Người dân Trung Quốc công khai phản đối chính sách zero COVID trước Đại hội Đảng
Người dân Trung Quốc đang công khai bày tỏ sự phản đối của mình đối với chính sách zero COVID của nhà cầm quyền cộng sản, vốn đã gây ra nhiều đau khổ cho dân chúng, trong những tuần trước khi Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức vào giữa tháng Mười.
Một vụ tai nạn xe buýt gần đây ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc khiến sự phẫn nộ của người dân đối với chính sách này ngày một dâng cao.
Vào sáng sớm ngày 18/09, một chiếc xe buýt chở 47 người có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng vì sống cùng tòa nhà với một ca bệnh nên họ được đưa đến một cơ sở cách ly tập trung, khi di chuyển trên đoạn đường cao tốc tỉnh Quý Châu đã xảy ra tai nạn lật xe, khiến 27 người thiệt mạng.
Ảnh chụp màn hình của một bài báo, do “ông Cao Dục (Gao Yu), phó tổng biên tập điều hành của tờ Tài Tân (Caixin),” một hãng thông tấn về tài chính lớn ở Trung Quốc viết, và đăng trên một cuộc trò chuyện nhóm đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Bài báo lên án chính sách zero COVID của nhà cầm quyền, lưu ý rằng đến nay trong khi cả thế giới đã trở lại cuộc sống bình thường, thì ở Trung Quốc, chỉ vì một cá nhân bị nhiễm COVID mà người dân trong toàn bộ tòa chung cư sẽ bị bắt đi cách ly tập trung, và toàn thành phố sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, việc xét nghiệm PCR thường xuyên đối với toàn bộ người dân đã trở thành thông lệ trên cả nước.
“Hiện Quý Dương [thủ phủ tỉnh Quý Châu] không có một ai thiệt mạng vì biến thể Omicron, nhưng họ bắt cả thành phố 6 triệu dân phải sống trong phong tỏa, buộc 30,000 người phải đi cách ly tập trung, và gần 10,000 người đã được đưa đến các thành phố khác,” bài báo cho biết. “Hiện lại có 27 người đã thiệt mạng trên đường đi cách ly trong đêm chỉ vì có một ca nghi nhiễm ở trong khu nhà mà họ sống.”
Bài báo trên kết thúc với một câu phản đối mạnh mẽ. “Kịch liệt phản đối việc xét nghiệm PCR định kỳ toàn quốc! Kịch liệt phản đối chính sách zero COVID! Kịch liệt phản đối chính sách bế quan tỏa cảng!”
Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã chặn bức ảnh chụp màn hình của bài báo này.
Động cơ đằng sau việc kiểm soát zero COVID
Vụ tai nạn xe buýt ở Quý Châu đã được báo chí phương Tây đưa tin rộng rãi.
Công chúng ở Trung Quốc không biết rằng nhiều thành phố trên khắp đất nước đang bị phong tỏa, hoặc về những thảm kịch đã xảy ra như một hệ lụy của chính sách đó, một luật sư họ Lý người Trung Quốc đại lục nói với The Epoch Times hôm 21/09.
“Về căn bản, ở Trung Quốc, quý vị không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì từ Internet và các kênh truyền thông. Một số hãng thông tấn ở hải ngoại có thể không biết về những sự cố đó. … Và việc đăng thông tin, hình ảnh, hoặc video về dịch bệnh ở Trung Quốc lên mạng là rất khó khăn,” ông nói. “Nếu họ không có các ứng dụng vượt tường lửa để ngăn kiểm duyệt internet, thì họ không thể gửi thông tin đó ra ngoài.”
Trong giới luật sư và nhân viên chính phủ, người ta tin rằng chính quyền đang sử dụng COVID-19 như một cái cớ để che đậy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và có những vấn đề lớn trong nền kinh tế, ông Lý nói thêm.
Ông chia sẻ, “Nhiều người trong nhà nước thừa biết rằng, COVID không phải là nguyên nhân. Nền kinh tế đang suy yếu trên toàn quốc, vì vậy chính quyền địa phương siết chặt hơn nữa việc các biện pháp kiểm soát COVID-19 và lấy nó làm cái cớ cho dữ liệu kinh tế thấp của họ.”
Một quan chức đã về hưu xuất thân từ một gia đình chức sắc cao cấp của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, người được giữ kín danh tính vì lo ngại cho sự an toàn của ông, nói với The Epoch Times rằng trong khi công chúng đang kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt chính sách zero COVID, thì các quan chức ĐCSTQ lại nhắm mắt làm ngơ.
Ông bộc bạch, “Tôi thậm chí không thể ra ngoài lấy thuốc nếu không có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Mọi người đều đang phàn nàn [về các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch]. Tôi không hiểu chính phủ đang sợ điều gì. Chẳng lẽ sợ dân chúng tạo phản, nên mới nhốt người ta ở trong nhà như vậy?”
Ông cũng đặt câu hỏi về sự an toàn của việc xét nghiệm PCR thường xuyên.
Ông nói, “Loại tăm bông dùng trong xét nghiệm acid nucleic cũng không an toàn. Nó chứa các thành phần hóa học đặc biệt, thế chẳng phải là sẽ có tác dụng phụ sao? Không có giải pháp nào cả, Trung Quốc giờ đã bế tắc rồi.”
Quyền lực không bị ước chế
Ông Trương Hải, một người dân đến từ Vũ Hán có cha qua đời vì COVID-19 vào năm 2020, đã công khai yêu cầu ĐCSTQ công bố thông tin về đợt bùng phát COVID-19, tiết lộ nguồn gốc của virus, và quy trách nhiệm các quan chức che đậy đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Các tài khoản mạng xã hội của ông ấy thường bị nhà cầm quyền kiểm duyệt.
Ông nói với The Epoch Times rằng người dân đang phản đối mạnh mẽ các biện pháp COVID-19 ngày càng nghiêm ngặt, nhưng tiếng nói của họ hầu như không được lắng nghe vì ĐCSTQ cũng đang siết chặt kiểm soát internet.
Ông nói, “Nỗi bất bình của người dân ngày một tích tụ nhiều lên. Hết phong tỏa, đến bị đưa đi cách ly tập trung trong đêm, họ đã nếm trải đủ cả rồi. Các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch theo chính sách zero COVID có tác động rất lớn đến mọi giai tầng trong xã hội. Nhiều người bị giam hãm trong nhà mà không có thức ăn hoặc đồ tiếp tế.”
Bản tin có sự đóng góp của Hạ Tùng và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times