Nghệ thuật gia kỳ tài – Leonardo da Vinci (P.6): Thánh Jerome cầu nguyện nơi hoang dã
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.
Vào khoảng thời gian trước và sau khi vẽ bức “Sự tôn thờ của các đạo sĩ” (Adoration of the Magi), Leonardo da Vinci cũng đang thực hiện một bức tranh sơn dầu khác tên là “St Jerome praying at wildness” (Tạm dịch: Thánh Jerome cầu nguyện nơi hoang dã), nhưng thời gian, bối cảnh và người ủy thác của tác phẩm này đến nay vẫn chưa rõ. Trong khi các học giả qua nhiều thế kỷ thường tranh luận về tính xác thực của các tác phẩm của Da Vinci, thì bức tranh này lại chưa bao giờ bị nghi ngờ.
Thánh Jerome là một nhà thần học uyên bác, người đã dành cả cuộc đời mình để tu sửa Kinh Thánh và dịch Cựu ước từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp. Trong những năm cuối đời (khoảng năm 370), ông sống ẩn dật ở trong sa mạc Syria. Ông từng nhổ gai ra khỏi lòng bàn chân của một con sư tử bị thương, từ đó con sư tử trở thành bạn đồng hành của ông trong cuộc sống ẩn dật, và cũng thường xuất hiện trong các bức tranh mô tả Thánh Jerome.
Các họa sĩ thời Trung cổ đến thời Phục hưng đa phần đều thích diễn tả những thành tựu về mặt thần học của Thánh Jerome, họ vẽ ông như một học giả. Leonardo da Vinci thì lại chọn hoàn cảnh tu hành ẩn dật của Thánh Jerome. Ông lão trong tranh, Thánh Jerome, đang ở trên sa mạc với thân hình gầy gò, quần áo đơn giản. Ông quỳ một gối xuống, cầm một hòn đá trên tay phải và dùng nó đập vào ngực để xua đuổi những ý nghĩ xấu xa trong đầu. Con sư tử nằm phía trước hơi gầm nhẹ, như đáp lại lời tự trách của ông. Đường nét đơn giản của những tảng đá và ngọn núi ở phía sau bức tranh khiến chúng vừa thơ mộng vừa huyền bí, đây là một phong cảnh điển hình của phong cách Da Vinci. Mặc dù nguyên do tạo ra tác phẩm chưa được biết rõ, nhưng bản chất của tác phẩm dường như nói về việc cầu nguyện cá nhân hoặc tĩnh tu của người tu luyện.
Mặc dù bức tranh này chưa hoàn thành, nhưng vẫn cho thấy hai phần mà Leonardo da Vinci đặc biệt chú ý trong khi sáng tác: Một là ứng dụng của giải phẫu người trong hội họa, hai là cách thể hiện cảm xúc bên trong thông qua các chuyển động của cơ thể mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước.
Leonardo da Vinci, người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Aberti (nhà văn, nghệ sĩ, kiến trúc sư, họa sĩ và nhà mật mã học người Ý), cho rằng: “Một họa sĩ giỏi phải vẽ ra được hai điều chính, một là con người, hai là tâm ý của người đó”. “Cái trước rất đơn giản, cái sau tương đối khó, bởi vì cái sau phải thông qua cử chỉ và chuyển động cơ thể để thể hiện”.
Đối với Da Vinci, sự kết hợp giữa “vẽ con người” và “vẽ nội tâm của con người” là một điều tất nhiên. Vị Thánh đang tự trách bản thân trong bức “Thánh Jerome cầu nguyện nơi hoang dã” không chỉ có vẻ ngoài buồn bã, mà lực căng của chân tay còn thể hiện đầy đủ những đau khổ trong tâm của ông; mà lực căng này chính là đến từ kết quả nghiên cứu giải phẫu của Leonardo da Vinci. Ông nói: “Để bố trí hợp lý các bộ phận trên cơ thể nhằm thể hiện đúng cử chỉ thái độ, họa sĩ nhất định phải hiểu rõ cấu tạo của bắp thịt, xương cốt, cơ bắp và gân”.
Từ tư thế của vị Thánh, có thể thấy Leonardo da Vinci đã mô tả được mối quan hệ về lực kéo giữa vai, cổ, cánh tay và cơ ngực dưới tác dụng lực. Trong các bản thảo giải phẫu của ông vào năm 1510, có một số nghiên cứu giải phẫu về sự liên kết của cổ với vai cùng ngực và cánh tay, chuyển động của các nhân vật trong đó rất giống với của Thánh Jerome. Điều khiến các chuyên gia khó hiểu là trong bức “Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper) được vẽ vào những năm 1495-1498, ông cũng mô tả mối quan hệ giải phẫu từ cổ đến xương đòn trong động tác của Judas, nhưng lại không hề chính xác như bức tranh vốn được vẽ trước đó – bức “Thánh Jerome cầu nguyện nơi hoang dã”. Sự bất thường này đã khiến một số học giả suy đoán rằng Leonardo da Vinci, người có thói quen sửa đổi tác phẩm của mình, sau khi nghiên cứu lại giải phẫu cổ vào năm 1510, có lẽ ông đã quay lại và sửa tác phẩm vào năm 1480 này.
Bức vẽ về Thánh Jerome chính là sự thể hiện về kiến thức giải phẫu của Da Vinci. Cấu trúc cơ thể chính xác và vững chắc của nhân vật không chỉ truyền tải tính chân thực mà còn thể hiện sự kiên trì và thành kính của vị Thánh trong quá trình khổ tu. Như Da Vinci đã khẳng định, “Những cử chỉ bên ngoài thể hiện ý định của trí óc và khát khao của tâm hồn”.
Leonardo da Vinci thậm chí đã dành những năm cuối đời của mình để nghiên cứu não bộ và dây thần kinh chuyển cảm xúc thành các động tác như thế nào. Vào những năm 1480-1490, các nghiên cứu giải phẫu đã khiến ông tin rằng linh hồn nằm ở trung tâm của sọ não. Cho dù điều này có đúng hay không, những suy nghĩ này từ lâu đã vượt ra khỏi kiến thức giải phẫu cần thiết cho hội họa, và liên quan đến những bí ẩn khó hiểu nhất của cuộc sống mà lẽ ra thuộc về tôn giáo và triết học. Bức tranh chưa hoàn thành – “Thánh Jerome cầu nguyện nơi hoang dã” là một quá trình và ghi chép quan trọng về việc thực hành các khái niệm hội họa trong quá trình sáng tạo của Leonardo da Vinci, đồng thời khởi tác dụng kế thừa nghệ thuật của quá khứ.