Nghiên cứu: 95% thức uống phổ biến chứa chất hóa dẻo
Trong một nghiên cứu trên 75 mẫu thức uống, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tìm thấy gần như tất cả đều chứa chất hóa dẻo (lớp phủ hóa học giúp nhựa dẻo và mềm), và càng nhiều đường thì càng có nhiều chất hóa dẻo.
Chất hóa dẻo là vật liệu polyme được thêm vào nhựa để có độ mềm dẻo và độ bền mong muốn, với bisphenol A (BPA) và phthalate là loại phổ biến nhất.
Chất hóa dẻo cũng được sử dụng trong các vật dụng hàng ngày như hộp đựng thực phẩm, thực phẩm đóng hộp, và một số đồ vệ sinh cá nhân.
Tuy nhiên, lượng chất hóa dẻo quá nhiều trong thực phẩm có thể gây tổn thương trầm trọng cho gan, thận và hệ thống sinh sản.
Hóa chất này cũng có liên quan đến việc gây sảy thai, dị tật bẩm sinh, thậm chí là ung thư.
Được công bố trên tập san Environment International, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu nước, cola, nước trái cây, rượu vang, thức uống nóng và nhận thấy rằng bất kể được đóng gói như thế nào, lượng đường bổ sung được cho là có ý nghĩa nhất.
Anh Julio Fernández Arribas giải thích: “Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy hơn 95% thức uống có ít nhất một trong số 19 chất hóa dẻo. Điều này cho thấy sự phổ biến của các hợp chất này và việc chúng ta tiếp xúc với chúng trong cuộc sống hàng ngày.”
Anh Fernández Arribas là tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu của Viện Đánh giá Môi trường và Nghiên cứu Nước (IDAEA) của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha.
Họ đã phát hiện mức độ ô nhiễm cao nhất trong nước ngọt có đường và nước trái cây thêm đường, với mức trung bình lần lượt là 2,876 ng/L và 2,965 ng/L.
Mức độ ô nhiễm thấp nhất được tìm thấy trong nước đóng chai (2.7 ng/L) và cà phê (24 ng/L), tiếp theo là rượu vang, nước ngọt không đường, trà và nước trái cây không thêm đường.
Nước máy của Barcelona có hàm lượng cao hơn đáng kể so với nước đóng chai, với 40.9 ng/L và 2.7 ng/L chất hóa dẻo, mà các nhà nghiên cứu cho biết chủ yếu là do các hóa chất có thể đến từ ống nước nhựa mà Tây Ban Nha sử dụng.
Nhà nghiên cứu IDAEA và tác giả chính của nghiên cứu, cô Ethel Eljarrat, cho biết: “Một trong những kết quả nổi bật nhất là thức uống có đường có hàm lượng chất làm dẻo cao hơn, đặc biệt là do sự hiện diện của 2-ethylhexyldiphenyl phosphate (EHDPP).
EHDPP có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và tử cung.
Đáng ngạc nhiên là loại bao bì – thủy tinh, nhựa hoặc lon – không quan trọng trong việc xác định mức độ hóa dẻo trong thức uống.
Họ phát hiện ra rằng lớp phủ nhựa trên nắp kim loại của chai thủy tinh phóng thích 8 hợp chất riêng biệt vào thức uống, và chai thủy tinh của một nhãn hiệu nước trái cây chứa hàm lượng chất hóa dẻo cao gấp 10 lần so với các loại bao bì khác.
Những thức uống có đường phổ biến nhất
Thức uống có đường rất phổ biến ở Úc, đặc biệt là ở nam giới trưởng thành trẻ tuổi, dự báo tình trạng tăng cân liên tục của dân số và gánh nặng bệnh kinh niên tăng cao.
Một nghiên cứu dân số trên 3.430 người Úc trưởng thành cho thấy gần một nửa đã dùng thức uống có nhiều đường trong tuần qua.
Tiêu thụ nước ép trái cây là phổ biến nhất với gần 40%, tiếp theo là soda với 29%, soda ngọt nhân tạo với 18%, thức uống thể thao với 8% và nước tăng lực với 4%.
Theo nghiên cứu trước đây từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Na Uy, mức tiêu thụ soda cao hơn liên quan đến nam giới, tuổi trẻ hơn, điều kiện kinh tế xã hội kém, tiêu thụ thực phẩm mang đi thường xuyên, béo phì, và chẩn đoán bệnh tim hoặc trầm cảm.
Ngoài ra, theo cuộc khảo sát mới nhất của Food Standards Australia & New Zealand (FSANZ), mức độ chất hóa dẻo trong thực phẩm của Úc nói chung là thấp.
Họ đã phân tích bảy chất hóa dẻo phthalate, adipate và citrate có thể được sử dụng trong vật liệu đóng gói thực phẩm.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times