Bản phác thảo “Giấc mơ về kiếp người” của danh họa Michelangelo
Một món quà kết nối thiên thượng với thế gian
Vào khoảng năm 1533, nghệ thuật gia thời Phục hưng người Ý là Michelangelo, đã tặng cho những người bạn thân của mình một loạt các tuyển tập. Vào thời kỳ đó, các bản vẽ thường được tạo ra dưới dạng các bản phác hoạ để chuẩn bị cho những tác phẩm lớn hơn. Tuy nhiên, những bản vẽ này cũng được xem là tác phẩm đã hoàn thiện để làm quà tặng.
Tác giả Maria Ruvoldt đã viết trong một bài tiểu luận rằng “Giấc mơ của Michelangelo” là một trong những trường hợp đầu tiên trong lịch sử, một bức vẽ được hoàn thành vì lợi ích của chính nó. Các bản vẽ đóng vai trò là bản phác thảo cho các tác phẩm khổ lớn thường được thực hiện theo yêu cầu của những nhà bảo trợ, như gia đình Medici hoặc giáo hoàng, cũng như những khách hàng quan tâm đến các bức chân dung cụ thể về chủ đề nhân văn hoặc tôn giáo.
Tuy nhiên, theo Ruvoldt, “sự riêng tư và thân mật rõ ràng của hình thức mới này cho phép một mức độ tự do sáng tạo và kiến giải độc đáo,” tạo cơ hội cho Michelangelo sáng tác một hình ảnh sâu sắc “để chiêm nghiệm, một tác phẩm mà trong đó sự say mê bắt nguồn từ cánh cổng mở ra ý nghĩa bên trong vô tận, khiến người xem mê mẩn khi ngắm đi ngắm lại nhiều lần.”
Nói cách khác, Michelangelo được tự do phác thảo bất cứ thứ gì ông hình dung, và “Giấc mơ về kiếp người” là thành phẩm của sự tự do này. Nhưng ý nghĩa mở ra trong câu chuyện “Giấc mơ về kiếp người” bật mí cho chúng ta biết điều gì của nhân loại hôm nay?
Michelangelo đã tạo ra một bối cảnh thú vị và giàu trí tưởng tượng. Một người đàn ông khỏa thân nằm trên một chiếc hộp chứa những chiếc mặt nạ mang nhiều sắc thái biểu cảm khuôn mặt khác nhau. Anh dựa vào một quả cầu, quay đầu khỏi cơ thể và hướng ánh nhìn lên một thiên thần có cánh đang bay trên không, đang thổi chiếc kèn trumpet về phía đầu của người đàn ông.
Một vầng hào quang thấp thoáng các hình ảnh tương tác với nhau nằm xung quanh khung cảnh trung tâm của bức tranh, nhưng được khắc hoạ bằng những nét vẽ nhẹ nhàng, uyển chuyển để không làm ảnh hưởng đến điểm chính của cặp nhân vật trung tâm. Một số nhân vật phụ này đang ôm và hôn nhau, trong khi những nhân vật khác đang chiến đấu và trốn chạy. Có những khuôn mặt hiện lên ở khắp mọi nơi, và hình ảnh của một đôi tay dường như đang cầm một bao tiền.
Theo trang trực tuyến của Viện Nghệ thuật Courtauld, hoạ phẩm đặc sắc này “cho thấy một chàng trai đang được đánh thức bởi thiên thần có cánh giúp anh thoát khỏi những suy bại đang bủa vây lấy mình.”
Nhà triết học và thần học Thomas Aquinas đã lan tỏa sức ảnh hưởng của mình đến quá trình nhận thức của công chúng ở thời kỳ Phục hưng Ý về sự suy bại của hồng y. Kiêu ngạo, tham luyến, sắc dục, đố kỵ, háu ăn, thịnh nộ và lười biếng là bảy tệ nạn hay còn gọi là bảy tội lỗi. Một số lỗi này có thể được nhìn thấy trong hình ảnh thấp thoáng xoay xung quanh nhân vật chính.
Nhưng danh hoạ Michelangelo đã phản hồi như thế nào trước những tội lỗi này? Điều ông đang khắc họa là sự từ chối những suy đồi một cách thẳng thắn, hay là còn điều gì khác mà ông muốn nhắc đến?
Thiên thần có cánh xuất hiện từ trên trời như bay xuống với chiếc kèn hướng thẳng vào vùng trán phía trên lông mày. Tại sao thiên thần có cánh thường thổi kèn xuất hiện hầu hết ở các tác phẩm? Vị ấy nhắm vào tâm trí, tâm hồn hay thể xác? Vị trí đặc biệt này nói lên ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu về nhân vật Marsilio Ficino. Trong thời kỳ Phục hưng của Ý, Marsilio Ficino là chủ tịch của Học viện Plato tại dinh thự Medici và là một triết gia thần học. Khi còn là một thiếu niên trẻ tuổi, Michelangelo đã theo học tại trường này và phần nào bị ảnh hưởng bởi hệ thống thần học của Ficino.
Ngài Ficino đề xuất rằng tâm hồn đóng vai trò như một cầu nối giữa trời và đất, gói gọn các yếu tố từ cả thiên đường bên trên và mặt đất thế gian bên dưới. Ví dụ, linh hồn du hành xuyên thời gian và không gian nhưng dựa trên những ý tưởng và lý tưởng vĩnh cửu và phi vật chất.
Tuy nhiên, tinh thần có thể bị lấn át bởi thể xác mà nó chuyên chở. Khi linh hồn bị hoang mang và bối rối, nó sẽ quên đi sự kết nối thiêng liêng của mình với thiên thượng.
Hãy quay trở lại bản vẽ tay. Có phải thiên thần có đôi cánh đang hướng chiếc kèn của mình về giữa trung gian giữa thiên thượng và thế gian – linh hồn?
Còn hình hộp chứa nhiều mặt nạ bên trong thì sao? Những chiếc mặt nạ này thể hiện ra nhiều cảm xúc khác nhau và chuẩn đã được bị sẵn sàng, tuy nhiên chúng không được dùng đến. Chúng ta có phải gỡ bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đang đeo trong cuộc sống hàng ngày để đến gần hơn với tâm hồn chân thật của chính chúng ta? Hoặc, nếu chúng ta muốn nghe những bản phúc âm đến từ thiên thượng, chẳng phải chúng không nên bị can nhiễu bởi những cảm xúc và ngu kiến cá nhân có thể làm cho khuôn mặt của chúng ta trở nên nhăn nheo, cau có?
Thế còn hình quả địa cầu trắng nghiêng nghiêng thì sao? Đó có phải là đại diện cho hành tinh mà chúng ta đang sống không? Đó có phải là một hành tinh trống không đang chờ chúng ta lấp đầy bằng những bức tranh và khúc thiên ca do tâm hồn tạo ra? Hay nó tượng trưng cho những cám dỗ vô nghĩa, trống rỗng và những thú vui trần tục khiến chúng ta phải tránh đi để nhớ về một phần nguồn cội thiêng liêng trong tâm hồn mình?
Quầng sáng của những nhân vật dấn thân vào những suy bại dường như không được thể hiện rõ ràng. Hình bóng của các nhân vật trông hiện lên một cách thoáng qua, như thể chúng sẽ biến mất vào phông nền âm u, vẩn đục bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chúng vẫn hiện diện ở nơi đó và được gợi lên như những tư tưởng dai dẳng không chịu tan biến.
Liệu linh hồn có cần thiết phải từ bỏ những thứ suy bại trần tục này để đòi lại vị trí trung gian giữa trời và đất, hay sự tiêu tan của chúng phụ thuộc vào sự can thiệp của thiên thượng? Nói một cách khác, tiếng kèn của thiên đường có khả năng xua đuổi những kẻ xấu ác, hay linh hồn phải lựa chọn tách mình ra khỏi sự thờ ơ, phó mặc để được đánh thức bởi tiếng kèn đến từ thiên thượng?
Đây là những câu hỏi lớn được gói gọn trong bức vẽ tuy nhỏ này. Hầu hết trong số những nghi vấn trên không có câu trả lời nào là tuyệt đối, bất kể chúng có được hỏi liên quan đến hình vẽ hay không.
Tôi tin rằng Ruvoldt đã nghĩ đến vấn đề đó khi cô đề cập bài viết “Giấc mơ về kiếp người” là một tác phẩm “để chiêm nghiệm, một tác phẩm mà trong đó sự say mê bắt nguồn từ cánh cổng mở ra ý nghĩa bên trong vô tận, khiến người xem mê mẩn khi ngắm đi ngắm lại nhiều lần.”
Nghệ thuật có một sức mạnh đáng kinh ngạc là chỉ ra những gì không thể nhìn thấy, khiến chúng ta tự hỏi, “Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tôi và đối với tất cả những ai từng chứng kiến? Nó đã ảnh hưởng như thế nào đến quá khứ, và còn có thể tác động đến tương lai như thế nào? Điều đó ngụ ý gì về thân phận của nhân loại hôm nay?” Đây là một số câu hỏi mà chúng ta sẽ có cơ hội khám phá trong loạt bài Chạm đến nội tâm: Nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).