Ngũ Giác Đài nói rằng chiến lược của Trung Quốc nhằm phong tỏa Đài Loan có thể sẽ thất bại
Thiếu tướng quân đội Joseph McGee nói với các nhà lập pháp: “Cuộc xâm lược của PLA [Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] vào Đài Loan hoàn toàn không có gì là dễ dàng.”
Các quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài nói với Quốc hội hôm 20/09 rằng, quân đội Trung Quốc có thể sẽ thất bại nếu cố gắng phong tỏa Đài Loan, đồng thời lưu ý rằng sẽ “không có gì dễ dàng” đối với chế độ này trong việc xâm chiếm hòn đảo dân chủ tự trị này.
“Họ có thể sẽ không thành công. Và đó sẽ là nguy cơ leo thang rất lớn đối với CHND Trung Hoa, nơi họ có thể phải cân nhắc xem liệu cuối cùng họ có sẵn sàng bắt đầu tấn công các tàu hàng hải thương mại hay không,” ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện bằng cách sử dụng từ viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Ratner lập luận rằng một cuộc phong tỏa như vậy sẽ tàn phá nền kinh tế quốc tế đến mức quốc gia này sẽ vận động một liên minh quốc tế chống lại các hành động của Bắc Kinh. Ông nói thêm, Đài Loan cũng sẽ nhận được viện trợ về tài nguyên công nghiệp, nguyên liệu thô, năng lượng và các vật phẩm quan trọng khác từ các đồng minh quốc tế, làm giảm cơ hội thành công của Bắc Kinh.
Ông nói: “Đây sẽ là một rủi ro rất nghiêm trọng đối với Trung Quốc và là một tính toán sai lầm lớn.”
Thiếu tướng quân đội Joseph McGee, người đảm trách chiến lược, kế hoạch, và chính sách của Bộ tham mưu liên quân Ngũ Giác Đài, đồng ý rằng việc phong tỏa khó có khả năng xảy ra do có nhiều trở ngại.
“Tôi nghĩ đó là một lựa chọn nhưng có lẽ không phải là một lựa chọn có khả năng cao sẽ xảy ra,” ông nói với các nhà lập pháp. “Nói miệng về một cuộc phong tỏa thì dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự tiến hành một cuộc phong tỏa.”
Ông lưu ý rằng Đài Loan rất xem trọng việc chấm dứt mối đe dọa này và “có trách nhiệm cung cấp đủ lương thực cho quốc gia của họ để có thể sống sót sau đợt phong tỏa trong một khoảng thời gian khá đáng kể.”
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan, vùng lãnh thổ mà họ từ lâu đã tuyên bố sẽ tiếp quản kể từ khi phe cộng sản thâu đoạt Trung Quốc đại lục vào năm 1949. Hồi tháng Hai, Giám đốc CIA William Burns cảnh báo rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội của ông ta chuẩn bị sẵn sàng tinh thần tiến hành một cuộc xâm lược vào năm 2027. Mặc dù năm 2027 đó có thể không đại diện cho mốc thời gian thực sự của một cuộc tấn công quân sự, nhưng ông Burns cho biết đó là dấu hiệu cho thấy sự “nghiêm túc” của chế độ này trong việc theo đuổi mục tiêu mà họ đã đề ra.
Trong khoảng thời gian 24 giờ bắt đầu từ 6 giờ sáng Chủ Nhật (17/09), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cử 103 chiến đấu cơ bay vòng quanh hòn đảo, một hành động khiêu khích khiến các quan chức quốc phòng Đài Loan phải lên án các hành động “mang tính phá hoại” này.
Bà Mao Ninh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng nói với các phóng viên hôm 18/09 rằng không tồn tại cái gọi là “‘đường trung tuyến’ trên Eo biển Đài Loan. Mặc dù Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức công nhận đường phân giới cách bờ biển Trung Quốc và Đài Loan 80 km này, nhưng họ vẫn chủ yếu hành động theo áp lực của Hoa Kỳ là không được vượt qua đường trung tuyến Davis, được thiết lập trong Chiến tranh Lạnh năm 1954 trong Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Trong lịch sử, chỉ có bốn báo cáo cho thấy quân đội Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến, trong đó Trung Quốc tôn trọng đường phân giới này khi bang giao xuyên eo biển còn tốt đẹp, nhưng lại thách thức đường phân giới đó khi bang giao hai bờ eo biển trở nên tồi tệ hơn. Gần đây nhất, kể từ tháng 09/2020, Bắc Kinh bắt đầu điều động nhiều phi cơ vượt qua đường trung tuyến cũng như đi vào Vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan tự ấn định, vốn chồng lấn một phần lên Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc.
Trong một báo cáo công bố hôm 12/09, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động quân sự dọc theo bờ biển đối diện với hòn đảo bằng cách bố trí chiến đấu cơ và phi cơ không người lái đồn trú cố định ở đó. Theo Bộ này, chế độ này cũng đã khai triển khinh khí cầu thời tiết và phi cơ dân sự để thực hiện các ý đồ do thám.
Tuy nhiên, vị tướng này lập luận rằng việc thực hiện một cuộc tấn công trực diện vào Đài Loan sẽ không phải là điều dễ dàng.
“Một cuộc tấn công bất ngờ sẽ không xảy ra, vì “họ sẽ phải tập trung hàng chục ngàn, có thể hàng trăm ngàn quân ở bờ biển phía đông, và đó sẽ là một tín hiệu rõ ràng,” ông McGee cho biết. Việc phát động một chiến dịch tấn công đổ bộ và tấn công trên không kết hợp sẽ là “vô cùng phức tạp,” chưa kể quân đội Trung Quốc sẽ hành quân theo một lộ trình từ 90 đến 120 dặm để vượt qua Eo biển Đài Loan, “dễ hứng trọn mọi phát đạn có thể xảy ra trên biển khi mà quân xâm lược đã báo trước ý định của họ,” ông nói thêm.
Ông nói: “Họ cũng sẽ phải đối mặt với một hòn đảo có rất ít bãi biển nơi bọn họ có thể đổ bộ chiến hạm trên địa hình đồi núi, và đối mặt với những người dân mà chúng tôi tin rằng sẽ sẵn sàng chiến đấu,” ông nói. “Vì vậy, việc PLA xâm chiếm Đài Loan hoàn toàn không hề dễ dàng.”
Chiến dịch gây áp lực tối đa của Bắc Kinh
Gây hấn quân sự không phải là cách duy nhất mà nhà cầm quyền Trung Quốc dùng để gây áp lực lên quốc gia lân bang được cai quản một cách dân chủ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong một bài diễn thuyết được ghi âm tại một sự kiện bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Concordia, đã lưu ý rằng mỗi ngày, Bắc Kinh “khởi xướng hàng triệu cuộc tấn công mạng cũng như các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và các hình thức hoạt động vùng xám khác như một cách để gây áp lực tối đa lên Đài Loan và bằng hữu của họ.”
Trả lời những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng, bà Đường Phượng (Audrey Tang), bộ trưởng đảm trách lĩnh vực kỹ thuật số của hòn đảo tự trị này nói rằng, Viện An ninh mạng Quốc gia mà bà giám sát đã dành nguồn lực đáng kể để phát hiện các tác nhân đe dọa một cách tự phát từ ngoại quốc.
Vào tháng 08/2022, để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) tới Đài Loan, các tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập các trang web của chính phủ Đài Loan, làm tê liệt hoạt động của họ. Nhóm tin tặc này cũng đã xâm nhập vào chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven có mặt khắp nơi để hiển thị thông điệp yêu cầu bà Pelosi “hãy rời khỏi Đài Loan.”
“Đây không còn là một cuộc tấn công mạng theo cách truyền thống nữa,” bộ trưởng kỹ thuật số nói với The Epoch Times, đồng thời mô tả hoạt động đó như một “hồi chuông cảnh báo.” “Có những yếu tố thao túng thông tin,” và có “lý do đáng cân nhắc” về hành động ác ý.
Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ, diễn thuyết tại buổi họp thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh Concordia rằng Đài Loan phải “liên tục hoàn thiện nền dân chủ của mình theo cách mà chúng tôi có khả năng ứng phó với sự cưỡng bách,” một phần bằng cách đầu tư vào khả năng phòng thủ, thắt chặt liên kết đối tác với Hoa Kỳ, và tham gia cùng các đối tác toàn cầu khác để duy trì hiện trạng.
Bà nói tại hội thảo: “Hồng Kông là một lời nhắc nhở bi thảm rằng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các quyền tự do và hệ thống dân chủ mà chúng tôi đã dày công xây dựng.”
Đài Loan đã không còn là thành viên của hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ năm 1971, khi cơ quan quốc tế này công nhận chính quyền đại lục là đại diện hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Bà Tiêu cho biết, việc loại bỏ tư cách thành viên này là một phần trong “nỗ lực vô lý và không công bằng nhằm cô lập Đài Loan.”
Hôm 19/09, Paraguay, quốc gia Nam Mỹ cuối cùng còn giữ mối bang giao chính thức với Đài Loan, đã ra tín hiệu ủng hộ việc Đài Loan trở lại Liên Hiệp Quốc, và các nhà lãnh đạo G-7 trong một tuyên bố cùng ngày cũng ủng hộ “sự tham gia ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times