Nghiên cứu tiểu sử có thể thúc đẩy tầm nhìn và hoài bão của chúng ta
Trong tác phẩm “The Bridges at Toko-Ri,” một bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của James Michener về Chiến tranh Triều Tiên, Đô đốc George Tarrant khi quan sát các phi công của mình cất cánh từ tàu sân bay để tấn công kẻ thù, ông đã hỏi: “Chúng ta có thể có được những người như vậy ở đâu?”
Đây là một câu hỏi khá thú vị.
Những người này, họ đến từ đâu, những người đàn ông và phụ nữ tạo lập nên quốc gia này, chiến đấu và hy sinh trong các cuộc chiến tranh vì đất nước này, chịu nhiều thiếu thốn, thường xuyên phải vật lộn qua hết khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác và đã tạo ra một vùng đất của những cơ hội chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại?
“Rất ít người trong số những Nhà lập quốc này nhận được bằng đại học chính quy, nhưng họ mang lại cho chúng ta sự tự do.”
Lấy thuộc địa Virginia làm ví dụ. Làm thế nào mà một thuộc địa lạc hậu của Đế quốc Anh lại có thể sản sinh ra một loạt những người như George Washington, Patrick Henry, Thomas Jefferson, James Madison và George Mason? Thêm vào đó, từ một số thuộc địa khác, vẫn có những người có tầm ảnh hưởng — như Franklin, Adams và Hamilton, trong tất cả họ — chúng ta thấy mình bị thu hút bởi năng lực và sự tài ba của họ.
Rất ít người trong số những Nhà lập quốc nhận được bằng đại học chính quy, nhưng họ đã mang lại cho chúng ta sự tự do, Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Họ đã nghiên cứu về một số tác giả như John Locke, họ biết Kinh thánh, họ đã đào sâu vào lịch sử của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Và thật đáng kinh ngạc, họ đã mang đến cho chúng ta một nền Cộng hòa đa sắc.
Không kém phần quan trọng, những Tổ phụ lập quốc của Hoa Kỳ cũng đã thấm nhuần và lĩnh hội được tiểu sử của những người đi trước, đặc biệt là người La Mã cổ đại và tìm cách mô phỏng theo đó. Họ chiêu mộ những người giống như Cicero và Cato the Younger (Cato nhỏ) như là hình mẫu của những người thuộc Đảng Cộng hòa, đồng thời cũng góp nhặt những thông tin về những người La Mã nổi tiếng khác mà họ ngưỡng mộ từ những tác phẩm như “Plutarch’s Lives” và “History of Rome” của Livy.
Chẳng hạn, các tác giả của “The Federalist Papers” (Tạm dịch: Luận cương Liên bang) đã sử dụng bút danh Publius, bằng cách đó để tôn vinh một người La Mã đã giúp lật đổ chế độ quân chủ áp bức. George Washington đã đem vở kịch của Joseph Addison, “Cato,” đến điểm trú quân mùa đông Valley Forge để truyền cảm hứng cho quân đội của mình. Các chính khách Mỹ thời đó cũng thường xuyên đề cập đến sự tương đồng giữa Cộng hòa La Mã với những gì mà họ muốn làm cho Hoa Kỳ.
Nói tóm lại, họ tin rằng họ không chỉ có thể học hỏi từ những thành tựu và uy đức của những nhân vật vĩ đại này trong quá khứ, mà họ còn có thể phỏng theo tinh thần cao thượng và lý tưởng của họ và chọn cách đối mặt với những khủng hoảng cùng với một tinh thần dũng cảm và sự vươn lên trong nghịch cảnh như thế.
Cũng như các Nhà lập quốc, nếu chúng ta nghiên cứu về quá khứ huy hoàng của tổ tiên chúng ta, điều này cũng có thể giúp chúng ta nâng cao tầm nhìn và hoài bão của mình. Chúng ta có thể tìm thấy những hình mẫu trong quá khứ có thể giúp hoàn thiện bản thân mình hơn và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hơn nữa, chúng ta có thể chọn lọc những phẩm chất mà chúng ta muốn học hỏi từ những người đi trước, giống như một bữa buffet mà ta chọn lấy những gì mình cần. Chúng ta có thể ngưỡng mộ lòng dũng cảm và nghị lực vô biên của Theodore Roosevelt mà không nhất thiết phải đồng ý với mọi chính sách chính trị của ông. Chúng ta có thể học hỏi phong thái vô tư, không vụ lợi của John Adams hoặc George C. Marshall, nghĩa là họ đã cố gắng nhìn mọi thứ như thực tế và với ít thành kiến nhất có thể, mà không nhất thiết phải tiếp nhận những phẩm chất khác mà họ có.
Đương thời vẫn có những hình mẫu về người có đạo đức cao thượng, người ta thường tìm thấy ở những nơi mà chúng ta ít có thể ngờ đến. Ví dụ, một số ngôi sao điện ảnh đã tận tụy cống hiến vì những mục đích cao cả. Trong cuốn tự truyện của mình, “Grateful American: A Journey From Self to Service,” Gary Sinise, người đã giành được trái tim của người dân Mỹ với vai Trung úy Dan trong “Forrest Gump,” kể lại chuyến hành trình của mình từ cuộc sống buông thả bản thân để giúp đỡ các cựu chiến binh Mỹ. Trong cuốn sách “Audrey Hepburn, Elegant Spirit,” con trai của nữ diễn viên (Audrey Hepburn) – Sean – đã tôn vinh cuộc đời của mẹ mình và sự tận tụy của bà dành cho những đứa trẻ.
Trong bài thơ “The Truly Great,” (Người thực sự vĩ đại) Stephen Spender đã viết những câu kết sau:
(Tạm dịch)
“Tên của những ai đã dành cả đời họ để chiến đấu cho cuộc sống này,
Những người mang trong tim họ trung tâm của ngọn lửa.
Sinh ra từ mặt trời, họ đi một đoạn ngắn trong khi hướng về phía mặt trời
Và để lại sau lưng bầu không khí sống động gắn liền với thanh danh của họ.”
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times.