là nông quản (nongguan), hay “những tên cướp được hợp pháp hóa”.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times