Tàu vận chuyển vũ khí Angara của Nga cập cảng Trung Quốc giữa lúc Hoa Kỳ đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc
Ông Vladimir Putin dự định thăm Trung Quốc vào tháng này (05/2024) trong bối cảnh tăng cường tương tác Trung-Nga.
Một loạt sự kiện quan trọng đã làm nổi rõ mối bang giao đang phát triển giữa Trung Quốc và Nga, thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Giữa bối cảnh chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Trung Quốc và những cảnh báo nghiêm khắc nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì các cam kết ngoại giao và quân sự quan trọng đã diễn ra. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã tổ chức hội đàm trực tiếp, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đến thăm Trung Quốc vào tháng này (05/2024), và một tàu Nga, được biết đến với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hiện cập cảng Trung Quốc để sửa chữa.
Hôm 25/04, tàu Angara của Nga, vốn có lịch sử vận chuyển vũ khí giữa Nga và Bắc Hàn, được phát hiện neo đậu tại thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh có trụ sở tại Vương quốc Anh, báo cáo rằng kể từ tháng Tám năm ngoái (2023), tàu Angara đã vận chuyển hàng ngàn container, được cho là chứa đạn dược của Bắc Hàn, đến các cảng của Nga.
Hôm thứ Hai (29/04), khi được hỏi về con tàu Nga này, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel nhấn mạnh Hoa Kỳ xem sự hợp tác đang tăng tiến giữa Nga và Trung Quốc là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt liên quan đến việc Trung Quốc giúp đỡ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ông Patel nói: “Đây là điều mà chúng tôi xem là vô cùng nghiêm trọng.” Ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận có phối hợp của các quan chức Hoa Kỳ, trong đó có cả ngoại trưởng, về sự thân cận ngày càng tăng giữa hai quốc gia này, điều mà ông mô tả không chỉ là một rủi ro cho khu vực mà còn là sự sỉ nhục trực tiếp Ukraine. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước thích hợp để buộc các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.”
Con tàu này đã neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Hâm Á (Xinya) ở Chu Sơn, Chiết Giang kể từ tháng Hai. Nơi đây được được quảng cáo là công ty sửa chữa tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh mới đây từ Planet Labs PBC ở San Francisco xác nhận sự hiện diện của tàu Angara tại xưởng đóng tàu này. Thú vị là, bộ thu phát của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) của con tàu, thường được sử dụng để theo dõi, chỉ được bật trong thời gian ngắn khi tàu di chuyển qua Eo biển Triều Tiên đông đúc, có thể vì các lý do an ninh.
Theo RUSI, tàu Angara đã đến vùng biển Trung Quốc hôm 09/02, bề ngoài là để được bảo trì hoặc sửa chữa. Trước đó hồi tháng Một, tàu đã ghé các cảng của Bắc Hàn và Nga, và tắt bộ thu phát trong thời gian đó. Bộ thu phát lại bị tắt ngay sau khi tàu đến Trung Quốc.
RUSI đã ghi lại rằng kể từ tháng 08/2023, tàu Angara đã hoàn thành ít nhất 11 chuyến qua lại giữa Cảng Rajin của Bắc Hàn và các cảng khác nhau của Nga, sử dụng dữ liệu nguồn mở để theo dõi việc Bắc Hàn lách các lệnh trừng phạt quốc tế. Tàu này đã bị Hoa Kỳ trừng phạt kể từ tháng 05/2022.
Sau chuyến thăm Bắc Hàn năm 2022 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, tàu Angara và hai tàu chở hàng khác của Nga đã bắt đầu việc mà RUSI mô tả là “những hải trình bất thường,” cho thấy một nỗ lực phối hợp với các hoạt động vận tải quân sự của Moscow.
Ngoài ra, hai công ty Nga liên quan đến việc sở hữu và vận hành Angara đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm 2022.
Bất chấp những rắc rối này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn tuyên bố họ không biết những chi tiết cụ thể liên quan đến tàu Angara, đồng thời tuyên bố rằng ĐCSTQ “luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và thẩm quyền vượt quá giới hạn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế hoặc không được Hội đồng Bảo an cho phép.”
Vụ việc nêu bật những căng thẳng đang diễn ra, trong bối cảnh Hoa Kỳ và vài quốc gia khác đã dứt khoát lên án việc Bắc Hàn chuyển vũ khí sang Nga, viện dẫn các hành vi vi phạm rõ ràng nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác quân sự
Hôm 25/04, trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kazakhstan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) đã có cuộc thảo luận song phương quan trọng. Cuộc gặp gỡ này đánh dấu lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai bộ trưởng này kể từ khi ông Đổng nhậm chức cuối năm ngoái.
Các bản tin cho biết ông Đổng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hành động hợp tác quân sự ở cấp cao giữa Trung Quốc và Nga để lèo lái bối cảnh quốc tế đang biến chuyển, nhấn mạnh tầm quan trọng của những hành động này đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Ông Shoigu lặp lại quan điểm này, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quân sự giữa hai nước—gồm cả các cuộc tập trận chung thường xuyên trên biển, trên bộ, và trên không cùng việc huấn luyện chiến đấu—để duy trì sự ổn định trên toàn cầu lẫn trong khu vực.
Ông Shoigu cho rằng những căng thẳng địa chính trị quốc tế hiện nay là do “các hành động trốn chạy địa chính trị và các hoạt động thuộc địa mới ích kỷ” của phương Tây. Ông nhận xét rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã đạt đến mức độ chưa từng có, gắn liền với sự bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, và tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau. Ông bày tỏ rằng cuộc gặp này sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc phòng chiến lược giữa hai nước.
Diễn ra đồng thời với những cuộc thảo luận của các bộ trưởng quốc phòng, ông Putin loan báo có kế hoạch thăm Trung Quốc vào tháng này, mặc dù ông không cung cấp ngày tháng cụ thể hoặc thông tin chi tiết hơn. Thông báo này được đưa ra tại một sự kiện do Liên minh các Nhà công nghiệp và Doanh nhân Nga tổ chức và được truyền thông Nga đưa tin.
Chuyến thăm này có thể đánh dấu chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tổng thống Nga sau khi ông tái đắc cử, làm tăng thêm ý nghĩa của chuyến thăm. Ông Putin, hiện 71 tuổi, sắp sửa bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm kéo dài 6 năm sau lễ nhậm chức dự kiến diễn ra vào ngày 07/05. Chuyến công du Bắc Kinh sắp tới của ông được sắp xếp ngay sau đó.
Bước sang một nhiệm kỳ nữa, ông Putin trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga. Tuy nhiên, cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine mà ông khởi xướng đã khiến Nga bị cộng đồng quốc tế cô lập đáng kể. Trong bối cảnh này, sự phụ thuộc của ông vào Bắc Kinh lại tăng thêm, nhằm tìm kiếm ủng hộ trên các mặt trận chính trị, kinh tế, và ngoại giao.
Căng thẳng ngoại giao gia tăng, những cảnh báo của phương Tây
Theo những đánh giá gần đây của Hoa Kỳ, các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh đáng kể hàng xuất cảng sang Nga, cung cấp một loạt các công nghệ và vật liệu như công cụ cơ giới, vi điện tử, và các linh kiện quan trọng khác. Những đợt hàng này được cho là đã củng cố năng lực của quân đội Nga để sản xuất các loại vũ khí tân tiến và mạnh mẽ hơn, bao gồm cả phi đạn, xe tăng, và phi cơ.
Bất chấp những diễn biến này, Bắc Kinh tiếp tục thể hiện ra một hình ảnh trung lập và thường cố gắng thao túng tin tức xung quanh các tác động qua lại giữa Trung Quốc với Nga.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/04, khi được hỏi về việc ĐCSTQ cung cấp các sản phẩm vi điện tử và công nghệ vệ tinh cho Nga, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bác bỏ những cáo buộc này là những nỗ lực vô căn cứ nhằm “dịch chuyển những xung đột.” Ông Uông nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga là “bình thường,” và tuyên bố một cách gây tranh cãi rằng hơn 60% linh kiện được sử dụng trong vũ khí của Nga có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và phương Tây.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các tuyên bố công khai và hành động của ĐCSTQ dường như đã làm xói mòn lòng tin của các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và NATO.
Hôm 25/04, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc tới ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc mong muốn duy trì mối bang giao êm ấm với các nước phương Tây, thì phải ngừng ủng hộ cho các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Cảnh báo này trùng hợp với một sự kiện ngoại giao quan trọng, đó là việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Trung Quốc từ ngày 24 đến 26/04. Trong chuyến thăm, ông Blinken đã gặp các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị. Nhiều người suy đoán rằng chuyến thăm của ông Blinken đóng vai trò nền tảng để đưa ra một tối hậu thư dứt khoát cho ĐCSTQ về việc nước này ủng hộ Nga.
Trong một cuộc họp báo vào ngày cuối cùng của chuyến thăm, ông Blinken nói rõ quan điểm của Hoa Kỳ, tuyên bố rằng cuộc xâm lược quân sự đang diễn ra của Nga đối với Ukraine sẽ không trụ vững nếu không có sự hậu thuẫn của ĐCSTQ. Ông cảnh báo, “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này, thì chúng tôi sẽ hành động.”
Đối mặt với lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ, ĐCSTQ có vẻ đã điều chỉnh lại cách tiếp cận, từ bỏ chính sách ngoại giao “chiến lang” hung hãn của họ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times