Nghiên cứu: Âm nhạc có thể ngăn ngừa 800,000 ca tử vong mỗi năm
Các nhà nghiên cứu từ Đại học New South Wales (UNSW) phát hiện ra rằng, âm nhạc ngăn ngừa khoảng 800,000 ca tử vong có thể tránh được mỗi năm, vì có bằng chứng thuyết phục rằng việc tiếp xúc với âm nhạc giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng.
Ông Matt McCrary là giảng viên trợ giảng tại UNSW và là đồng tác giả của nghiên cứu về tác động của âm nhạc. Trong một buổi họp báo của UNSW, ông McCrary cho biết, nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với âm nhạc có thể kích hoạt phản ứng sinh lý có cảm xúc. Với bất kỳ hình thức tương tác nào, dù là hát, nghe nhạc hay chơi một nhạc cụ, đều có thể tạo ra loại phản ứng này.
Ông McClary nói rằng, điều này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khả năng này của âm nhạc dường như có liên quan đến mối liên hệ cảm xúc được hình thành giữa nhạc sĩ và người nghe: các nhạc sĩ thiết kế âm thanh bằng cảm xúc trong tâm trí, và người nghe sẽ tiếp nhận những cảm xúc này.
Ông McClary cho biết, phản ứng cảm xúc với âm nhạc sẽ kích hoạt các vùng khác nhau của não bộ và hệ thống thần kinh tự trị (ANS) – một hệ thống sinh học điều chỉnh các quá trình không tự chủ như thở và nhịp tim. Cụ thể, phần lớn khi tiếp xúc với âm nhạc sẽ kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight), sau đó là phản hồi “nghỉ ngơi và tiêu hóa” ở cuối bản nhạc.
“Giả thiyết trong nghiên cứu của tôi là, việc tiếp xúc nhiều lần với âm nhạc và khơi gợi các mô hình kích hoạt hệ thần kinh tự chủ làm tăng khả năng đối phó hiệu quả với căng thẳng, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể của chúng ta.”
Ngoài ra, các mô hình kích hoạt của hệ thần kinh tự chủ đối với âm nhạc tương tự như mô hình trải nghiệm trong khi tập thể dục, mặc dù ông McClary cho biết tập thể dục tạo ra mức độ phản ứng cao hơn.
Ông McClary nói rằng: “Điều thú vị nhất về những kết quả này là chúng cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tác động tiềm tàng của âm nhạc đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta. Ví dụ, tập thể dục có liên quan đến việc ngăn ngừa 1.6 triệu ca tử vong mỗi năm.”
“Nếu âm nhạc có thể có một nửa tác động, chúng tôi đang xem xét việc ngăn chặn 800,000 ca tử vong có thể tránh được mỗi năm. Vì vậy, nếu chúng ta có thể tìm ra mục tiêu và tối đa hóa tác động của âm nhạc, thì tiềm năng này rất thú vị”, ông giải thích.
Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông McClary cho biết phát hiện chính của nghiên cứu là âm nhạc có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của con người (Health-related quality of life, HRQOL) – một chỉ số sức khỏe của con người, bao gồm tất cả các khía cạnh về mặt tình cảm, xã hội và thể chất trong đời sống cá nhân. Ông nói, âm nhạc có khoảng một nửa tác động của việc tập thể dục đối với HRQOL.
Ông McClary nói thêm rằng một giả thuyết chính mà nhóm của ông hiện đang nghiên cứu là việc tiếp tục tiếp xúc với âm nhạc có thể có tác dụng phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm (Non-communicable disease), ví như bệnh tim mạch và ung thư.
Ông nói, “Bởi vậy, mức độ ảnh hưởng của âm nhạc đối với chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe cho phép chúng tôi ước tính gần đúng tác động tiềm tàng của nó đối với tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm.”
“Về sự kết hợp giữa âm nhạc và tập thể dục (giống như khi khiêu vũ) hoặc loại hình tiếp xúc với âm nhạc nào là tốt nhất cho sức khỏe, đây vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời mà chúng tôi đang nghiên cứu.”
Ông McClary cũng nói rằng âm nhạc có thể được sử dụng để điều trị chứng lo âu và trầm cảm ở những người có vấn đề về sử dụng chất kích thích. Đồng thời ông cho biết thêm rằng, nghiên cứu hiện tại cho thấy âm nhạc có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng, như quan sát được trong kết quả nghiên cứu, tác động của âm nhạc rất khác nhau giữa các cá nhân khác nhau.
Ông McClary cho biết: “Hiện tại, đó là một hạn chế lớn, bởi vì việc ‘kê đơn’ một loại nhạc nào đó cho một người bất kỳ cũng có khả năng nhận được phản ứng từ ‘không hiệu quả’ đến ‘hiệu quả lớn’.
“Mục tiêu của chúng tôi là trong dự án nghiên cứu sắp tới sẽ giải quyết được sự chênh lệch này, bằng cách nhắm mục tiêu các phản ứng cảm xúc đối với âm nhạc (ví dụ: thưởng thức, thư giãn) so với các loại nhạc cụ thể (ví dụ: cổ điển, pop).”
Tuy nhiên, phân tích của nghiên cứu không nêu rõ các cách để tối ưu hóa liệu pháp âm nhạc, chẳng hạn như tần suất hoặc tần suất bệnh nhân nên tiếp xúc với âm nhạc.
Ông McClary cho biết, trước những hạn chế hiện tại của liệu pháp âm nhạc, còn rất nhiều việc cần phải làm, mới có thể “kê đơn thuốc âm nhạc” một cách đáng tin cậy cho mọi người nhằm mang lại lợi ích sức khỏe tối đa. Ông cho biết nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động trung bình của âm nhạc đối với sức khỏe.
Ông nói, để nhận ra tiềm năng của âm nhạc trong chăm sóc sức khỏe, bước tiếp theo là phát triển một dàn khung cho phép kê đơn đáng tin cậy, nhằm tối đa hóa tác động của âm nhạc đối với sức khỏe của bệnh nhân.
Ông McClary cho biết: “Dàn khung đã được phát triển về mặt lý thuyết, rút ra những hiểu biết chính từ việc phát triển các đơn thuốc tập thể dục hiệu quả.”
“Trước mắt, bước tiếp theo là kiểm tra thực nghiệm dàn khung kê đơn này để xem liệu nó có liên tục tạo ra kết quả sức khỏe tích cực trong nhiều môi trường thực tế khác nhau, chẳng hạn như các chương trình phục hồi chức năng lâm sàng và sức khỏe cộng đồng hay không.”
Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng số đầu tiên cho thấy âm nhạc có tác động đáng kể về mặt lâm sàng đối với sức khỏe và HRQOL, ông nói.
Ông McClary nói thêm rằng: “Các bài đánh giá có hệ thống trước đây đã sử dụng các cách tiếp cận tường thuật để tổng hợp các kết quả rộng rãi về tác động của âm nhạc đối với sức khỏe, những kết quả này thường mâu thuẫn với nhau.”
“Điều đó nói lên rằng, mục đích của nghiên cứu này là rất trực tiếp và có thể định lượng được, thực hiện một cách tiếp cận ‘tỉnh táo’, không thiên vị đối với tác động của âm nhạc. [Bởi trước đó] Tôi không chắc liệu tác động của âm nhạc lên chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe (HRQOL) có thể định lượng được hay không.”
Ông McClary cũng cho biết nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cho phép so sánh và bối cảnh hóa tác động sức khỏe của âm nhạc với các phương pháp hiện đang được sử dụng để cải thiện HRQOL, chẳng hạn như giảm cân và tập thể dục. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều này bằng cách tập trung vào các nghiên cứu sử dụng khảo sát sức khỏe ngắn (SF) phổ biến nhất, SF-36, như tên gọi cho thấy cuộc khảo sát bao gồm 36 mục.
Ông McClary chỉ ra rằng, hiện tại ông chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy một số loại nhạc nhất định có tác động nhiều hơn đến sức khỏe của con người.
Ông nói: “Âm nhạc có ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe và hạnh phúc dường như là [loại âm nhạc] yêu thích của bạn, bởi vì chơi và nghe nó tương ứng với những phản ứng mạnh nhất về cảm xúc và sinh lý.”
“Đối với một số người, đó có thể là nhạc cổ điển, và đối với những người khác, đó có thể là heavy metal.”
Hàn Ngọc biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ