Ngoại trưởng Blinken: Trung Quốc là nước đóng góp chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga duy trì cuộc chiến với Ukraine
‘Khi nói đến khả năng phòng thủ của Nga, quốc gia đóng góp chính vào thời điểm này là Trung Quốc.’
Hôm 19/04, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chỉ trích sự trợ giúp của Trung Quốc dành cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cho rằng Bắc Kinh là nước góp phần chính vào cuộc chiến của Moscow với Ukraine, cung cấp cho Nga các nguyên vật liệu và các thành phần quan trọng để sản xuất vũ khí.
“Khi nói đến khả năng phòng thủ của Nga, quốc gia đóng góp chính vào thời điểm này là Trung Quốc. Chúng tôi thấy Trung Quốc chia sẻ máy công cụ, chất bán dẫn, và các mặt hàng lưỡng dụng khác đã giúp Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng vốn đã bị các lệnh trừng phạt và các biện pháp kiểm soát xuất cảng làm cho suy thoái rất nhiều,” ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp các ngoại trưởng G7 ở Capri, Ý.
Ông Blinken cảnh báo rằng hành động của Bắc Kinh đang gây ra “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Âu Châu kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.”
Ông nói rằng Trung Quốc được cái này thì phải mất cái kia — hoặc là giúp đỡ Nga hoặc là giữ quan hệ tốt đẹp với châu Âu. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu tăng sức ép lên Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng có chung mối lo ngại với ông Blinken. Bà nói tại Capri sau cuộc họp G7, “Nếu Trung Quốc công khai theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga, quốc gia đang tiến hành một cuộc chiến phi nghĩa chống lại Ukraine, … thì chúng tôi không thể chấp nhận điều này.”
Ông Blinken cũng lưu ý rằng Hoa Thịnh Đốn đã nói rất rõ ràng với Bắc Kinh và những nước khác rằng họ không nên giúp đỡ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Trước đó trong tháng này (04/2024), các quan chức Hoa Kỳ đã thông báo với các phóng viên về các nguồn cung ứng quân sự mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, nói rằng nước này vẫn chưa cung cấp viện trợ [vũ khí] sát thương nhưng kể từ năm 2022, nước này đang giúp Nga xây dựng quân đội để duy trì cuộc chiến với Ukraine.
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã trả lời rằng Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng giao thương bình thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc hạn chế.
‘Những hậu quả đáng kể’
Nhận xét mới nhất của ông Blinken tiếp nối cảnh báo của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc trước đó trong tháng này.
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) tại Bắc Kinh, bà Yellen cho biết rằng các công ty Trung Quốc có thể phải đối mặt với “những hậu quả đáng kể” nếu họ giúp đỡ vật chất cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đặc biệt là trợ giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, đã viết trong một bài xã luận gần đây cho The Epoch Times, “Sự trợ giúp của ĐCSTQ cho phép Nga duy trì dây chuyền lắp ráp và sản xuất vũ khí của mình hoạt động ở tốc độ cao nhất.”
“Giữa việc nhập cảng thiết bị quân sự của Trung Quốc và số tiền kiếm được từ thương mại và đầu tư của Trung Quốc, cỗ máy quân sự của Nga hiện đã hồi phục lại mức trước chiến tranh. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã ủng hộ để Ukraine cầm cự miễn là có thể để làm suy yếu người Nga,” nhưng “sự trợ giúp của ĐCSTQ đã chứng tỏ là một giải pháp cứu sinh cho Moscow.”
“Sự trợ giúp của ĐCSTQ dành cho nền kinh tế Nga và các nỗ lực sản xuất quân sự đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí phi quy ước, đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh vào thế phải đối đầu với Bắc Kinh về chi tiêu.”
Nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc đồng thời phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui), tin rằng Hoa Kỳ có đủ bằng chứng cho thấy ĐCSTQ viện trợ vũ khí sát thương cho Nga để thực hiện các hành động tiếp theo, như ông viết: “Đánh giá từ những nhận xét mới nhất của ông Blinken và bà Yellen, chính phủ Hoa Kỳ đã thu thập được bằng chứng toàn diện cho thấy ĐCSTQ đang trợ giúp Nga và việc ĐCSTQ viện trợ [vũ khí] sát thương cho Nga đã được xác nhận. Bước tiếp theo là để ĐCSTQ gánh ‘hậu quả đáng kể.’”
Ông Chu tin rằng “hậu quả đáng kể” có thể là tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên các công ty Trung Quốc và ngăn chặn sự tiếp cận công nghệ cao của ĐCSTQ, đóng băng tài sản ở ngoại quốc của ĐCSTQ và tài sản ở hải ngoại của các gia đình quyền lực trong ĐCSTQ, hoặc trừng phạt các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times