Người đào tẩu Bắc Hàn phơi bày tội ác cưỡng bức hồi hương của ĐCSTQ
Trong một cuộc họp báo tại Seoul, những người bảo vệ nhân quyền Nam Hàn đã phơi bày cách đối xử vô nhân đạo mà chế độ cộng sản Trung Quốc áp dụng lên những người đào thoát khỏi Bắc Hàn, đồng thời bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đối với những người đào tẩu bị cưỡng ép quay trở về Bắc Hàn — nơi mà họ có nguy cơ phải đối mặt với sự trừng phạt nặng nề, lạm dụng tình dục, thậm chí là đối mặt với tử thần.
Hôm thứ Hai (23/10), các nạn nhân của hai chế độ cộng sản này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và Tổng thống Nam Hàn gây áp lực lên Bắc Kinh để ngăn chặn việc cưỡng ép hồi hương những người Bắc Hàn đào tẩu.
Trong cuộc họp báo, ông Kim Tae-hoon, một luật sư kiêm phát ngôn viên về nhân quyền của Bắc Hàn, nói rằng một lá thư thỉnh nguyện đã được gửi đến Hội đồng thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa, SOCHUM)— hiện đang tổ chức phiên họp tại New York — nhằm đáp lại yêu cầu khẩn cấp từ thân nhân của những người đào tẩu.
Hôm 09/10, Trung Quốc đã trục xuất khoảng 600 người đào tẩu Bắc Hàn mà không cảnh báo. Có thông tin cho biết quốc gia này cũng đang cưỡng ép những người đào thoát khác hồi hương.
Trả lời câu hỏi về việc trục xuất 600 người đào tẩu Bắc Hàn, hôm 12/10 Bắc Kinh tuyên bố rằng không có cái gọi là “người đào tẩu” tại Trung Quốc — bất chấp những lời kêu gọi liên tục của Seoul phản đối việc cưỡng ép hồi hương.
Đối với những người Bắc Hàn tới Trung Quốc vì lý do kinh tế, hôm 12/10 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo rằng “Trung Quốc luôn duy trì thái độ có trách nhiệm, và đối xử đúng mực với họ.”
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Trung Quốc thường xuyên gắn mác những người Bắc Hàn không có giấy tờ là “những người di cư kinh tế” bất hợp pháp, và không cho phép họ xin tị nạn hoặc tái định cư, thay vào đó là trục xuất họ trở về Bắc Hàn theo nghị định thư biên giới song phương năm 1986.
Lời thỉnh cầu từ đông bắc Trung Quốc
Cô Kim Sun-hyang, một người đào thoát [khỏi Bắc Hàn] hiện đang bị giam giữ cùng với 350 người khác tại Trại giam Bạch Sơn thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, đã nhờ thân nhân ở Trung Quốc và Nam Hàn giúp đỡ.
Hôm 09/10, có hơn 180 người bị giam giữ cùng cô đã bị buộc phải hồi hương về Bắc Hàn. Lo sợ rằng cô có thể phải chịu số phận tương tự, thân nhân của cô Kim tại Nam Hàn đã gửi đơn thỉnh nguyện đến Liên Hiệp Quốc, cũng như các cơ quan nhân quyền quốc tế khác tại Nam Hàn.
Thư khẩn cầu giúp đỡ cho biết trại giam Trung Quốc đã từ chối nhận bất cứ thực phẩm hoặc thuốc từ thân nhân của những người bị giam giữ gửi đến để chuẩn bị cho chuyến hồi hương của họ.
Ông Kim nhấn mạnh rằng đây không phải là một trường hợp cá biệt. “Đây không phải là mối lo ngại của riêng cô Kim Sun-hyang. Mặc dù chúng tôi không thể cung cấp con số chính xác, những vẫn còn hơn 170 người đào tẩu Bắc Hàn đang bị giam giữ tại Trại giam Bạch Sơn nơi cô Kim Sun-hyang đang bị giam giữ,” ông cho biết.
Theo ông Kim, có năm trại giam khác cũng là nơi giam giữ những người đào thoát. “Đây là một con số lớn, và họ đều có nguy cơ bị cưỡng ép hồi hương,” ông cho biết.
Ông Kim cũng cho rằng thế giới hiện đang tập trung sự chú ý vào cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Hamas, khi tổ chức khủng bố Hamas giam giữ hơn 200 con tin người Israel. “Tuy nhiên chúng ta đang nói đến hơn 2,000 cá nhân, trong đó hơn 600 người đã bị cưỡng ép hồi hương. Đây là một tội ác nghiêm trọng sánh ngang với tội ác của Hamas! Do đó, điều cấp bách là chúng ta cần kịch liệt lên án và phơi bày hành vi của Trung Quốc,” ông cho biết.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người bị cưỡng ép hồi hương, chủ yếu là phụ nữ, có nguy cơ bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức, nơi mà họ có thể sẽ bị tra tấn, bạo hành tình dục, mất tích, và thậm chí là hành quyết dưới bàn tay của nhà cầm quyền Bắc Hàn.
Ác mộng tại các trại giam Trung Quốc
Bà Ji Myung Hee đã đào thoát khỏi Bắc Hàn ba lần, bị trục xuất về Bắc Hàn hai lần, và cuối cùng được tự do ở Nam Hàn vào năm 2016. Trong cuộc họp báo ở Seoul hôm thứ Hai (23/10), bà đã kể cho mọi người nghe về trại giam ở Trung Quốc.
Chồng của bà Ji đã qua đời vì bạo bệnh vào năm 1996. Cuộc cải cách tiền tệ của chế độ vào ngày 30/11/2009 đã khiến bà cùng hai người con trai rơi vào tình cảnh khốn cùng. Lượng gạo mà bà có khả năng mua mỗi năm đã giảm mạnh từ 1,470kg xuống chỉ còn 19kg trong năm tiếp theo. Bà Ji chia sẻ, “Tôi bỏ các con lại vào tháng 07/2010, hứa với các con rằng tôi sẽ quay lại đón con đi sau khi tôi ổn định cuộc sống ở bên ngoài, và đó là lần đầu tiên tôi đào thoát khỏi Bắc Hàn.”
Ngày 13/10/2010, bà đã bị công an Trung Quốc bắt giữ. Bà bị cấm ngủ ba ngày trong quá trình thẩm vấn.
Bà đã bị biệt giam tại trại giam đó. Chỉ có một mẩu bánh mì cho bữa sáng và bữa tối, và một bát cháo bắp cho bữa trưa. Bà cho biết công an còn bắt [tù nhân] phải giặt đồ cho vợ của họ.
Sau khoảng một tháng bị giam giữ tại Trại giam Bạch Sơn, bà Ji bị chuyển đến đồn biên phòng Trung Quốc.
Bà đã ở đó 70 ngày, và bà cho biết bà chỉ được rửa mặt đúng một lần trong thời gian đó. Trong phòng giam này, các tù nhân phải đi vệ sinh chung vào một chiếc xô cũ nát. Và chỉ đến khi nào không thể chứa thêm được nữa, thì họ mới cho đổ chiếc xô này đi. Bà cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một đến hai bữa, lại còn là đồ ăn thừa của đội lính canh.”
Điều kiện sống ở đó khổ đến mức bà đã nghĩ ra một cách đó là tự làm mình bị bệnh. Bà đã vơ tóc và gom bụi trong hơn một tháng sau đó nuốt những thứ này vào bụng với hy vọng là mình sẽ được chuyển đến một bệnh viện, từ đó bà có thể tìm đường trốn thoát.
Thế nhưng, dù bà có bị đau bụng thì nhóm lính canh vẫn chỉ khoanh tay đứng nhìn. “Lính canh vào phòng giam với dùi cui điện và đánh những cô nào khóc lóc quá nhiều,” bà cho biết — đó là việc xảy ra thường xuyên.
Sau gần ba tháng bị giam giữ ở Trung Quốc, bà Ji bị cưỡng ép trục xuất về Bắc Hàn. Bà miêu tả tình huống kinh hoàng tại trại giam giữ tập trung ở Bắc Hàn.
Bà thuật lại rằng không có nhân viên nữ nào tại trại giam đó. Với bàn tay trần, xác nhân viên nhà ăn tiến hành khám xét và lục lọi mọi ngóc ngách trên cơ thể để kiểm tra xem các tù nhân có giấu vật cấm hay không, chẳng hạn như tiền.
Vào ngày hôm sau, bất kỳ ai có mối liên hệ với Nam Hàn đều bị tra tấn nặng nề về thể xác. “Họ nói rằng nếu họ dùng tay đánh chúng tôi thì tay họ sẽ bị đau, nên họ xỏ giày vào tay và đánh vào mặt chúng tôi, họ dùng gậy để vụt vào cánh tay và cẳng chân của chúng tôi … Người họ nhễ nhại mồ hôi, còn khuôn mặt và mắt của họ thì đỏ bừng bừng. Đến tận hôm nay, trên đầu và cẳng chân tôi vẫn còn những vết hằn từ những lần đánh đập đó,” bà Ji kể lại.
Bà nói thêm: “Nếu chúng tôi bị bắt gặp đang nói chuyện trong phòng giam, họ sẽ lôi chúng tôi chỗ song sắt và bắt chúng tôi phải há miệng để họ nhổ nước bọt vào.”
“Bên ngoài cửa sổ phòng giam, có một cái cây lớn, nên thỉnh thoảng chúng tôi có thể nghe thấy tiếng chim hót,” bà Ji nói trong khi cố kìm những giọt nước mắt. “Chúng tôi cảm thấy ghen tị với những chú chim đó vô cùng tận, vì chúng có thể tự do bay đến bất cứ nơi nào chúng muốn. Trong phòng giam, có rất nhiều cô gái trẻ — Yeongsoon, Eun-kyung, Yeong-ran, Jeong-ae … Tất cả họ đều bị bắt giam trong khi họ đang rất khao khát đi tìm một con đường sống.”
Sau khi hồi hương trở về Bắc Hàn, bà tình cờ nghe được trong khi bị thẩm vấn rằng có Trung Quốc và Bắc Hàn có giao dịch với nhau. “Người ta cho rằng cứ mỗi người đào tẩu Bắc Hàn bị Trung Quốc trả về, Bắc Hàn sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lượng gỗ vì họ đang thiếu những thứ có thể làm ra tài chính.” bà Ji nói thêm.
Trong 50 ngày bị tra tấn nhừ tử, bà Ji khẳng định rằng động cơ duy nhất của bà là kiếm sống tại Trung Quốc, chứ không có ý định đến Nam Hàn. Bà bị đưa đến trại tập trung Kaechon để tham gia chương trình cải tạo kéo dài 2 năm, thay vì bị giam trong nhà tù chính trị — nơi mà sự trừng phạt còn nặng nề hơn.
Sau những khổ nạn này, bà quyết định sẽ không để cho các con phải chịu đựng cuộc sống ở Bắc Hàn lâu hơn nữa. Một lần nữa bà vượt sông Áp Lục và đến Nam Hàn vào năm 2016. Năm 2019, bà đã không quản ngại tính mạng của mình để giúp hai người con trai đào thoát khỏi Bắc Hàn đến Trung Quốc. Hiện tại, họ đã đoàn tụ và sống tại Seoul.
Bà Ji cho biết có khoảng 35,000 người đào thoát đã tìm được nơi ẩn náu tại Nam Hàn, tuy nhiên con số những người bị giam tại các nhà tù chính trị có thể nhiều hơn con số này gấp nhiều lần.
Bà đã kịch liệt lên án Bắc Kinh vì hành vi vô nhân đạo — bắt giữ và cưỡng ép nhiều người đào thoát Bắc Hàn phải hồi hương, trong khi biết rõ ràng thực tế thảm khốc mà họ phải đối mặt khi quay trở lại Bắc Hàn.
Bà Ji nói: “Tôi khẩn thiết cầu xin cộng đồng toàn cầu cùng tất cả những người có lương tri hãy quan tâm và ủng hộ cho mục tiêu của chúng tôi, đó là ngăn chặn những hành động tàn bạo vô nhân đạo này tiếp diễn.”
Sự quyết tâm của những người đào thoát
Ông Kim Sung Min, đại diện của Đài phát thanh Bắc Hàn Tự do (Free North Korea Radio) ở Seoul, từng là một người đào tẩu bị Trung Quốc ép hồi hương, đã một lần nữa đào thoát. Ông tham gia hội nghị với tư cách là đồng nguyên đơn kiêm đại diện chỉ định bởi liên minh gồm 23 tổ chức nhân quyền cho người tị nạn Bắc Hàn.
Ông Kim nhấn mạnh rằng “những người đào thoát Bắc Hàn sống ở ngoại quốc đang khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc ngừng cưỡng ép họ hồi hương về Bắc Hàn. Để theo đuổi mục tiêu này, chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt để làm sáng tỏ sai lầm nghiêm trọng của những chính sách hiện hành mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực thi.”
Ông liệt kê nhiều nỗ lực mà các nhóm đã cố gắng thực hiện để ngăn chặn ĐCSTQ trục xuất những người tị nạn trở về Bắc Hàn nhưng không có kết quả — bao gồm đơn thỉnh nguyện với hàng triệu hay hàng chục triệu chữ ký, biểu tình lên các đại sứ quán Trung Quốc ở hải ngoại, cũng như kháng nghị lên lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng những người khác.
Ông cho biết những người đào thoát hiện đang chuẩn bị thực hiện một số hành động.
“Chúng tôi tin rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là tiếp cận Tổng thống Yoon Suk-yeol, kêu gọi ông mạnh mẽ hối thúc lãnh đạo Trung Quốc chấm dứt việc cưỡng ép hồi hương những người đào thoát khỏi Bắc Hàn, vì họ cũng cũng là công dân Nam Hàn,” ông cho biết. “Thêm vào đó, một nhóm hàng chục người đào thoát đang lên kế hoạch tiếp cận Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn và theo đuổi mục tiêu trục xuất Trung Quốc khỏi Liên Hiệp Quốc,” ông cho biết.
Ông kêu gọi Tổng thống Yoon nắm bắt tính cấp bách của tình hình hiện tại và chuyển vấn đề này đến Bắc Kinh.