Nghệ thuật gia kỳ tài: Leonardo da Vinci (Phần 1)
Leonardo da Vinci [1] có thể nói là nghệ thuật gia nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật hội họa của nhân loại, tên tuổi của ông hầu như được tất cả mọi người đều biết đến. Ngoài “Mona Lisa”, “Bữa ăn tối cuối cùng” và các tác phẩm kinh điển khác, ông còn nổi tiếng bởi sự tài hoa uyên bác của mình.
Leonardo da Vinci không chỉ là một họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư, mà đối với âm nhạc, toán học, máy móc, công trình cũng như các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác, ông đều có sự nghiên cứu chuyên sâu. Kiến thức của ông về phương diện giải phẫu, thị giác và thủy lực học cũng vượt xa thời đại, còn có rất nhiều các loại thiết bị cơ giới cũng được ông phát minh dựa vào năng lực sáng tạo và kiến thức vật lý của mình.
Tuy nhiên, mục đích chân chính mà lịch sử trao tặng cho Da Vinci khi trở thành một kỳ tài nghệ thuật, có lẽ chính là để ông sử dụng trí tuệ sâu sắc này, kết hợp với khả năng quan sát bản chất con người và trực giác nhạy bén đối với cái đẹp, từ đó phát huy hết khả năng sáng tạo nghệ thuật của mình, cuối cùng hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt nghệ thuật của nhân loại đạt đến độ thành thục.
Một số học giả cho rằng nghệ thuật của thời kỳ Phục hưng chính thức bước vào thời kỳ hoàng kim từ sau tác phẩm “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci. Vì vậy, mặc dù Da Vinci gần như thuộc về thế kỷ XV, nhưng vì ông là người đầu tiên đưa nghệ thuật (hội họa) của nhân loại đạt đến giai đoạn thành thục, vậy nên các thế hệ sau này đã xếp ông vào danh sách “ba bậc thầy vĩ đại” của thời kỳ Phục hưng, cùng với Michelangelo và Raphael.
Tóm tắt tiểu sử và tác phẩm
Thời thơ ấu
Leonardo da Vinci sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại thị trấn Vinci thuộc Florence. Cha của ông, ngài Ser Piero da Vinci là một công chứng viên, gia tộc ông bốn đời đều theo nghề này. Mẹ của ông là bà Caterina, vốn xuất thân từ một gia đình nông dân thuộc tầng lớp thấp. Cha và mẹ của ông không hề kết hôn. Khi Da Vinci được 5 tuổi, ông được cha đưa về gia tộc để nuôi dưỡng.
Thật khó để biết được tuổi thơ sớm phải rời xa mẹ cùng với thân phận con riêng của Da Vinci có ảnh hưởng như thế nào đến tính cách về sau của ông. Nhưng nhờ Leonardo thuở bé đặc biệt thông minh, cho nên được gia đình bên nội hết mực yêu thương. Chỉ là từ khi mẹ kế lần lượt sinh ra em trai và em gái thì đứa con ngoài giá thú như Leonardo đương nhiên bắt đầu bị lạnh nhạt và xa cách. May mắn thay, người chú của Leonardo vẫn đối với ông trước sau như một, thường xuyên đưa ông đi dạo chơi ở các vùng thiên nhiên hoang dã.
Theo ghi chép, Leonardo từ nhỏ đã bộc lộ tài năng phi thường, khả năng toán học giỏi, phong thái lịch lãm, lời lẽ nho nhã và thích kết giao bạn bè. Ông còn có tài năng thiên phú về âm nhạc, có thể chơi đàn hạc và hát ngẫu hứng. Tất nhiên, khả năng vượt trội nhất của ông vẫn là ở phương diện hội họa.
Thị trấn Vinci tọa lạc ngay giữa những ngọn đồi, chính điều này đã cung cấp cho Leonardo một cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên ngay từ khi còn là một cậu bé. Khi còn bé, Leonardo chắc chắn đã dành rất nhiều thời gian để dạo chơi cùng thiên nhiên, quan sát các loài động thực vật, chim chóc, dòng suối, đá và các dãy núi… Những sở thích này phần lớn được phản ánh trong sổ ghi chép và bản thảo về sau của Leonardo, đồng thời trở thành nguồn tư liệu trong các sáng tác sau này của ông.
Vasari, tác giả cuốn “Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất” (Tiếng Ý : Le vite de ‘più eccellenti pittori, scultori, e architettori ) từng ghi lại một câu chuyện vào thời niên thiếu của Da Vinci. Chuyện kể rằng, một người nông dân đã mang một chiếc khiên tròn đến và nhờ cha của Leonardo là ông Piero da Vinci gửi nó đến Florence để vẽ trang trí, và ông Piero đã đưa chiếc khiên cho con trai mình giải quyết. Để chiếc khiên đạt được hiệu quả răn đe kẻ thù, chàng thiếu niên Leonardo đã mang chiếc khiên vào căn phòng bí mật của mình, nơi cậu đã thu thập rất nhiều loại động vật côn trùng ở trong đó, sau đó liên tưởng hình tượng của nữ quỷ Gorgon trong thần thoại Hy Lạp, cậu đã kết hợp và biến hóa hình dạng của các loài côn trùng và động vật, thêm các hiệu ứng phun lửa và khói độc v.v… Cậu đã dành rất nhiều thời gian cho chiếc khiên này, đến lúc người nông dân và cha mình không còn thúc giục nữa thì cậu mới mời cha mình đến lấy chiếc khiên về.
Ông Piero đã giật mình khi nhìn thấy chiếc khiên, nghĩ rằng mình đang nhìn thấy một loại quái vật nào đó. Kết quả là ông đã bán kiệt tác của con trai mình với giá 100 đồng vàng cho một thương gia ở Florence, và trả lại cho người nông dân một chiếc khiên thông thường. Người ta nói rằng chiếc khiên này sau đó đã thuộc về Công tước của Milan với giá 300 đồng vàng.
Da Vinci theo cha chuyển đến Florence vào năm 1466. Sau khi phát hiện ra tài năng hội họa của con trai mình, ông Piero đã mang một số bức vẽ của cậu bé đến cho người bạn của mình là nghệ thuật gia Verrocchio (tên khai sinh là Andrea di Cione, 1435-1488) để đánh giá. Kết quả là ông Verrocchio đã đánh giá rất cao những bức vẽ này. Không lâu sau đó, chàng trai Leonardo vui vẻ trở thành học trò của Verrocchio. [2]
Thời gian học tập(1466─1472)
Vào thời điểm đó, Verrocchio là nghệ thuật gia nổi tiếng toàn năng nhất ở Florence. Đối với điêu khắc, gia công kim loại, khắc gỗ, hội họa, đúc đồng, thiết kế trang sức v.v ông đều rất tinh thông. Các công trình kiến trúc lớn cũng không làm khó được ông, đồng thời ông còn có hứng thú đối với thiên văn, địa lí, lịch sử và cả âm nhạc. Xưởng của ông không chỉ lớn nhất ở Florence vào nửa sau thế kỷ XV mà còn là nơi tập trung các nhân tài. Rất nhiều học giả và nghệ thuật gia thường xuyên tụ họp tại đây để thảo luận về các vấn đề học thuật. Nhiều bậc thầy nổi tiếng như Andrea Botticelli, Pietro Perugino (người có thể đã từng dạy Raphael), Domenico Ghirlandaio (người thầy khai sáng của Michelangelo) và Lorenzo di Credi v.v. đều đã từng làm việc ở đây.
Xưởng (workshop) là con đường bắt buộc để một nghệ thuật gia phát triển kỹ năng của mình trong thời kỳ Phục hưng. Thời đó không có sách giáo khoa, ngoài kiến thức truyền miệng, người học nghề phải vừa học vừa làm. Các nghệ thuật gia của thế kỷ XV đều được coi là những người thợ thủ công, nhiều nhất cũng chỉ là nhân sĩ chuyên nghiệp, chỉ những ai đạt được danh vọng như Verrocchio thì mới có được địa vị xã hội. Nhiệm vụ của xưởng rất đa dạng: chẳng hạn như trang trí khiên, trang trí hộp trang sức của hồi môn, trang trí cho mâm lễ rửa tội, hóa trang người chết, trang trí lễ tạ, vẽ tranh chân dung, các bức phù điêu, đôi khi là những bức điêu khắc tưởng niệm, và nhiều nhất là những bức tranh tôn giáo trong nhà nguyện.
Các xưởng cũng được quy định chặt chẽ bởi các tổ chức như công đoàn, và có những quyền và nghĩa vụ nhất định giữa giáo viên và người học nghề. Người học nghề đến xưởng thường ở độ tuổi tầm 14 tuổi. Trong năm đầu tiên, bên cạnh việc phụ các công việc lặt vặt thì người học nghề trước tiên phải học các kỹ năng cơ bản về phác thảo, sau đó dành một vài năm để học các kỹ năng liên quan khác cần thiết cho hội họa, chẳng hạn như mài màu [3], chế tạo cọ vẽ [4], chuẩn bị bảng vẽ và chuẩn bị nền [5] , gia công lá vàng, v.v. Sau khi thành thạo các kỹ năng này, người học nghề có thể bắt đầu học vẽ. Các nghệ thuật gia cũng có trách nhiệm tạo cơ hội cho người học nghề được tham gia vào công việc và học tập từ thao tác thực tế. Đối với những người học nghề đã đạt đến trình độ hội họa nhất định, trước tiên người thầy sẽ cho họ tham gia vào những phần tương đối ít quan trọng hơn của tác phẩm hội họa, trong khi những người học nghề có kỹ năng tốt có thể tham gia vào những phần quan trọng hơn.
Leonardo da Vinci đã thu được rất nhiều lợi ích từ xưởng của ngài Verrocchio. Bản thân Verrocchio là một người đa tài, kiến thức uyên bác, ông chú trọng vào việc dùng các lý luận khoa học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong hội họa và điêu khắc, đặc biệt xem trọng giải phẫu học và phép thấu thị. Ông là một họa sĩ phái tả thực với óc quan sát nhạy bén. Ông hướng dẫn học trò rất tận tình nhưng yêu cầu đối với họ cũng rất khiêm khắc. Tại xưởng, Da Vinci đã có được nền tảng vững chắc cho các kỹ năng cơ bản, ông học được rất nhiều kỹ năng hội họa và điêu khắc, đồng thời tài năng của ông cũng được phát huy và phát triển đến mức tối đa.
Vào thời đó, Gia tộc Medici đã chiêu mộ rất nhiều học giả từ Hy Lạp đến định cư ở Florence sau khi Đế chế Đông La Mã sụp đổ, đồng thời thành lập Học viện Plato như một trung tâm thu thập và truyền bá các tư tưởng chủ nghĩa nhân văn, văn nghệ và học thuật. Những tầng lớp trí thức này cũng có liên hệ với ông Verrocchio. Nhờ đó, Da Vinci được tiếp xúc với nhiều học giả, nghệ thuật gia và khoa học gia, đồng thời tiếp thụ được những kiến thức và tư tưởng nhân văn tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Bản thân Leonardo không mấy hứng thú đối với chủ nghĩa Platon siêu hình, mà ông chỉ quan tâm đến khoa học lý luận. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhà triết học, toán học, thiên văn học Paolo dal Pozzo Toscanelli (1397-1482), từ đó học hỏi được nhiều kiến thức khoa học và văn hóa. Những điều này đã trở thành cơ sở cho các nghiên cứu khoa học và là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của Da Vinci sau này.
Năm 1472, Da Vinci bấy giờ 20 tuổi và đã gia nhập Hội Thánh Luke với tư cách là một nghệ thuật gia chính thức, điều này có nghĩa là tài năng mỹ thuật của ông đã được khẳng định. Tuy nhiên, có lẽ vì tình cảm với thầy và xưởng nên ông đã không vội khởi nghiệp mà tiếp tục làm trợ lý cho xưởng của Verrocchio trong vài năm.
Trong thời gian này, Da Vinci đã giúp thầy của mình là Verrocchio hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Phép rửa tội của Chúa” (The Baptism of Christ), đây là một bức tranh được nhà thờ San Salvi ở Florence nhờ Verrocchio chế tác vào năm 1472. Verrocchio vẽ phần chính ở giữa bức tranh – John the Baptist và Chúa Jesus đang tiến hành lễ rửa tội; trong khi Thiên sứ ở bên trái và khung cảnh phía sau được giao cho người học trò yêu quý Leonardo vẽ. Tương truyền, về sau khi Verrocchio nhìn thấy hình ảnh Thiên sứ xinh đẹp này, ông đã hết sức kinh ngạc và cảm thán, sau đó thề rằng tương lai sẽ không bao giờ vẽ nữa.
Leonardo da Vinci đã sử dụng sơn dầu, một loại kỹ thuật vẽ tranh vẫn còn mới vào thời điểm đó, trong khi Verrocchio sử dụng màu keo. Điều này cũng cho thấy Da Vinci có dũng khí để thử những điều mới mẻ.
(Còn tiếp)
Chú thích:
[1]: Leonardo da Vinci có nghĩa là “Leonardo đến từ Thị trấn Vinci”, hầu hết người phương Tây trực tiếp gọi ông là Leonardo;
[2]: Năm Da Vinci vào xưởng vẽ của Verrocchio có nhiều cách nói khác nhau. Một số người suy đoán rằng đó là vào năm 1466, cũng có người cho rằng Leonardo da Vinci rời Vinci đến Florence vào năm 1468, vì vậy sự nghiệp học tập của ông đáng lẽ phải bắt đầu vào năm 1468-1469.
[3]: Một trong những nhiệm vụ quan trọng bắt buộc hàng ngày của người học nghề là cung cấp đủ màu vẽ. Thời đó không có lọ đựng màu được sản xuất công nghiệp như chúng ta hiện nay, và các họa sĩ phải căn cứ theo lượng màu cần sử dụng mỗi ngày để tự mình chế tạo. Phương thức chế tạo màu, đó là trước tiên dùng cối và chày giã và nghiền mịn bột màu, sau đó trộn chúng với chất kết dính dạng keo hoặc dầu. Ví dụ, chẳng hạn như màu keo thì sử dụng lòng đỏ trứng, sơn dầu thì sử dụng dầu lanh hoặc dầu óc chó. Nguồn chất tạo màu là khoáng chất, thực vật và sinh vật hữu cơ. Ví dụ, ngọc lưu ly đắt tiền có thể được nghiền thành màu xanh da trời, và azurit có thể được nghiền thành màu xanh lam với giá thành rẻ hơn; quả cây hắc mai có thể chế tạo thành chữ khắc màu vàng tươi, rệp son có thể chế thành màu đỏ tươi.
[4]: Cọ mềm được làm bằng cách buộc phần lông đuôi của chồn sương thành chùm, rồi cố định vào ống bút lông, sau đó bọc cán gỗ bên ngoài. Loại bút làm bằng lông chồn zibelin của Nga có chất lượng tốt nhất. Loại bút cứng hơn được làm từ lông heo. Bắt buộc phải dùng bút lông quét lên bảng hoặc tường trước khi vẽ để làm cho nó mềm hơn.
[5]: Cây bạch dương, gỗ sồi và cây ngân sam đều thích hợp để sử dụng làm chất liệu cho tranh khắc gỗ. Đầu tiên, người học nghề phải nấu gỗ để gỗ không bị nứt, sau đó phủ lên bảng gỗ một hợp chất keo trong suốt làm từ da, cuối cùng là phủ bột thạch cao để làm phẳng tấm bảng trước khi sử dụng để vẽ. Lớp dưới cùng của bức tranh thường sử dụng dầu hắc để làm nổi rõ độ sáng tối của bức tranh. Da Vinci thích sử dụng dầu hắc làm lớp nền.
Xem thêm Phần 2.
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: