PHÂN TÍCH: ASEAN tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên ở Biển Đông vào tháng Chín tới. Hành động này cho thấy ASEAN đang tham gia cùng với các quốc gia khác để đẩy lùi tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Hôm 08/06, Indonesia, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã đưa ra thông báo này. Ngoài 10 quốc gia thành viên, những nước tham gia sẽ bao gồm quốc gia quan sát viên Đông Timor (Timor-Leste).
Các thành viên ASEAN là Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện (Myanmar), Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.
Đô đốc Yudo Margono, Tư lệnh quân đội Indonesia, đã xác nhận cuộc tập trận chung của ASEAN. Theo Reuters, hôm 08/06, ông nói với hãng thông tấn nhà nước Antara của Indonesia rằng hành động này nhằm củng cố “tầm quan trọng của ASEAN.”
Phát ngôn viên của quân đội Indonesia Julius Widjojono cho rằng cuộc tập trận này nhằm ứng phó với “rủi ro thảm họa cao ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.”
Tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN lần thứ 20 (ACDFM-20) được triệu tập tại Bali hôm 07/06, các tư lệnh lực lượng quốc phòng đã thông qua một văn kiện thành lập Cộng đồng Tình báo Quốc phòng ASEAN (AMIC). Họ đã quyết định sẽ gặp lại nhau trong vài tháng tới để thảo luận chi tiết về AMIC tại Việt Nam.
Các nhà quan sát cho rằng các thành viên ASEAN đang tìm cách mở rộng các hoạt động chung từ lĩnh vực chính trị và kinh tế sang lĩnh vực quân sự. Từ lâu, ASEAN đã duy trì một thái độ kiềm chế và cam chịu trước các hành động gây hấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Đông Nam Á.
Hội nghị cao cấp ASEAN này cũng sẽ được tổ chức tại Indonesia vào tháng Chín, và một trong những chủ đề chính sẽ là Biển Đông.
Biển Đông: Một khu vực tranh chấp
Địa điểm tập trận chung được các nhà lãnh đạo quân sự ASEAN đồng thuận là ở Biển Bắc Natuna, phần cực nam của Biển Đông, một khu vực tranh chấp mà Indonesia khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố khu vực này là một phần lãnh thổ của mình — một tuyên bố mà Hoa Kỳ cho rằng không có cơ sở pháp lý.
Trong những năm gần đây, các tàu Indonesia đã xảy ra xung đột với các tàu cá Trung Quốc ngoài khơi phía bắc quần đảo Natuna.
Cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên này sẽ thể hiện quyết tâm của ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Indonesia, quốc gia đóng vai trò chủ đạo trong cuộc họp ASEAN, đang nhân cơ hội này để phản đối ĐCSTQ.
Đáng chú ý là các thành viên ASEAN đã thông qua một kế hoạch tập trận chung trong thời gian ngắn hơn dự kiến. Theo ông La Khánh Sinh (Luo Qingsheng), giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Đài Loan, thông thường 10 quốc gia Á Châu này khó đạt được sự đồng thuận do những lợi ích khác nhau và các yếu tố lịch sử.
Hôm 11/06, ông La nói với ấn bản Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA) rằng vì các nước ASEAN đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ chế độ ĐCSTQ, nên họ sẵn sàng áp dụng một thái độ hội nhập hơn để phát huy sức ảnh hưởng quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Để tránh làm phật ý Bắc Kinh, địa điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự này đã được lựa chọn cẩn thận. Đó là một “khu vực ít tranh chấp,” ông La nói, đồng thời viện dẫn rằng hiện quần đảo phía bắc Natuna không có tranh chấp về chủ quyền. Ông cho hay: “Về mặt kỹ thuật, đây chỉ là một vấn đề phân chia quyền hàng hải trong vùng biển kinh tế [của Biển Bắc Natuna].”
Do đó, ông La cho rằng mặc dù ĐCSTQ có thể không hài lòng với hành động quân sự của ASEAN, nhưng họ đành phải chấp nhận điều đó dưới áp lực của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Liên kết đối tác quân sự của ASEAN với Hoa Kỳ, Ấn Độ
Tháng 09/2019, ASEAN đã tham gia cuộc tập trận quân sự đầu tiên với lực lượng hải quân Hoa Kỳ.
Hôm 17/05, Ủy ban Hợp tác Chung ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 14 đã họp tại Jakarta, Indonesia, nơi mà hai bên đã tái khẳng định cam kết đưa liên kết đối tác chiến lược toàn diện ngày càng có ý nghĩa, lâu dài, và cùng có lợi.
ASEAN đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh quân sự, cùng với cuộc tập trận chung đầu tiên hồi tháng Năm ở Biển Đông, có sự tham gia của các nước khác như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, và Brunei.
Đầu những năm 1990, Ấn Độ đã hoàn thành các cuộc tập trận hải quân chung với Indonesia, Malaysia, và Singapore, đồng thời mở cảng quân sự Blair cho các tùy viên hải quân từ các nước Đông Nam Á. Năm 2020, ASEAN và Ấn Độ đã mở Phiên họp 10+1, và sau đó Ấn Độ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.
Hành động gây hấn của Trung Quốc
Trung Quốc đã và đang liên lạc thường xuyên với các quốc gia lân bang.
Theo Đài Á châu Tự do, hôm 12/06, các tùy viên quân sự cùng với vợ/chồng của họ từ 51 quốc gia đã được mời đến thăm các đơn vị quân đội quan trọng ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc và nghe các quan chức từ Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương (CTC) của quân đội Trung Quốc nói về việc xây dựng dự án Nhất đới Nhất lộ (hay còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường).
Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược mở rộng toàn cầu của ĐCSTQ liên quan đến việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.
Hồi cuối tháng Năm, Trung Quốc đã tổ chức một nhóm công tác quân sự sáu bên với Cambodia, Lào, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam cho vòng tham vấn đầu tiên về cuộc tập trận chung đa quốc gia tại Quảng Châu. Giữa tháng Năm, hải quân Trung Quốc đã cử tàu Thích Kế Quang (Qi Jiguang) đến thăm Việt Nam, Thái Lan, Brunei, và Philippines.
Cùng lúc đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác đang ngày càng gia tăng.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với đại bộ phận Biển Đông theo cái gọi là đường chín đoạn. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague đã ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết này đã không cho thấy chính quyền Trung Quốc thay đổi hành vi của mình, với việc các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển của Philippines.
Hồi tháng Năm, chính quyền Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu đặt các phao hàng hải ở vùng biển xung quanh các đảo và rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền của họ.
Lực lượng Tuần duyên Philippines đã mời một số phóng viên truyền thông vào ngày 18/04 đến ngày 24/04 để phơi bày hành vi ngày càng sai trái của ĐCSTQ ở Biển Đông. Trong hành trình này, các tàu tuần tra BRP Malapascua và BRP Malabrigo của Philippines đã bị các tàu hải quân và tàu hải cảnh Trung Quốc theo dõi và nhiều lần được ra lệnh rời khỏi khu vực này.
ĐCSTQ đã tăng cường gây hấn sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức và mở rộng Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng của Hoa Kỳ, bao gồm bốn căn cứ quân sự mới của Philippines phục vụ cho việc sử dụng luân phiên của các lực lượng Hoa Kỳ.
Hôm 08/06, tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, ông Ely Ratner, phụ tá bộ trưởng quốc phòng đặc trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết rằng Hoa Kỳ đang “làm việc với Philippines về các năng lực bất cân xứng trong lĩnh vực hàng hải” và các vấn đề an ninh khác, theo một báo cáo của Viện Hải quân Hoa Kỳ.
Lịch sử của ASEAN
Trong suốt lịch sử, hoạt động thâm nhập mang tính phá hoại của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã khiến các chính phủ ở Đông Nam Á cảm thấy vô cùng chán ngán.
ASEAN có tiền thân là Hiệp hội Đông Nam Á (ASA), được thành lập vào ngày 31/07/1961. Nhiệm vụ của năm quốc gia sáng lập — Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, và Indonesia — là ngăn chặn sự bành trướng của các lực lượng cộng sản trong khu vực đồng thời bảo đảm an ninh quân sự và tính trung lập chính trị, theo một bài báo năm 2009 đăng trên Tạp chí Chính trị Toàn cầu, một tạp chí của Viện Chính trị Quốc tế của Đại học Trung Hưng ở Đài Loan.
ASEAN được thành lập vào ngày 08/08/1967 tại Bangkok sau khi các quốc gia thành viên ASA ký kết Tuyên bố ASEAN. Sau đó, Việt Nam, Cambodia, Lào, Miến Điện, và Brunei gia nhập, được gọi chung là ASEAN 10. Khối này có một quốc gia ứng cử viên là Đông Timor, và một quốc gia có tư cách quan sát viên là Papua New Guinea.
Vào thời điểm thành lập ASEAN, Trung Quốc cộng sản đang trải qua một phong trào chính trị xã hội, “Cách mạng Văn hóa” do ông Mao Trạch Đông phát động vào năm 1966, và chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng sang các quốc gia lân bang. Trong nhiều năm, chính phủ và người dân các nước ASEAN đã phải chịu bạo lực và sách nhiễu từ các nhóm vũ trang cộng sản được ĐCSTQ hậu thuẫn trong khu vực này. Các đảng cộng sản ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Malaysia, đặc biệt là Khmer Đỏ khét tiếng ở Cambodia, đã gây ra những tội ác tàn bạo.
ĐCSTQ xem ASEAN là một nhóm bài xích cộng sản, và cả hai đã ở trong một tình trạng đối đầu trong một thời gian.
Mãi đến năm 1972, khi Tổng thống đương thời Richard Nixon đến thăm Trung Quốc để xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, các quốc gia thành viên ASEAN mới bắt đầu đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ, thiết lập bang giao với chính quyền Trung Quốc và dỡ bỏ lệnh cấm giao thương với Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times