Ngũ Giác Đài đang chi gần 150 tỷ USD cho các công nghệ quân sự đột phá
Đề nghị ngân sách quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD cho tài khóa 2024 của Tổng thống Joe Biden có 145 tỷ USD dành cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi để tạo ra các hệ thống vũ khí mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đạn siêu thanh, và các nhóm hạt điện từ.
Bộ Quốc phòng (DOD) và các phòng thí nghiệm công nghệ của các binh chủng trực thuộc cơ quan này, đang làm việc song song với các trường đại học và các nhà thầu công nghệ cao vốn bao gồm ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhỏ, đã tạo ra những cú hích lớn như hệ thống vũ khí năng lượng định hướng và các cảm biến đạn đạo siêu thanh mới được khai triển.
Trong số các sản phẩm và hệ thống tiềm năng đang kêu gọi viện trợ trong yêu cầu chi tiêu năm 2024 có một “hỏa tiễn chuyên chở hàng hóa,” có thể vận chuyển 100 tấn hàng hóa đến bất kỳ nơi đâu trên Trái đất trong vòng một giờ; một vũ khí chống nhóm hạt điện từ có thể vô hiệu hóa phi cơ không người lái và có thể được cung cấp năng lượng từ các ổ cắm điện thông thường; một động cơ kích nổ quay không có bộ phận chuyển động; một “lều trú ẩn” có thể khiến Thủy quân lục chiến biến mất với một cự ly có tầm nhìn rõ ràng; và một chương trình Dự đoán sự Vận hành của Xe cộ để Nhận dạng và Định vị “sẽ mang lại một cách tiếp cận mới để phát hiện và nhận dạng mục tiêu tự động.”
Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm hữu ích hơn nằm trong ngân sách này đang được thử nghiệm, chẳng hạn như một máy phân tích chất lỏng cầm tay, một hệ thống chuyển đổi mã Morse thành tin nhắn văn bản giữa các con tàu với nhau, và một dây chuyền lắp ráp các phi cơ không người lái lớn hơn, nhanh hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn, từ các phi cơ không người lái siêu nhỏ cho đến phi cơ trinh sát chiến thuật tầm xa không người lái (ULTRA) mới nhất.
Tất cả đều đã vượt qua được, hoặc phải sớm vượt qua “Thung lũng Tử thần.”
Không giống như các thung lũng nổi tiếng trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ — như Valley Forge, Chosin, Khe Sanh, Korengal — Thung lũng Tử thần này không phải là một địa điểm trên bản đồ, mà là một khoảnh khắc nhận thức đáng sợ: khi một loại vũ khí tân tiến sẽ mang lại một lợi thế quyết định trên chiến trường không thể chuyển từ nguyên mẫu sang quá trình sản xuất và được đưa đến chiến trường kịp thời.
Thung lũng Tử thần
Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết trong hội thảo trực tuyến kéo dài hai giờ đồng hồ hôm 13/04 do Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng (NDIA) trình bày, việc tích hợp các công nghệ mới và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện vào các chương trình và vũ khí hiện có mà không gây ra “sự gián đoạn căn bản” nào đối với các hệ thống thu mua và có được từ nhiều năm nay là một trong những thách thức phức tạp nhất mà quân đội phải đối mặt.
Bà Heidi Shyu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đặc trách nghiên cứu và kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, và bà Stefanie Tompkins, Giám đốc Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tân tiến Quốc phòng (DARPA) của Bộ Quốc phòng lưu ý rằng ngân sách dành cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, và đánh giá (RDT&E) trị giá 145 tỷ USD đã được đề nghị tăng 12% từ năm nay, với Lực lượng Không quân nhận được một phần ba kinh phí đã yêu cầu.
Bà Shyu cho biết thành phần Khoa học và Công nghệ trong yêu cầu ngân sách RDT&E là 17.8 tỷ USD, tăng 8.3% so với ngân sách 16.5 tỷ USD cho năm nay.
Bà nói, Chiến lược Khoa học & Công nghệ Quốc phòng được cập nhật hàng năm hiện đang chờ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chấp thuận.
Bà Shyu cho biết chiến lược này sẽ tập trung vào nhiệm vụ chung; sáng tạo và khai triển các vũ khí ở tốc độ và quy mô; thiết lập một lợi thế lâu dài về tài năng, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và hợp tác; các vũ khí năng lượng định hướng; và các cảm biến đạn đạo siêu thanh.
Các nhà lãnh đạo công nghệ của ba binh chủng — Phó Trợ lý Bộ trưởng Lục quân về Nghiên cứu & Công nghệ William Nelson, Trưởng phòng Nghiên cứu Hải quân Chuẩn Đô đốc Lorin Selby, và Chỉ huy Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Thiếu tướng Heather Pringle — đã phác thảo các dự án hợp tác với các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp và lực lượng nhân công, đặc biệt là trong việc mời thầu và tham gia vào các dự án của các doanh nghiệp nhỏ.
Yêu cầu chi tiêu quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD cho tài khóa 2024 gồm 842 tỷ USD cho Ngũ Giác Đài, nhấn mạnh vào “mối đe dọa đa lĩnh vực ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gây ra,” mà Bộ Quốc Phòng một lần nữa gọi là “thách thức đáng gờm” cấp bách nhất của quốc gia.
Tháng Ba và tháng Tư thường là thời điểm Bộ Quốc phòng và các sĩ quan chỉ huy quân sự điều trần trước các ủy ban của Quốc hội về các yêu cầu chi tiêu của họ trong chu kỳ ngân sách hàng năm tính đến ngày 01/10 (ngày chính thức bắt đầu năm tài khóa liên bang).
Kể từ tháng Hai, tất cả năm thành viên của hội thảo trực tuyến của NDIA đã đi khắp Điện Capitol để gặp gỡ những người giám sát chặt chẽ ngân sách của Quốc hội nhằm thảo luận về việc tài trợ cho mọi thứ, từ các vũ khí đột phá mới, chẳng hạn như hệ thống nhận dạng mục tiêu sử dụng nhiệt hạch, cho đến những đổi mới tương đối bình thường như lốp xe mùa đông cho xe Humbles.
Thế nhưng vào hôm 13/04 trước tổ chức NDIA này — một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đại diện cho 1,800 công ty và gần 60,000 người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng — tất cả đều bàn luận về Thung lũng Tử Thần.
‘Những hào sâu tuyệt vọng’
Theo các quan chức, việc đưa các công nghệ mới được phát triển trong lĩnh vực thương mại theo hợp đồng của Bộ Quốc phòng vào lĩnh vực này trong một quá trình chuyển đổi liền mạch, đặc biệt là khi rất nhiều hệ thống vũ khí có liên quan với nhau, là một thách thức khó khăn.
Trên thực tế, hồi tháng 06/2022, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks đã gọi sự mâu thuẫn trong quá trình chuyển đổi này là “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta — cái gọi là ‘Thung lũng Tử thần,’ tức là mở rộng quy mô sản xuất và khai triển” các hệ thống vũ khí mới.
Ông Selby cho biết không chỉ có một mà có ít nhất tới ba Thung lũng Tử thần mà ông mô tả là “những hào sâu tuyệt vọng”.
Ông cho biết, thung lũng hay “hào sâu” đầu tiên là giai đoạn mà nguyên mẫu được xác định đầu tiên được sản xuất và thử nghiệm, và quá trình này không tiến triển thêm hoặc hóa ra là không được chế tạo và thử nghiệm đúng cách.
Ông nói, giai đoạn tiếp theo là chuyển một sản phẩm từ nguyên mẫu thành sản phẩm, đó là khi cần tính đến các yếu tố khác, chẳng hạn như các loại chi phí và các năng lực sản xuất, có thể khiến việc phát triển xa hơn không khả thi. Ông nói: “Đây là một thung lũng sâu,” có nhiều dự án đã kết thúc tại đây.
Ông Selby cho biết, giai đoạn cuối cùng là “tăng quy mô của quá trình sản xuất đó.”
“Binh sĩ này đang hét lên, ‘Tôi cần thứ đó và cần thứ đó vào ngày mai’ — đó là [một vấn đề mà] chúng ta phải giải quyết. Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đó,” ông cho biết. “Làm thế nào để tôi nhanh chóng mở rộng quy mô? Đó là vấn đề. Đó là cách mà quý vị giành chiến thắng.”
Khuyến khích và hội nhập
Bà Shyu nói rằng trong số những đổi mới mà DOD đang phát triển để khắc phục độ trễ chuyển đổi là một sáng kiến Dự trữ Thử nghiệm Phòng thủ Nhanh, “một sự hợp tác giữa các cơ quan quân sự, các bộ tư lệnh chiến đấu, ngành công nghiệp và các đối tác liên minh nhằm mục đích khám phá các năng lực tác chiến mới và sáng tạo.”
Ông Nelson cho biết 35 phòng thí nghiệm và trung tâm công nghệ khác nhau của Lục quân trên toàn quốc có một số chương trình cho việc “khuyến khích các nhà tích hợp của Lục quân”, bao gồm một Khuyến khích SBIR (Nghiên cứu Đổi mới Doanh nghiệp Nhỏ) nhằm mục đích đưa các dự án vượt qua những thung lũng trên.
Chương trình này phù hợp với quỹ SBIR mà một nhà cung cấp có thể đủ điều kiện nhận với quỹ mua lại. Ông cho biết, điều đó cho phép các công ty đủ điều kiện nhận tới 15 triệu USD để phát triển nguyên mẫu, hoàn thiện, giảm thiểu rủi ro, và diễn tập.
Ông Nelson cho biết các nhà cung cấp có khoảng 40 đến 50 dự án có thể hưởng lợi từ chương trình này, nhưng Lục quân đang thử nghiệm chương trình này với sáu giải thưởng trong yêu cầu ngân sách tài khóa 2024.
“Quý vị đã có thiết bị mà quý vị đã và đang phát triển,” ông nói. “Bây giờ thiết bị đó sẽ vượt qua thung lũng này và trở thành một chương trình.”
Ngoài việc lãnh đạo Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Lực lượng Không quân với tư cách là giám đốc công nghệ, bà Pringle còn phục vụ với vai trò tương tự cho Lực lượng Vũ trụ vừa mới được thành lập.
Trong số những thành công khi sử dụng cách tiếp cận hợp lý này có dự án Skyborg, nằm trong chương trình Vanguard của Lực lượng Không quân, chuyên phát triển các phương tiện bay tác chiến không người lái để đi cùng với các phi cơ tác chiến có người lái. Hồi năm 2020, bốn công ty đã được trao hợp đồng để xây dựng hàng trăm chiếc như vậy.
Bà Pringle nói: “Đây là một ví dụ sống động nhất về việc vượt qua ‘Thung lũng Tử thần.’”
Bà Tompkins cho biết vai trò của DARPA khác với các phòng thí nghiệm quân sự khác và phòng thí nghiệm này “được xây dựng để luôn điều chỉnh và điều chỉnh lại” các mối đe dọa và các bước phát triển công nghệ.”
“Tình trạng hiện tại là một chiến lược thua cuộc,” bà nói về hoạt động gồm 250 người này. DARPA tìm kiếm “những ý tưởng có thể tạo ra những công nghệ mới, thay đổi cuộc chơi vì an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Bà Tompkins cho biết việc dồn tiền đầu tư để vượt qua những thung lũng đó là lý do tại sao DARPA đang mở rộng Sáng kiến Doanh nhân Tham gia (EEI) của mình.
“[Mục đích của sáng kiến này là để] tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các doanh nhân và các nhóm DARPA nhằm tăng tốc độ sản xuất các cải tiến mới,” bà nói. “EEI đã giúp đỡ 30 công ty và đang trong quá trình mở rộng để tài trợ cho 150 nhóm nghiên cứu.”
Bà Tompkins cho biết điều này đã bắt đầu có tác động trong sản xuất vi điện tử tân tiến, nơi các sản phẩm mới được cài đặt trong các hệ thống hiện có vốn không được thiết kế để tương tác.
Sự chuyển đổi cũng được nhấn mạnh trong sáng kiến Chuyển tiếp AI của DARPA, mà theo bà, sáng kiến này “tập trung vào những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong thế giới AI”.
Bà Tompkins cho biết, trọng tâm chính trong nghiên cứu AI của DARPA là phòng thủ trước các hỏa tiễn siêu thanh bay với tốc độ gấp năm lần âm thanh.
Vẫn chưa có biện pháp phòng thủ nào đối với những hỏa tiễn này, nhưng bà cho biết rằng bản thân tin rằng DARPA đang ở thời điểm sắp phát triển một hỏa tiễn gắn AI “làn sóng thứ ba,” ít ra là trên lý thuyết.
Làn sóng AI đầu tiên về cơ bản là các cây quyết định hoạt động giống như các chương trình như TurboTax. Làn sóng thứ hai là học máy dữ liệu lớn (ML) dựa trên thống kê, mặc dù bà Tompkins cho biết các chương trình AI-ML dựa trên thống kê không phải lúc nào cũng phù hợp nhất cho các ứng dụng quốc phòng.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times