Nghị viện Âu Châu kêu gọi Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Vi phạm nhân quyền đang diễn ra hằng ngày ở nước cộng sản Trung Quốc. Giờ đây Liên minh Âu Châu đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ. Nghị viện Âu Châu vừa thông qua một nghị quyết phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc — đồng thời cũng không quên một người nông dân nhỏ bé đang bị đàn áp.
Chiều thứ Năm (18/01), Nghị viện Âu Châu tại Strasbourg, Pháp, đã bỏ phiếu về Nghị quyết 2024/2504(RSP). Nghị quyết này nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công vốn đã diễn ra ở Trung Quốc hơn 24 năm — và đặc biệt là trường hợp cụ thể của ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), một nông dân trồng chè ở một ngôi làng thuộc miền đông Trung Quốc.
Kiến nghị về Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu đã được thông qua với đa số áp đảo. Nghị quyết phiên bản cuối sẽ được chuyển đến các cơ quan thích hợp bên trong Ủy ban Âu Châu. Nghị quyết này được đưa ra nhằm mục đích phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mặc dù quyền tự do tôn giáo được luật pháp của quốc gia cộng sản này bảo hộ và bảo đảm.
Nghị quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc đàn áp tự do tôn giáo và giám sát toàn diện đối với người dân. Nghị quyết cũng đặc biệt nhắc đến trường hợp của học viên Pháp Luân Công Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande). Chính quyền Trung Quốc cần phải thả ông Nguyên Đức ngay lập tức và vô điều kiện.
Nghị quyết yêu cầu Ủy ban Âu Châu và chính phủ của các nước thành viên hãy hành động rốt ráo, ủng hộ cho một cuộc điều tra quốc tế về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, lên án việc lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với tất cả thủ phạm và tổ chức đã tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Hôm 17/01, Nghị viên Âu Châu người Tây Ban Nha, ông Hermann Tertsch cho biết trên X, trước đây là Twitter, rằng, “Anh Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding), một thanh niên Trung Quốc đang chiến đấu không mệt mỏi để giải cứu cha mình khỏi một nhà tù ở Trung Quốc chỉ vì là ông là một học viên Pháp Luân Công và sống theo các nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’, đã đến gặp tôi tại văn phòng ở Strasbourg.”
Ông Tertsch cho biết thêm, “Các học viên Pháp Luân Công đang bị đàn áp tàn bạo trên khắp Trung Quốc và thường là nạn nhân của việc cấy ghép nội tạng cưỡng bức cho các bệnh nhân giàu có. Một nghị quyết đang yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân và các học viên ôn hòa này.”
Ha venido a verme al despacho en Estrasburgo Lebin Ding, un joven chino que mantiene una incansable lucha por sacar a su padre de una cárcel china por el mero hecho de ser miembro de la comunidad Falung Gong, y vivir según sus principios de "Verdad, Compasión y Tolerancia". — Hermann Tertsch (@hermanntertsch) January 17, 2024
Los… pic.twitter.com/AxocouD8k0
Cuộc tranh luận thẳng thắn ở EU
Các nghị viên của Nghị viện Âu Châu đã thảo luận về kiến nghị của năm nhóm nghị viên trước khi nghị quyết được thông qua. Nghị viên Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) người Đức, ông Michael Gahler, thành viên của nhóm Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP), đã mở đầu cuộc tranh luận, “Ở Trung Quốc có chế độ độc tài độc đảng,” vị chính trị gia lâu năm này của EU nhấn mạnh — và bởi vì Đảng Cộng sản muốn giữ được quyền lực, nên họ sẽ phải đàn áp nhiều nhóm khác nhau trong nước, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công.
“Môn tu luyện này không gây hại cho bất kỳ ai và không phải là mối đe dọa đối với quốc gia. Nhưng rõ ràng là từ năm 1999 Đảng đã cho rằng, đó là một mối đe dọa đối với hệ tư tưởng của mình,” ông Gahler nói.
Cụ thể, đó cũng là trường hợp xảy ra đối với ông Đinh Nguyên Đức, người vừa bị kết án ba năm tù. “Lời buộc tội duy nhất chống lại ông ấy là tập luyện Pháp Luân Công.”
Nghị viên Bồ Đào Nha, bà Isabel Santos thuộc nhóm Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) tại Nghị viện Âu Châu đã nói về “bộ máy đàn áp nhằm kiểm soát mọi thứ và mọi người,” kể cả các hoạt động tôn giáo, của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Họ đang cố gắng ngăn chặn tất cả những điều này như một “mối đe dọa đối với ý thức hệ của Trung Quốc.” Trong trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức, bà Santos cảnh báo Liên minh Âu Châu không nên “đồng lõa thông qua im lặng.”
‘Chúng ta không được phép bán đi các giá trị của chính mình’
Nghị viên Czech, bà Markéta Gregorová đến từ nhóm Đảng Xanh nhắc lại rằng mối quan hệ thương mại không phải là lý do để “nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động thu hoạch nội tạng bất hợp pháp và các trại tập trung hàng loạt trong thế kỷ 21.” Liên minh Âu Châu “đã không làm gì trong nhiều thập niên” và chỉ cử các phái đoàn doanh nghiệp đến. Do đó, Trung Quốc tuyên bố các hành vi vi phạm nhân quyền của mình là “vấn đề nội bộ” và không dung thứ cho sự can thiệp. Hiện nay Trung Quốc đang gửi vật liệu chiến tranh đến Nga và tiếp tục phạm tội ác nhân quyền. Nghị viên này kêu gọi: “Chúng ta không được phép bán đi các giá trị của chính mình.”
Phương pháp thời Trung Cổ và công nghệ kiểu Orwell
Nghị viên Ý không thuộc nhóm nào, ông Fabio Massimo Castaldo, gọi cuộc đàn áp những người có đức tin của nhà cầm quyền Bắc Kinh là “một kiểu mô hình thời Trung Cổ” với việc sử dụng ngày càng nhiều “công nghệ tương lai như trong tác phẩm của George Orwell” để giám sát người dân. “Hàng trăm ngàn người đã biến mất. Điều đó thực sự khủng khiếp,” nghị viên này nói. Chúng ta phải lên án điều đó, yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế và buộc những người tham gia buôn bán nội tạng bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm. “Nếu chúng ta im lặng, thì chúng ta sẽ trở thành đồng phạm.”
Nghị viên Đức Engin Eroglu (Đảng Cử tri Tự do) thuộc nhóm Đổi mới châu Âu (Renew Europe), đã bày tỏ mối lo ngại của mình về những bước đi tiếp theo của chế độ cộng sản ở Bắc Kinh. Ông Eroglu cho biết Trung Quốc có “những vấn đề nghiêm trọng” bên trong nội bộ. Ông cho biết thêm, lời hứa về sự thịnh vượng đang bắt đầu sụp đổ và, “Tôi rất lo ngại là khi quá trình thanh lọc nội bộ hoàn tất, thì giống như bất kỳ chế độ chuyên chế nào khác, Trung Quốc sẽ vươn ra ngoại quốc để đe dọa các quốc gia thứ ba.” “Chúng ta phải kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thức tỉnh và hành động.”
The @Europarl_EN has adopted an urgency, calling for the immediate & unconditional release of Mr Ding Yuande. I had the honour to be the @RenewEurope shadow. #Beijing's oppression of unwanted communities is unacceptable & we must keep raising our voices!@ding_lebin pic.twitter.com/tjOtJUh8zX
— Engin Eroglu (@EnginEroglu_FW) January 18, 2024
Bà Miriam Lexman, một nghị viên Slovakia thuộc Nhóm Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP), đã chia sẻ thông tin về các phương pháp tra tấn của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công: “Họ bị ép mặc áo bó tay chân, bị đánh bằng dùi cui điện, bị đốt chân, họ bị bỏ đói, nhiều phụ nữ bị bị lạm dụng.” Cũng không thể không kể đến “những trường hợp kinh hoàng của việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức,” bà nhấn mạnh thêm.
As @Europarl_EN debates resolution on the persecution of the Falun Gong practitioners, it was an honour to meet @ding_lebin whose parents are among those persecuted for their faith.
Their suffering & persecution is emblematic of the CCP’s tyranny. #StopThePersecution pic.twitter.com/SVDtkTbtx0
— Miriam M. Lexmann (@MiriamMLex) January 18, 2024
Bà Anna Fotyga, Nghị viên Đảng Luật pháp và Công lý Ba Lan (PiS) đến từ Nhóm Đảng Bảo thủ và Cải cách Âu Châu (ECR), kết luận rằng trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đàn áp tự do tôn giáo, đồng thời nhắc lại rằng con trai của ông Nguyên Đức hiện đang biểu tình trước tòa nhà Nghị viện. Bà khuyên các nghị viên nên ủng hộ hành động này.
Ủy ban EU: Chúng tôi đang đối thoại với Trung Quốc về nhân quyền
Sau các nghị viên, Ủy viên EU, ông Nicolas Schmit — đại diện cho ông Josep Borell, Phó Chủ tịch kiêm Đại diện cao cấp của Ủy ban EU — đã lên tiếng. Cuộc thảo luận này cho thấy Nghị viện Âu Châu lo ngại mạnh mẽ về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đến mức độ nào. Ông Schmit giải thích rằng Ủy ban EU luôn đứng lên trước chính quyền Trung Quốc để bảo vệ nhân quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Trung Quốc là đối tác nhưng cũng là đối thủ và địch thủ. Thay mặt cho ông Josep Borell, ông Schmit cho biết: châu Âu cần trở nên kiên cường hơn, theo đuổi chính sách giảm rủi ro, đồng thời giải quyết các lợi ích chung và thách thức toàn cầu.
Một ‘cuộc đàn áp có hệ thống’ nhằm ‘xóa sổ’
Cuộc tranh luận xảy ra trước một kiến nghị chung về một nghị quyết của hầu hết các nhóm trong Nghị viện Âu Châu để phản đối “cuộc đàn áp có hệ thống” đã diễn ra từ năm 1999 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm “xóa sổ phong trào tín ngưỡng Pháp Luân Công.”
Các nghị viên cũng nêu ra sự suy thoái liên tục của quyền tự do tôn giáo ở Trung Quốc, mặc dù trong hiến pháp của nhà nước cộng sản này công dân được bảo đảm quyền tự do tôn giáo.
Người ta đề cập đến hàng ngàn trường hợp tử vong, bị bỏ tù, “được báo cáo là bị tra tấn, lạm dụng tâm lý và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.” Tất cả là nhằm mục đích làm cho những người bị đàn áp “từ bỏ đức tin của mình” thông qua cuộc bức hại này.
Chỉ trích sự giám sát công nghệ
Ngoài ra, các nghị viên còn chỉ trích “sự kiểm duyệt và giám sát dựa trên công nghệ” đóng vai trò là trọng tâm của cuộc bức hại này.
Các nghị viên kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “chấm dứt việc giám sát, kiểm soát trong nước và xuyên quốc gia cũng như đàn áp tự do tôn giáo.” Trung Quốc nên thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế cũng như hiến pháp của họ để “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.”
Một trường hợp cụ thể
Kiến nghị cũng đề cập đến trường hợp cụ thể của một nông dân trồng chè ở Trung Quốc, ông Đinh Nguyên Đức, người bị bắt giữ hồi tháng 05/2023 khi đang làm việc trên cánh đồng của mình mà không có lệnh bắt giữ, rồi sau đó bị kết án 3 năm tù và phải nộp phạt 15,000 nhân dân tệ (gần 2,000 euro) vào ngày 15/12/2023, trong khi không được phép gặp thân nhân trong thời gian đó. Con trai của ông, anh Đinh Nhạc Bân (Ding Lebin), người đã sống ở Đức được 11 năm, đã kêu gọi chính phủ Đức và các cơ quan của Liên minh Âu Châu giúp giải cứu cha anh tại Trung Quốc.
Trong kiến nghị, các nhóm nghị viên kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức “cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và các dân tộc thiểu số khác, kể cả người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng” và “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyên Đức và tất cả các học viên Pháp Luân Công.” Pháp Luân Công cũng còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
EU và các quốc gia thành viên nên hành động ngay lập tức
Các nghị viên EU kêu gọi các quốc gia thành viên EU đình chỉ tất cả các thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc. Từ Ủy ban Âu Châu và chính phủ các quốc gia EU, các nghị viên yêu cầu ủng hộ cho một cuộc điều tra quốc tế về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và hơn nữa là đề cập đến “cuộc đàn áp đối với các tôn giáo thiểu số trong tất cả các cuộc đối thoại chính trị và nhân quyền với các quan chức Trung Quốc.”
Các nghị viên cũng kêu gọi EU và các quốc gia thành viên “công khai lên án việc lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.” Đồng thời, các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng ở cấp quốc gia và EU đối với tất cả các thủ phạm và tổ chức đã tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công.