Nghệ sĩ hài bị bắt ở Bắc Kinh khi việc tố cáo trở thành chuẩn mực ở Trung Quốc, làm xói mòn lòng tin giữa người với người
Gần đây, xu hướng mật báo về người khác đang gia tăng trong xã hội Trung Quốc, với nhiều vụ việc nổi tiếng liên tiếp xảy ra. Các nhà phân tích các vấn đề thời sự cho rằng văn hóa tố cáo người khác với chính quyền là một sản phẩm điển hình của hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tạo ra tình trạng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người với người.
Hôm 13/05, trong hai buổi biểu diễn ở Bắc Kinh, diễn viên hài nổi tiếng Trung Quốc Lý Hạo Thạch (Li Haoshi) đã sử dụng một khẩu hiệu của quân đội Trung Quốc để khen một cặp chó hoang mà anh nhận nuôi. Khẩu hiệu mà anh sử dụng, “Tác phong ưu tú, bách chiến bách thắng”, vốn ban đầu là lời của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đặt mục tiêu cho Quân Giải phóng Nhân dân.
Một khán giả đã tố cáo anh, nói rằng anh đã xúc phạm binh lính Trung Quốc. Công an Bắc Kinh sau đó đã bắt giữ anh Lý, nói rằng họ đã mở một cuộc điều tra chính thức về buổi biểu diễn của anh. Nghệ sĩ Lý và công ty hài kịch mà anh đang làm việc cùng đã bị đình chỉ các buổi biểu diễn trong tương lai và bị phạt nặng.
Hôm 19/05, Viện Côn Luân (Kunlun Institute), một viện nghiên cứu tự xưng là độc lập của Trung Quốc, đã đăng lại một bài báo cũ từ năm 2021 trên trang web chính thức của mình, chỉ trích họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc Trung Quốc Nhạc Mẫn Quân (Yue Minjun) vì đã tham gia vào một “chiến dịch có tổ chức và được dàn dựng nhằm xúc phạm quân đội và chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc” với một bảo tàng nghệ thuật ở quận Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông.
Trong bài báo trên, nhà bình luận khách mời của Viện Côn Luân, ông Dương Chiêu Hữu (Yang Zhaoyou), đã đăng một số bức tranh vẽ những người lính cộng sản Trung Quốc và những người khác. Mỗi nhân vật đều có khuôn mặt tươi cười cường điệu một cách lố bịch, và một số người trong số họ thậm chí còn có sừng trên đầu. Nguyên mẫu của những nhân vật này dựa trên những người lính bình thường, sĩ quan công an, người lính cộng sản kiểu mẫu Lôi Phong và các nhà lãnh đạo cộng sản như Mao Trạch Đông, Stalin, và Karl Marx.
Bài báo cho biết “không được phép xúc phạm” những nhân vật này và tác giả “mạnh mẽ yêu cầu các cơ quan hữu quan điều tra hành vi xúc phạm có tổ chức này” đối với quân đội và ĐCSTQ.
Sau khi bài báo trên được đăng, một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng đã tấn công nghệ sĩ Nhạc Mẫn Quân nhưng những người khác cảm thấy rằng việc chỉ trích ông Nhạc là phản ứng thái quá.
Trong một vụ việc khác hôm 22/05, một cư dân mạng Trung Quốc đã tố cáo trong một bài đăng trực tuyến rằng trong lúc giảng bài trong lớp học, một giáo viên tại Đại học Lan Châu đã công khai làm mất uy tín tuyên truyền của ĐCSTQ về Chiến tranh Triều Tiên, mà nhà cầm quyền Trung Quốc này gọi là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và viện trợ cho Triều Tiên (Kháng Mỹ viện Triều).”
Theo hai hình ảnh trong các slide giảng dạy, người giáo viên này đã trình bày quan điểm trái ngược với những gì ĐCSTQ miêu tả là “viện trợ cho Triều Tiên và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.”
Hệ thống toàn trị kiểm soát tâm trí của người dân thông qua những người mật báo
Cựu giáo sư Đại học Sư phạm Thủ đô Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) nói với The Epoch Times rằng các nhà cầm quyền độc tài sợ dư luận và thường trở nên ngày càng hoang tưởng về việc kiểm soát người dân. Dưới chế độ cộng sản ở Trung Quốc, người dân không được phép tự do suy nghĩ và bày tỏ quan điểm của bản thân, và những người cai trị kiểm soát suy nghĩ của người dân thông qua việc mật báo và giám sát lẫn nhau.
Ông Lý nói: “Khi lời nói là tội ác, thì điều đó thực sự đồng nghĩa với việc củng cố chủ nghĩa độc tài, và củng cố chủ nghĩa độc tài có nghĩa là những kẻ độc tài thiếu tự tin nhằm cai trị và phải dùng đến nhiều biện pháp kiểm soát hơn để củng cố quyền lực của họ.”
Ông Lý tin rằng việc xu hướng này phát triển liên tục sẽ có tác động ăn mòn tâm trí mọi người và sẽ khiến cho xã hội thiếu sự tin tưởng thực sự giữa người với người. Ngay cả khi họ có ý tưởng, mọi người cũng ngại bày ý tưởng của mình vì sợ rằng những suy nghĩ đó sẽ bị người khác tố cáo hoặc chỉ trích.
Sản phẩm của văn hóa cộng sản
Nhà bình luận chính trị sống tại New Zealand Diệp Trí Thu (Ye Zhiqiu) nói với The Epoch Times rằng việc tố cáo người khác là một sản phẩm điển hình của nền văn hóa dưới sự thống trị của cộng sản, với hai đặc điểm nổi bật.
“Một là hành động đó không phân biệt đúng sai mà chỉ nhấn mạnh lập trường chính trị,” ông cho biết. “Nói cách khác, những người bị tố cáo và chỉ trích bị tố cáo không phải vì họ vi phạm pháp luật hay vi phạm đạo đức xã hội, mà đơn giản là vì lời nói và việc làm của họ không phù hợp với quan điểm và lập trường mà ĐCSTQ tuyên truyền. Hiện tượng này cũng là sản phẩm của hàng thập niên giáo dục tẩy não của ĐCSTQ, mà cuối cùng đã dẫn đến việc không khoan dung đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến.”
“Một đặc điểm quan trọng khác của hiện tượng này — vấn đề nghiêm trọng nhất — là nó thường xảy ra giữa những người quen biết. Những người mật báo thường tố cáo về những người mà họ biết rõ, điều này dẫn đến việc mất lòng tin,” ông Diệp nói, đồng thời cho biết thêm rằng nền giáo dục tẩy não lâu dài của ĐCSTQ khiến người ta mất đi nhân tính, chỉ còn lại cái gọi là tinh thần đảng cộng sản.
Ông tin rằng cần phải có sự tin tưởng cơ bản giữa mọi người để xã hội vận hành bình thường.
Bản tin có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times