Ngân sách 842 tỷ USD của Ngũ Giác Đài tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc
Đề nghị ngân sách quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD cho Tài khóa 2024 (FY24) của Tổng thống Joe Biden bao gồm 842 tỷ USD cho Ngũ Giác Đài, một mức tăng 26 tỷ USD, tương đương 3.2% so với kế hoạch chi tiêu quân sự năm nay nhằm ứng phó với “mối đe dọa đa lĩnh vực ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa, PRC) gây ra” một lần nữa nhấn mạnh “thách thức về nhịp độ” (pacing challenge) cấp bách nhất của quốc gia.
Cả Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đều sử dụng cùng một cụm từ khi mô tả đề xướng ngân sách quân sự này là tập trung vào Trung Quốc. Họ đều gọi kế hoạch này là “bản ngân sách quân sự phù hợp với chiến lược nhất” trong lịch sử quốc gia.
“Sự phù hợp đó thể hiện không đâu rõ ràng hơn ở mức độ nghiêm trọng mà theo đó kế hoạch ngân sách này giải quyết được cuộc cạnh tranh chiến lược với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bà Hicks nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/03. “Thước đo thành công lớn nhất của chúng ta — và thước đo chúng ta sử dụng thường xuyên nhất ở đây — là bảo đảm rằng giới lãnh đạo [Trung Quốc] ngày càng nhận thức, xem xét các rủi ro trong hành động gây hấn và kết luận rằng, ‘Hôm nay không phải là ngày thích hợp.’”
“Như chiến lược quốc phòng của chúng ta đã cho thấy rõ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là thách thức về nhịp độ của chúng ta,” ông Austin cho biết trong một tuyên bố hôm 13/03. “Khi CHND Trung Hoa chạy đua hiện đại hóa quân đội của họ, thì ngân sách này sẽ nâng cao lợi thế của chúng ta bằng cách thực hiện các khoản đầu tư quan trọng trên toàn bộ phạm vi thời gian, chiến địa, và lĩnh vực. Trong số rất nhiều hành động quan trọng nhằm củng cố uy tín chiến đấu của chúng ta trong thời gian ngắn, ngân sách này là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của bộ vào việc chuẩn bị và mua sắm – và cũng là khoản đầu tư lớn nhất của chúng ta vào nghiên cứu và phát triển.”
Quá trình hiện đại hóa quân sự sâu rộng của Trung Quốc trong thập niên qua và thế trận ngày càng hung hăng ở Biển Đông, nơi nước này đang xây dựng các căn cứ trên các đảo nhân tạo nằm trên các tuyến đường thương mại trên biển và trên không, cũng như các hành động đe dọa Đài Loan, đều được phản ánh trong bản kế hoạch chi tiêu của Ngũ Giác Đài trong những năm tới.
Kế hoạch cho một trận chiến khốc liệt ở Biển Đông
Đề nghị ngân sách quân sự FY2024 này bao gồm 170 triệu USD cho các loại vũ khí và tàu mới, “bản ngân sách mua sắm lớn nhất trong lịch sử quốc gia” và 61 tỷ USD để “phát triển, hiện đại hóa và mua sắm sức mạnh không quân sát thương” nhằm thách thức trực tiếp các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các tiến bộ phòng không và hải quân trong mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ngũ Giác Đài.
Kế hoạch chi tiêu được đề xướng này bao gồm 48.1 tỷ USD cho ba tàu ngầm mới và bốn khu trục hạm/khu trục hạm nhỏ được thiết kế để ngăn chặn Hải quân Trung Quốc, vốn đang có quy mô lớn nhất thế giới, tính về số lượng.
Ngũ Giác Đài đang yêu cầu 13.9 tỷ USD để mua 80 chiếc xe tác chiến thủy bộ (ACV) cho Thủy quân lục chiến, và 91 xe thiết giáp đa mục đích (AMPV) cho Lục quân và — như một cách đối trọng trực tiếp với các khoản đầu tư của Trung Quốc — 29.8 tỷ USD cho các chương trình “tấn công và phòng thủ” hỏa tiễn và 11 tỷ USD để phát triển hệ thống hỏa tiễn siêu thanh và hỏa tiễn cận âm tầm xa.
Bản đề nghị ngân sách tài khóa 2024 này cũng bao gồm 9.1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), tăng 40% so với ngân sách năm nay để phát triển “căn cứ không quân phân tán nhưng có sức chống chịu tốt, hệ thống theo dõi và cảnh báo hỏa tiễn mới, công trình kiên cố để cải thiện thế trận … cũng như chia sẻ thông tin đa quốc gia, đào tạo, và thử nghiệm.”
Ông Austin cho biết việc tăng chi tiêu và hội nhập PDI là mấu chốt trong việc phát triển “các loại vũ khí tân tiến, khái niệm tác chiến mới, và thế trận lực lượng kiên cố hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kế hoạch này cũng tạo thuận tiện cho các sáng kiến về thế trận lực lượng đột phá ở Guam, Quần đảo Mariana, Philippines, Nhật Bản, và Úc.”
Hoa Kỳ là mối đe dọa hàng đầu của Trung Quốc
Trong khi ở Hoa Kỳ, các nhà hoạch định của Ngũ Giác Đài xác định Trung Quốc là “thách thức nhịp độ” hàng đầu, thì tương tự ở Bắc Kinh, các nhà hoạch định của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cũng xác định Hoa Kỳ là mối đe dọa hàng đầu của họ.
Ngân sách quân sự thường niên sắp tới của Trung Quốc, được công bố trong cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) kết thúc hôm 13/03 tại Bắc Kinh, tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7.2% lên 1.55 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương 224 tỷ USD.
Mức tăng này đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự ít nhất 7% và đánh dấu lần đầu tiên trong một thập niên ngân sách quốc phòng của nước này tăng ba năm liên tiếp.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc kêu gọi các lực lượng vũ trang của nước này “tăng cường huấn luyện quân sự và chuẩn bị sẵn sàng trên mọi phương diện, phát triển hướng dẫn chiến lược quân sự mới, dành nhiều năng lượng hơn cho hoạt động huấn luyện trong các điều kiện chiến đấu và nỗ lực phối hợp tốt để tăng cường công tác quân sự trên mọi phương diện và lĩnh vực.”
Ngoài việc khai triển các chiến hạm — đặc biệt là tàu ngầm — để tạo thành lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới, nước này đang xây dựng một mạng lưới phức tạp gồm các chiến đấu cơ tàng hình, hỏa tiễn tầm xa, và hệ thống phòng thủ “chống tiếp cận đường không” được thiết kế để “đẩy [các chiến binh của địch thủ tiềm năng] ra xa khỏi cuộc chiến,” Trưởng Nhóm Sứ mệnh Trung Quốc của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Doug Wade trong một cuộc hội thảo “Cà phê & Đối thoại” của Liên minh An ninh Quốc gia hôm 14/03 cho biết.
Ông Wade nói, sức mạnh hỏa lực không quân, hải quân, và hỏa tiễn mà Trung Quốc có thể đổ vào Biển Đông và khắp Đông Nam Á “khiến tôi rất lo lắng.”
Người Trung Quốc nói rằng họ cần tăng chi tiêu quân sự vì Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Úc và Philippines, đang làm như vậy.
Trong cuộc họp báo hôm 11/03 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Vương Siêu (Wang Chao) cho biết ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là “tương đối vừa phải” với một “tốc độ tăng trưởng hợp lý” vẫn ổn định theo tỷ lệ phần trăm trong Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của quốc gia kể từ năm 2015.
“Về căn bản, tỷ lệ này vẫn ổn định, thấp hơn mức trung bình của thế giới,” ông Vương nói.
Không có cuộc xâm lược Đài Loan được ấn định
Mặc dù ngân sách quân sự trị giá 224 tỷ USD của Trung Quốc chưa chiếm đến một phần tư trong số 886.3 tỷ USD chi tiêu quốc phòng của Ngũ Giác Đài, nhưng ông Wade cho biết việc cản trở tham vọng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải hội nhập kinh tế cũng như đầu tư quân sự bổ sung của các quốc gia đồng minh tham gia “vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.”
Ông Wade cho biết Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào quân sự và các ứng dụng “gây ảnh hưởng” trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, hỏa tiễn siêu thanh, và trong các hoạt động chống chiến tranh trong không gian, đồng thời ngăn chặn địch thủ của họ tiếp cận không gian, cũng là điều mà DIA đang bận tâm.
“Không gian là một vấn đề thực sự,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đang tái cấu trúc “chương trình không gian mạnh mẽ, chỉ đứng sau Hoa Kỳ,” trên “mọi loại hình hoạt động,” bao gồm cả “các hoạt động phản công trong không gian.”
Ông Wade nói: “Trung Quốc xem không gian là một điểm yếu rất có thể bị tấn công của Hoa Kỳ, và họ đã bắt đầu “thống trị trong lĩnh vực đó” trong khi cố gắng thống trị “trong tất cả các lĩnh vực chiến tranh khác.”
Ông cho biết “toàn bộ” quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang trở nên “thực sự đáng kinh ngạc” khi quan sát trong thập niên qua, trong đó nỗ lực này bao trùm “nhiều yếu tố khác nhau.”
Các nhà phân tích quốc phòng đang theo dõi cẩn thận cách giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc “sử dụng khí tài của họ, cách họ kết hợp với nhau” để đồng bộ hóa và nhân rộng sức ảnh hưởng, ông Wade nói.
Ông nói: “Chính toàn bộ cách họ kết hợp lại với nhau mới là phương diện ấn tượng nhất” về sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
DIA không cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan trong tương lai gần.
“Khi chúng ta nhìn vào cách Trung Quốc có thể áp dụng áp lực quân sự lên Đài Loan, [họ] có thể sẽ bắt đầu dưới ngưỡng xung đột với nhiều hoạt động khác nhau, từ phong tỏa mạng, chặn [hải quân], tăng cường vi phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và các hoạt động xâm phạm lãnh thổ của lực lượng hải quân,” ông Wade nói, đồng thời cho biết thêm các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang “có vị thế thuận lợi” để theo dõi, tiên liệu, và ứng phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Ông nói: “Chủ tịch Tập đã nói rõ rằng Trung Quốc không muốn sử dụng vũ lực nhưng cũng không loại trừ khả năng đó” để hợp nhất Đài Loan vào CHND Trung Hoa. “Trung Quốc không muốn khởi chiến về vấn đề Đài Loan.”
Tuy nhiên, DIA tiên liệu rằng quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ trải qua “một giai đoạn đối đầu ngày càng nghiêm trọng,” đồng thời dự đoán rằng “hành vi không gian mạng” đối địch và “hành vi gây hấn ở Biển Đông” của Trung Quốc sẽ tiếp tục.
Ông Wade cho biết cơ quan này xem sự hợp tác kinh tế của Trung Quốc là nguồn sức mạnh chính của mình và là điều mà Hoa Kỳ phải chống lại bằng “liên kết đối tác” kinh tế-quân sự-tình báo được tăng cường với các quốc gia phản đối “chủ nghĩa toàn trị” và theo đuổi “trật tự dựa trên quy tắc” đối với thương mại thế giới.
Ông cho biết, một “Trung Quốc đang trỗi dậy” đang nỗ lực trong các lĩnh vực tranh chấp với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng cả hai quốc gia cũng tham gia mật thiết vào một loạt các chương trình và hoạt động giao thiệp hàng ngày mang đến cơ hội “tiếp xúc với Trung Quốc theo một cách tích cực.”
“Có nhiều con đường khác nhau mà Hoa Kỳ-Trung Quốc có thể làm việc về các vấn đề cùng quan tâm” ở những nơi như châu Phi, và về các vấn đề như biến đổi khí hậu và thương mại quốc tế, nơi hai quốc gia đã cùng có “liên kết đối tác hiệu quả” với nhau.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times