Pháp, Đức ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Philippines sau các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc
Pháp và Đức đã bày tỏ lo ngại về các vụ việc gần đây ở Biển Đông và khẳng định sự ủng hộ đối với một phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 về tranh chấp trên vùng biển này, mà trong đó tán thành các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của Philippines.
Đại sứ quán Pháp kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại sau khi có báo cáo về việc các tàu tuần duyên Philippines bị hai tàu Trung Quốc “đi theo” và “quấy rối” ở Bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây) hôm 30/06.
Trong một tuyên bố hôm 08/07, đại sứ quán Pháp cho biết, “Chúng tôi cương quyết phản đối bất kỳ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa nào để làm như vậy. Về vấn đề này, chúng tôi nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) vào ngày 12/07/2016.”
Công sứ Đức tại Phillipines Anke Reiffenstuel nói rằng “ở Biển Đông không có chỗ cho hành vi gây hấn” như vậy đồng thời kêu gọi tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật lệ “lấy phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 làm trọng tâm.”
Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông đã bị vô hiệu bởi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016, nhưng phán quyết này không bảo đảm việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi hành vi của mình.
ĐCSTQ đã và đang hành xử ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông trong những tháng gần đây, bằng chứng là sự hiện diện của ba tàu hải cảnh Trung Quốc và hai tàu hải quân Trung Quốc tại Bãi cạn Sabina (còn gọi là Bãi Chóp Mao), thuộc Quần đảo Trường Sa.
Quân đội Philippines cũng báo cáo rằng hôm 30/06 họ đã phát hiện 48 tàu đánh cá Trung Quốc ở xung quanh Đảo đá Khúc Giác (Iroquois Reef), phía nam Bãi Cỏ Rong – một rạn san hô giàu dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Hai vị công sứ đại diện cho Hoa Kỳ và Nhật Bản tại quốc đảo này cũng bày tỏ lo ngại sau thông tin trên, nói rằng “những hành động đơn phương” của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực.
“Hành vi vô trách nhiệm của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] ở Biển Đông đe dọa đến an ninh và các quyền hợp pháp của đồng minh theo hiệp ước của chúng ta, Philippines,” công sứ Hoa Kỳ MaryKay Carlson viết trên Twitter.
Pháp tham gia tuần tra trên Biển Philippines
Hoa Kỳ đã tăng cường tuần tra ở Biển Đông để đối phó với hành vi gây hấn quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Tháng trước, các tàu của hải quân Nhật Bản, Pháp, và Canada đã tham gia cùng với các nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ để hoạt động như một lực lượng thống nhất trong khu vực Biển Philippines.
Hơn 12,000 thủy thủ từ bốn quốc gia này đã tham gia cuộc tập trận, mà trong đó có sự tham gia của các hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan, cũng như khu trục hạm trực thăng boong lớn JS Izumo của Nhật Bản.
Chuẩn đô đốc Jennifer Couture nói trong một tuyên bố: “Mức độ tín nhiệm của một lực lượng tác chiến hàng không mẫu hạm hợp nhất là sự răn đe lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ đối với những tác nhân đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Hôm 23/06, Pháp đã điều động chiến hạm hải quân Lorraine ghé cảng Philippines trong một chuyến thăm kéo dài sáu ngày. Thuyền trưởng Xavier Bagot, chỉ huy trưởng của chiến hạm Lorraine, đã thảo luận về việc hợp tác với Hải quân Philippines trong chuyến thăm này.
Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cho biết họ sẽ không ngừng vạch trần các hoạt động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở Biển Đông như một phần trong chiến lược đánh đuổi các lực lượng Trung Quốc ra khỏi vùng lãnh hải của Philippines.
Phát ngôn viên Jay Tarriela của PCG cho biết điều này sẽ khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích các hành động của Trung Quốc và ngăn chặn các tàu Trung Quốc chiếm đóng quần đảo do Philippines kiểm soát trong vùng biển tranh chấp.
“Nếu quý vị để chúng [tàu Trung Quốc] tụ tập ở một khu vực cụ thể mà quý vị không thể công khai, hoặc không ai hay biết, thì đó có thể là cách tốt nhất để những tàu này chiếm đóng và kiểm soát [khu vực đó],” ông Tarriela nói với một phát thanh viên địa phương.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times