Philippines: Không có hứa hẹn nào với Trung Quốc về việc di dời chiến hạm mắc cạn
Philippines đã phủ nhận việc đưa ra bất kỳ “lời hứa hẹn” nào với Trung Quốc về việc di dời một chiến hạm từ thời Đệ nhị Thế chiến — mà Manila sử dụng như một tiền đồn quân sự để khẳng định chủ quyền của mình — ra khỏi một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra sau khi Philippines cáo buộc Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thực hiện các hành vi nguy hiểm và bắn vòi rồng vào tàu của họ khi đang vận chuyển hàng tiếp tế cho binh đoàn đóng quân trên chiến hạm BRP Sierra Madre tại Bãi cạn Thomas Thứ Hai, mà Manila gọi là Bãi cạn Ayungin (hay Bãi Cỏ Mây) hôm 05/08.
BRP Sierra Madre được neo đậu một cách có chủ ý tại Bãi cạn Ayungin vào năm 1999 và hiện đóng vai trò như một biểu tượng mong manh cho yêu sách chủ quyền của Manila đối với đảo san hô này. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này và đặt tên cho bãi cạn là Nhân Ái Tiêu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bênh vực hành động của lực lượng hải cảnh nước này và nói rằng Philippines đã “nhiều lần hứa hẹn rõ ràng” rằng sẽ kéo chiếc BRP Sierra Madre ra khỏi bãi cạn tranh chấp nhưng không giữ lời.
Ông Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh và nói rằng “không có hồ sơ hay bất kỳ biên bản họp, báo cáo chính thức, tài liệu pháp lý, hoặc thỏa thuận miệng nào” được thực hiện giữa hai nước về việc di dời chiến hạm này.
“Sẽ rất khó để chúng tôi phản hồi cho một thắc mắc mang tính giả thuyết từ phía Trung Quốc bởi chúng tôi chỉ sẽ giải đáp trong chừng mực mà chúng tôi có liên quan, chúng tôi chưa và sẽ không bao giờ ký hoặc đồng ý với bất kỳ điều gì, mà trên thực tế dẫn đến việc từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đối với Biển Tây Philippines,” ông nói với các phóng viên.
Ông Malaya nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể xem đây là một điều hư cấu trong trí tưởng tượng của đại sứ quán Trung Quốc bởi chúng ta không biết gì về điều này,” theo Manila Bulletin.
Phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) ông Jay Tarriela đã nhắc lại quan điểm của mình, nói rằng ông không có ký ức nào về việc chính phủ Philippines từng đưa ra bất kỳ cam kết nào với Trung Quốc về việc di dời con tàu.
Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản lên án hành động của Trung Quốc
Hoa Kỳ ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và nhắc lại cảnh báo rằng, họ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh lâu đời theo hiệp ước của mình khi các tàu và lực lượng công vụ của Philippines bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, “Bắn vòi rồng và sử dụng các hành vi ngăn chặn không an toàn, các tàu của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đã cản trở việc Philippines thực thi hợp pháp quyền tự do hàng hải trên biển và gây nguy hiểm đến sự an toàn của các tàu và thủy thủ đoàn Philippines.”
Đại sứ quán Canada cho biết trong một tuyên bố rằng “các hành động đe dọa và cưỡng bách liên tục” của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng đã làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và “làm tăng nguy cơ tính toán sai nghiêm trọng.”
Nhật Bản cho biết họ ủng hộ Philippines mạnh mẽ, đồng thời nói thêm rằng “sự quấy rối và hành động vi phạm các hoạt động hợp pháp trên biển và gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải” là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã triệu tập một hội nghị chỉ huy hôm 07/08 và tuyên bố rằng quốc gia của ông sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với Biển Đông trước “tất cả những thách thức này” và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cuộc đối đầu căng thẳng diễn ra hôm 05/08 tại Bãi Cỏ Mây là đợt bùng phát mới nhất trong các cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài liên quan đến Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei.
Các tranh chấp ở Biển Đông — một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới — từ lâu đã được xem là một điểm nóng ở châu Á và là một lằn ranh nhạy cảm trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times