Nghệ thuật gia kỳ tài: Leonardo da Vinci (Phần 2)
Tiếp theo Phần 1.
Thời gian đầu ở Florence(1469─1481)
Sự phát triển tài năng nghệ thuật của Da Vinci không thể không kể đến công lao to lớn của xưởng Verrocchio, ngoài ra bản thân Florence cũng là một trung tâm văn hóa cung cấp nguồn dưỡng chất nghệ thuật phong phú. Đặc biệt vào thế kỷ XV, cùng với sự biến đổi của thời đại, các phong cách văn hóa khác nhau cũng theo đó mà bị khuấy động: Truyền thống địa phương của Toscana kết hợp với tinh thần cổ điển của Hy Lạp và La Mã cổ đại, phong cách Gothic Bắc Âu đan xen cùng với phong cách Đông La Mã.
Khi Leonardo da Vinci đến Florence, thành phố này đang trong giai đoạn phát triển phồn thịnh. Nhiều công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ lần lượt được xây dựng và hoàn thành như: mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore do Filippo Brunelleschi (1377-1446) thiết kế, nhà thờ San Lorenzo, cung điện Hoàng gia do Michelozzo di Bartolomeo thiết kế và nhà phố Palazzo Rucellai do Leon Battista Alberti (1404-1472) thiết kế… đều khiến Da Vinci được mở mang tầm mắt.
Trên thực tế, chàng trai trẻ Da Vinci đã tự mình trải nghiệm công trình quả cầu vàng trên mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore. Năm 1436, kiến trúc vòm cao 39 mét của nhà thờ lớn ở Florence được hoàn thành, là mái vòm lớn nhất Âu Châu sau đền Pantheon của La Mã kể từ năm 125 sau Công nguyên. Quả cầu vàng bằng đồng của mái vòm nhà thờ sau đó được xưởng Verrocchio chế tạo và lắp đặt. Cách lắp quả cầu kim loại khổng lồ trên mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore là một công trình lớn thu hút sự chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Da Vinci đã chứng kiến (và có thể đã tham gia) sự kiện trọng đại này. Leonardo da Vinci đã nhìn thấy thiết bị máy móc do Brunelleschi thiết kế (chẳng hạn như giá treo bằng gỗ) và giá quay để lắp đặt quả cầu đồng. Những thiết bị máy móc này đã được miêu tả trong sổ ghi chép của Da Vinci.
Để có thể tồn tại trong thời kỳ Phục hưng, đặc biệt ở nơi tập trung nhiều nhân tài như Florence, thì bắt buộc người ta phải tinh thông nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Brunelleschi từ một thợ kim hoàn đã trở thành một nhà điêu khắc, và sau chuyến viếng thăm La Mã, ông đã trở thành một kiến trúc sư vĩ đại, là người đã giải quyết vấn đề nan giải về mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore. Để hiện thực hóa công trình mái vòm của mình, ông còn phát minh ra các phương pháp đo lường và tính toán vô cùng chuẩn xác cùng nhiều loại thiết bị máy móc thực dụng. Sau khi ông qua đời, người ta phải sử dụng chiếc cần trục do ông sáng chế để hoàn thành công việc cuối cùng là đặt quả cầu vàng vào thánh đường. Đối với da Vinci, Brunelleschi chắc chắn là hình mẫu – tấm gương sáng nhất về việc con người có thể vượt qua nghịch cảnh bằng đôi tay và trí tuệ mà Thượng đế ban tặng.
Về phương diện nghệ thuật, chàng trai trẻ Leonardo chắc hẳn đã quan sát tinh thần đổi mới của Masaccio trong bức bích họa “Cuộc đời của Thánh Phêrô” ở nhà nguyện Brancacci; “Bữa ăn tối cuối cùng” của Andrea del Castagno (1421-1457) hẳn đã để lại ấn tượng trong tâm trí của Da Vinci. Kết cấu cơ thể người trong tác phẩm điêu khắc của Donatello và Ghiberti, mối quan hệ giữa nội tâm tình cảm và tư thế của nhân vật, cũng khiến Da Vinci có được những lĩnh ngộ.
Vào thời điểm đó, những người giàu có và quyền lực ở Florence thường trưng bày nghệ thuật ở những nơi công cộng để lấy lòng dân chúng. Do đó, các bức bích họa, điêu khắc và đồ trang sức trên các nhà thờ, quảng trường và dinh thự lần lượt xuất hiện. Ở đầu đường cuối ngõ, các xưởng của thợ gia công kim loại, họa sĩ hay nhà điêu khắc xuất hiện khắp nơi. Người dân cũng thường bàn luận sôi nổi về nghệ thuật ở những nơi này. Sự phát triển rực rỡ của phong cách nghệ thuật ở Florence là chưa từng có trước đây. Trưởng thành từ trong bầu không khí như vậy, thật không khó để có thể biết được Leonardo đã được khích lệ và truyền cảm hứng mạnh mẽ như thế nào.
Gia tộc Medici đã chiêu mộ rất nhiều học giả từ Hy Lạp đến định cư ở Florence sau khi Đế chế Đông La Mã sụp đổ, đồng thời thành lập “Học viện Plato” như một trung tâm thu thập và phổ biến các ý tưởng học thuật, nghệ thuật và nhân văn. Những tầng lớp trí thức này cũng có liên hệ với giới nghệ thuật của Verrocchio. Nhờ đó, Da Vinci được tiếp xúc với nhiều học giả, nghệ thuật gia và khoa học gia, đồng thời tiếp thu được những kiến thức và tư tưởng nhân văn tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Bản thân Leonardo không mấy hứng thú đối với Thuyết siêu hình của Platon, mà ông chỉ quan tâm đến khoa học lý luận có thể tiếp cận được. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhà triết học, toán học, thiên văn học ở Florence thời bấy giờ là Paolo dal Pozzo Toscanelli (1397-1482), từ đó học hỏi được nhiều kiến thức khoa học và văn hóa. Những điều này đã trở thành cơ sở cho các nghiên cứu khoa học và là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của Da Vinci trong tương lai.
Những gì chúng ta biết về cuộc sống của Da Vinci khi ông còn ở Florence rất ít. Người ta đoán rằng từ năm 1476 đến năm 1481, ông đã có phòng làm việc riêng của mình; ông cũng bắt đầu nhận vẽ tranh trước khi trở thành một nghệ thuật gia độc lập vào năm 1478. Cho đến thời điểm trước khi ông được mời đến Milan vào năm 1482, các tác phẩm chính của Leonardo da Vinci ở Florence là: “Phác họa phong cảnh Majano” năm 1473, “Portrait of Ginevra de’ Benci” năm 1474-1478, “The annunciation” (Thiên sứ truyền tin) năm 1472-1475 (có người nói vào năm 1475-1478), “Madonna of the Carnation” (Đức Mẹ và hoa cẩm chướng) vào năm 1478-1480, và “Madonna and Child with a Pomegranate” năm 1478-1479, “Saint Jerome in the Wilderness” (Thánh Jerome ở vùng hoang dã) năm 1480 vẫn chưa được hoàn thành, và “Adoration of the Magi” vào năm 1481-1482 cũng chưa hoàn thành.
“Phác họa phong cảnh Majano” được sáng tác vào năm 1473, hiện nay được xem như là tác phẩm để đời sớm nhất của Leonardo da Vinci, tác phẩm ban đầu được đặt tên là “Landscape drawing for Santa Maria della Neve” (Phác họa phong cảnh Santa Maria della Versa). Nhà sử học nghệ thuật người Đức, ông Ludwig Heydenreich gọi đây là “bức phác thảo phong cảnh tả thực đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật phương Tây”. Những nét vẽ mượt mà và điểm nhìn cao của Da Vinci đã miêu tả các thung lũng của sông Arno gần Florence và vùng đồng bằng ở phía xa, lâu đài Lacianno, và núi Monsummano xa xôi. Không gian trong tranh bao la, phân lớp xa gần rõ rệt, tạo cảm giác về ánh sáng và không khí. Vào thời đại của Leonardo da Vinci, phong cảnh vẫn chưa trở thành một chủ đề hội họa độc lập, vì vậy phong cảnh thuần túy được vẽ bằng bút và mực này quả thật là sự nhìn xa trông rộng.
Với sở thích quan sát thiên nhiên, Leonardo da Vinci đã ghi chép và miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ về địa chất, cấu trúc đá, dòng nước, cây cỏ, để trở thành tư liệu dự trữ cho những sáng tác sau này. Leonardo da Vinci đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu thiên nhiên của người họa sĩ trong tác phẩm “Chuyên luận về hội họa” (A Treatise On Painting) sau này của ông. Vì vậy, phong cảnh trong tác phẩm của ông luôn sống động và giàu dư vị, thay vì ứng phó về mặt khái niệm.
Bức tranh chân dung “Ginevra de’ Benci” (1474-1478) là tác phẩm chân dung sớm nhất của Leonardo da Vinci [1]. Bức tranh có lẽ được hoàn thành khi ông còn ở xưởng vẽ Verrocchio.
Người phụ nữ trong tranh, Ginevra de’ Benci, xuất thân trong gia tộc kinh doanh ngành ngân hàng ở Florence. Năm 1474, bà kết hôn với Luigi Niccolini. Theo phong tục thời bấy giờ, một cô gái khi kết hôn sẽ vẽ một bức họa chân dung để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, người phụ nữ trong bức tranh ăn mặc giản dị, thiếu trang sức và gấm vóc, hơn nữa tranh vẽ chân dung hôn lễ thời bấy giờ thường là tranh vẽ nghiêng. Do đó, có người cho rằng bức tranh này không phải là tranh chân dung hôn lễ, mà có thể nó đã được vẽ sau khi kết hôn. Ngoài ra, trên tờ khai thuế của ông Nicolini năm 1480 có ghi rằng vợ ông bị ốm và được điều trị y tế trong một thời gian dài, điều này có thể giải thích cho nước da nhợt nhạt của người phụ nữ trong bức tranh.
Có giả thuyết khác cho rằng, bức chân dung này không phải do gia đình Benci đặt mà là của Bernardo Bembo, người có một tình yêu kiểu Platon với người phụ nữ trong tranh, hai người ngưỡng mộ nhau. Vì dưới tia hồng ngoại có thể soi thấy bút tích câu cách ngôn “Virtutem forma decorat” (Sắc đẹp là sự tô điểm của đức hạnh) của Bembo, từ đó người ta suy đoán rằng tác phẩm là món quà mà Bembo đặt hàng Leonardo như một món quà cho Ginevra de’ Benci. Hoa văn ở mặt sau của bức tranh cũng được thiết kế với nguyệt quế và cây cọ bao quanh một cây bách xù ở trung tâm tượng trưng cho “sự thanh khiết”, đại diện cho Ginevra – vì cây bách xù tiếng Ý là “ginepro” đồng âm với tên của Ginevra; Một dải ruy băng với dòng chữ “Virtutem forma decorat” (Sắc đẹp là sự tô điểm của đức hạnh) bao quanh cây bách xù, để ca ngợi dung mạo và đức hạnh của Ginevra.
Dưới nét vẽ của Da Vinci, Ginevra với đôi môi mím chặt và biểu cảm thờ ơ, thần sắc có phần nhợt nhạt, tính cách có vẻ ương ngạnh, đó có thể là cảm nhận của họa sĩ dành cho người phụ nữ trẻ này. Đối với bản thân bức tranh, mặc dù phong cách vẽ vẫn thuộc về thủ pháp nghiêm cẩn của truyền thống sơ khai, nhưng phương thức xử lý tinh tế đối với những lọn tóc vàng và sự thay đổi ánh sáng của khuôn mặt là kỹ năng độc đáo của Da Vinci.
Cây lá hình kim làm nền tối càng làm nổi bật khuôn mặt trắng nõn nà. Da Vinci thích sử dụng bầu không khí tối để làm nổi bật chủ thể, từ đó có nhiều không gian hơn cho sự chuyển đổi giữa sáng và tối. Tổng thể bức tranh tinh tế và lịch sự tao nhã, cảm giác không có chi tiết thừa nào. Điều đáng tiếc là bức tranh này đã bị cắt mất một phần do bị hư hỏng phần đáy.
(Còn tiếp)
Chú thích:
[1]: Cũng giống như nhiều bức họa khác của Da Vinci, bức tranh này liệu có phải do đích thân ông vẽ hay không vẫn còn là một điều nghi vấn. Có người cho rằng có thể đây là tác phẩm do học trò của Da Vinci vẽ.
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: