Ông Marcos đưa ra cam kết giữa căng thẳng Biển Đông: Philippines sẽ không để mất bất kỳ lãnh thổ nào
Hôm thứ Hai (24/07), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đọc Thông điệp Quốc gia lần thứ hai của mình, trong đó ông cam kết bảo vệ chủ quyền của đất nước ở Biển Đông, nơi mà tình hình đang ngày càng căng thẳng.
Ông Marcos, người nhậm chức tổng thống hồi năm ngoái, đã cam kết duy trì các quyền chủ quyền của Philippines và bảo đảm với người dân Philippines rằng chính quyền của ông sẽ không để đất nước “mất bất kỳ lãnh thổ nào.”
Ông nói trong bài diễn văn của mình rằng, “Hành trình tiến bộ của chúng ta không chỉ đòi hỏi sự hiệp đồng và gắn kết xã hội giữa những người dân của chúng ta. Điều đó cũng bắt buộc rằng quốc gia của chúng ta phải nguyên vẹn và bất khả xâm phạm, chủ quyền của chúng ta được bảo toàn.”
“Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền chủ quyền của mình và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” ông nói thêm, đề cập đến Tòa Trọng tài năm 2016 đã ra phán quyết có lợi cho tuyên bố pháp lý của Philippines trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Marcos cho biết Philippines sẽ kiên trì theo đuổi đối thoại và các cách tiếp cận ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề đồng thời ưu tiên lợi ích của người dân trong chính sách ngoại giao của chính phủ.
Ông Marcos, người con trai của một cựu độc tài Philippines và được đặt tên trùng với cha, đã thay đổi lập trường thân Trung Quốc của tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte và đã thắt chặt mối bang giao với Hoa Kỳ, đồng minh theo hiệp ước duy nhất của Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Hoa Kỳ đã được có thêm quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, bên cạnh đó, các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông — mà Manila gọi là Biển Tây Philippines — đã được nối lại.
Hôm 03/05, Philippines và Hoa Kỳ đã thiết lập Hướng dẫn Phòng thủ Song phương, trong đó vạch ra thỏa thuận chung giữa hai nước nhằm tăng cường khả năng phối hợp quân sự và khả năng trao đổi thông tin, bao gồm cả việc “nỗ lực hướng tới chia sẻ thông tin theo thời gian thực.”
Hướng dẫn này cho biết bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào các tàu, phi cơ công cộng, hoặc lực lượng vũ trang của họ ở Thái Bình Dương và Biển Đông sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Hoa Kỳ và Philippines năm 1951.
Trước mối bang giao ngày càng gắn kết của Philippines với Hoa Kỳ, hồi tuần trước nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách lấy lòng ông Duterte, đồng thời kêu gọi ông tiếp tục đóng “vai trò quan trọng” trong việc thúc đẩy mối bang giao giữa hai nước.
Ông Marcos xem cuộc gặp của ông Duterte với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như sự qua lại “giữa những bằng hữu” và cho biết ông hoan nghênh bất kỳ tuyến liên lạc mới nào giữa hai quốc gia.
Theo bản tin của The Manila Times, ông Marcos nói hôm 18/07, “Tôi biết rằng ông ấy sẽ đến đó. Họ là bạn bè, họ biết nhau.”
Tổng thống này nói thêm: “Tất cả những điều mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay, tôi hy vọng họ có thể nói về những chuyện như thế để chúng ta có thể đạt được tiến bộ.”
Trung Quốc phủ định phán quyết của Tòa
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là đường chín đoạn. Vào năm 2016, Tòa án La Haye đã ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý do Philippines đưa ra, mặc dù phán quyết đó có rất ít hoặc không có tác động gì đến các hành động của Trung Quốc.
ĐCSTQ đã bác bỏ mọi tuyên bố hoặc hành động dựa trên phán quyết năm 2016 và lập luận rằng phán quyết đó “vi phạm nghiêm trọng” Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết hôm 12/07, nhân kỷ niệm bảy năm vụ phân xử tranh chấp ở Biển Đông, “Phán quyết đó là bất hợp pháp, vô giá trị, và vô hiệu. Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận phán quyết đó và sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ tuyên bố hay hành động nào dựa trên phán quyết đó.”
Đại sứ quán này cáo buộc Hoa Kỳ “liên kết” chống lại Trung Quốc và buộc nước này phải chấp nhận phán quyết trọng tài trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn thúc giục Bắc Kinh chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên đối với các tàu của các quốc gia tuyên bố chủ quyền đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Các phái viên của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Pháp cũng đã bày tỏ mối lo ngại trước các báo cáo về việc các tàu tuần duyên Philippines bị các tàu Trung Quốc “theo dõi, quấy rối, và cản trở” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Hồi tháng Tư, hơn 100 tàu dân quân biển Trung Quốc, một lớp tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, và hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã bị phát hiện di chuyển quanh các khu vực do Philippines kiểm soát trong nhiều ngày.
Đặc phái viên Hoa Kỳ MaryKay Carlson viết trên Twitter, “Hành vi vô trách nhiệm của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] ở Biển Đông đe dọa đến an ninh và các quyền hợp pháp của Philippines, đồng minh theo hiệp ước của chúng ta.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times