Người biểu tình đòi quyền sử dụng đất phải đào thoát khỏi Trung Quốc vì sợ bị ‘thủ tiêu’
Một nông dân Trung Quốc đã đào thoát khỏi quê hương sau khi nhận ra rằng chính quyền địa phương có thể khiến ông bị “thủ tiêu” bất cứ lúc nào sau khi tước quyền đòi lại đất của ông — và sử dụng những tên côn đồ được thuê để đẩy ông vào cảnh nợ nần chồng chất.
“Không có luật pháp nào ở Trung Quốc,” ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/05.
Ông Hà Vũ (He Yu), một nông dân đến từ Cam Túc, một tỉnh ở miền trung bắc Trung Quốc, đã đến Mỹ an toàn hôm 07/04. Nhớ lại mâu thuẫn với ủy ban thôn làng địa phương của mình hồi năm 2015, ông nói rằng tai họa có thể ập đến với ông nếu ông không cố gắng hết sức để kiềm chế vào thời điểm đó.
Trường hợp của ông phản ánh cảnh ngộ của nhiều người Trung Quốc, vốn hầu như không còn lại gì sau khi bị chính quyền cưỡng chế thu hồi tài sản của họ, thường là để nhường chỗ cho các dự án phát triển.
Một cạm bẫy
Ông Hà có giọng nói nhẹ nhàng, nhưng ông đã phản đối chính quyền cộng sản địa phương khi cố gắng canh tác trên một mảnh đất lởm chởm rộng 659 mẫu Anh (khoảng 267 hecta) mà gia đình vợ ông đã thuê từ giữa những năm 1980.
Vì bố vợ của ông chỉ canh tác khoảng 49 mẫu (khoảng 20 hecta) đất trong suốt cuộc đời của ông ấy, nên vẫn còn một diện tích rộng lớn đang chờ được khai hoang và canh tác.
Do các đồng cỏ của họ xuống cấp, những người nông dân địa phương khác cũng bắt đầu mở rộng các khu vực hoang dã để trồng trọt. Ông Hà giải thích rằng mặc dù chính sách chính thức không cho phép khai hoang những vùng đất như vậy, nhưng điều này đã diễn ra trong nhiều năm với sự chấp thuận ngầm của chính quyền địa phương.
Gia đình ông Hà đã phát triển một kế hoạch để khai hoang vùng đất cằn cỗi của gia đình hồi năm 2015. “Chúng tôi trì hoãn đến năm 2015 vì thiếu kinh phí,” ông cho hay.
Tuy nhiên, ông không biết rằng ủy ban thôn làng địa phương có “kế hoạch” riêng của họ.
Ông thuê hai chiếc máy xúc đào liên hợp cùng người lái và làm việc từ sáng đến tối — trong khi ủy ban thôn vẫn giữ im lặng.
Sau khi chi số tiền tương đương hàng chục ngàn dollar trong vài tháng để cải tạo đất, ông Hà đã sẵn sàng giăng các dây điện và đào các giếng tưới tiêu — bước cuối cùng trước khi trồng trọt.
Tuy nhiên, một ngày nọ, khi những người lái máy xúc đang nghỉ giải lao, hàng chục người lạ mặt — một số người xăm trổ đầy mình — đi bằng các xe hơi và xe bán tải đến.
Một trong những tên côn đồ nhặt một viên gạch, và ra lệnh cho những người lái máy xúc mở cửa cabin của họ.
Hai người điều khiển máy xúc bỏ chạy vì khiếp sợ. Những tên côn đồ sau đó đập vỡ các cửa sổ, leo vào trong, và lái các máy xúc đi.
Dù rất tức giận, nhưng ông Hà chỉ lo lắng cho sự an toàn của các công nhân và gia đình mình, vì vậy ông đã bảo mọi người cứ để bọn côn đồ muốn làm gì thì làm.
Ủy ban thôn sau đó yêu cầu ông trả tiền mua đất với mức 1,000 nhân dân tệ (khoảng 141 USD) mỗi mu, tương đương với hơn 400,000 nhân dân tệ (khoảng 56,600 USD) cho toàn bộ khu vực. Ông được lệnh phải trả 100,000 nhân dân tệ (khoảng 14,150 USD) cho đợt đầu tiên.
Ông đã tin rằng quyền hợp pháp của mình đối với đất đai được pháp luật bảo vệ. “Tôi thật ngây thơ,” ông nói.
Ông đã trả 1,700 USD để lấy lại hai máy xúc. Sau đó, ông đã nộp cho ủy ban thôn thêm 4,250 USD, trước khi gửi các đơn khiếu nại chính thức lên chính quyền.
Sau khi kiến nghị với các cơ quan chức năng khác nhau ở cấp thị trấn, quận, và thành phố, ông cho biết ông nhận ra rằng mình đang bị đá đi đá lại như một quả bóng. Cuối cùng, công an thôn đã đến gặp và cảnh báo ông: Không được khiếu nại nữa, nếu không thì sẽ phải lĩnh hậu quả.
Vào thời điểm đó, ông Hà đã sử dụng hết tiền tiết kiệm và nợ nần chồng chất. Ông phải từ bỏ ý định canh tác ở mảnh đất đó, vì ông không còn đủ khả năng trả thêm tiền cho ủy ban thôn.
Tẩy não bất chấp những ngược đãi
Ông Hà cho biết, chính quyền không quan tâm đến những mất mát của ông, mà quan tâm rất nhiều đến suy nghĩ của ông.
Với vai trò là thành viên trong bộ máy tuyên truyền của chế độ cộng sản, giáo viên của con ông đã sắp xếp một kế hoạch để các bậc cha mẹ học sinh học tập chính trị hàng ngày.
Mỗi người cha hay người mẹ phải tải xuống một ứng dụng học tập chính trị, trong đó nêu chi tiết một nhiệm vụ học “Tư tưởng Tập Cận Bình.” Ông cho biết mỗi nông dân phải hoàn thành nhiệm vụ học tập chính trị.
Ông giải thích rằng công việc ban ngày đã vắt kiệt sức lực của ông ra sao, nhưng đến tận nửa đêm giáo viên vẫn thường xuyên gọi điện [để kiểm tra] bất kỳ nhiệm vụ nào chưa hoàn thành. Ông cho biết: “Tôi đi giao nước để kiếm tiền — tôi thường phải chạy lên chạy xuống 5-6 tầng cầu thang trong một tòa nhà chung cư. Rồi đến tối, khi thầy cô giáo gọi, tim tôi đập thình thịch — điều đó rất căng thẳng.”
Ông nói rằng đặc biệt là các đảng viên Đảng Cộng sản bị buộc phải học một cách nghiêm túc hàng ngày. Ông nói: “Những người xung quanh tôi, già hay trẻ, từ trẻ mẫu giáo đến người già ở độ tuổi 80, tất cả đều bị Đảng [Cộng sản] buộc phải tham gia giáo dục chính trị.”
Sự tương phản rõ rệt giữa tầm quan trọng lớn lao của việc học tập chính trị và thực tế khắc nghiệt trong cuộc sống hàng ngày của ông đã khiến ông phải cân nhắc tình huống của mình. “Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra rằng từ nhỏ đến giờ không có điều gì tôi học được là sự thật cả, và tất cả đều là dối trá,” ông nói.
Ông nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, chứ không phải — như họ tuyên bố — là người dân.
Sau khi công an địa phương cảnh báo ông về những khiếu nại của mình, ông bắt đầu lo lắng rằng một ngày nào đó, ông có thể bị chính quyền địa phương “thủ tiêu.” Vợ ông cũng đồng cảm với những lo lắng này của ông và cả gia đình quyết định đào thoát khỏi Trung Quốc.
Dựa trên những kinh nghiệm cá nhân trước đây của mình, ông quyết định mình phải hành động. “Tôi phải rời khỏi đất nước vô luật pháp này càng sớm càng tốt … chúng tôi có thể bị thủ tiêu bất cứ lúc nào,” ông cho hay.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times