Hoa Kỳ tìm cách chống lại các mối đe dọa ở châu Phi và Trung Đông trong sự cạnh tranh giữa các liên minh ứng phó với Trung Quốc và Nga
Hôm 23/03, trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và hai chỉ huy khu vực đã trình bày rằng sự chậm trễ trong việc tài trợ cho các hoạt động quân sự và viện trợ của Hoa Kỳ ở châu Phi và Trung Đông có thể làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công vào các lợi ích của Mỹ.
Các thành viên của ủy ban đã nhận được lời khai từ Tiến sĩ Celeste Wallander, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các Vấn đề An ninh Quốc tế, Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM), và Tướng Michael Langley, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ (AFRICOM).
Đánh giá của ông Kurilla là các tổ chức khủng bố, chủ yếu là IS và al-Qaeda, có khả năng tiến hành một “cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các lợi ích của Hoa Kỳ hoặc phương Tây ở ngoại quốc” trong vòng sáu tháng.
Tất cả đều đồng ý rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi và Trung Đông, cũng như tham vọng hạt nhân của Iran, cần một phản ứng toàn diện hơn, tập trung hơn từ Hoa Thịnh Đốn.
Chủ tịch Ủy ban Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) đã đưa ra thách thức cho phiên điều trần khi ông đề cập đến vai trò “người kiến tạo hòa bình” mới đây của Trung Quốc đã dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.
Các chuyên gia về bang giao hệ quốc tế cho rằng thỏa thuận giữa Riyadh và Tehran có thể thay đổi hoàn toàn Trung Đông bằng cách chấm dứt sự chia rẽ hiện nay giữa Arab và Iran và gắn kết khu vực này với Bắc Kinh.
Ông Rogers cho biết sự môi giới của Trung Quốc “đã đem lại một cứu cánh cho Iran vào một thời điểm rất nguy hiểm. Lãnh tụ tối cao Ayatollah tiếp tục tài trợ và trang bị cho những kẻ khủng bố nhắm vào quân đội Mỹ; ông ta đang cung cấp cho [Tổng thống Vladimir] Putin những vũ khí tiên tiến để thực hiện cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine và chế độ của ông ta đang tích cực theo đuổi vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tuyệt đối không thể cho phép điều đó xảy ra.”
Ông cho biết quyết định “đơn phương và vô điều kiện rút” các lực lượng của Mỹ ra khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden đã làm suy yếu an ninh quốc gia.
“Việc đó đã để lại một khoảng trống an ninh đối với Taliban, al-Qaeda, và ISIS đang lấp đầy khoảng trống đó. Đánh giá này cho thấy một số kẻ khủng bố này có thể tấn công Hoa Kỳ tối thiểu trong vòng sáu tháng.”
“Tôi vẫn rất lo ngại rằng chúng ta không còn khả năng phát hiện và ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra. Đó là bởi vì cái gọi là chiến lược chống khủng bố ‘Trên đường chân trời’ của tổng thống là một trò hề.
“Nếu không có các đối tác đáng tin cậy trên mặt đất và các cơ sở lân cận để phóng hỏa tiễn, thì khả năng tấn công của chúng ta vào những kẻ khủng bố này bị hạn chế nghiêm trọng. Chúng ta không thể cho phép có những điểm mù, đặc biệt là ở [châu Phi và Trung Đông].”
Ông Rogers cho biết việc thiếu nguồn cung cấp đầy đủ cho quân đội Hoa Kỳ ở châu Phi đã dẫn đến tình hình an ninh ngày càng xấu đi, “đặc biệt là ở phía tây, nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố đang bành trướng.”
Ông và các thành viên khác của ủy ban bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Nhóm Wagner của Nga ở châu Phi, nơi mà nhóm này đang ủng hộ các chính quyền bất hợp pháp như ở Mali.
“Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc đảo chính, bạo lực, và hỗn loạn xảy ra sau đó,” Thành viên cao cấp của ủy ban Adam Smith (Dân Chủ-Washington) cho biết.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức từ các tổ chức bạo lực cực đoan đang hoạt động ở đó, nhưng sự hiện diện của Nga và Trung Quốc đang khiến cho thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn.”
Ông kêu gọi phía Mỹ hiểu rõ hơn về lý do vì sao ngày càng có nhiều quốc gia ở châu Phi và Trung Đông hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh và Moscow.
“Có những thứ họ thấy có lợi cho quốc gia của mình. Việc Hoa Kỳ xuất hiện và nói, ‘Chúng tôi tốt hơn họ; quý vị phải sát cánh cùng chúng tôi,’ là chưa đủ. Chúng ta phải hiểu cặn kẽ tại sao các quốc gia này đang hợp tác với Trung Quốc và Nga.”
“Những thứ gì mà chúng ta không cung cấp lại đang được Trung Quốc và Nga cung cấp vậy? Làm thế nào chúng ta có thể chống lại điều đó một cách hiệu quả … để bảo đảm rằng Trung Quốc và Nga không bắt đầu nắm quyền thống trị ở những khu vực đó trên thế giới?”
Ông Smith cho biết ông đặc biệt lo ngại về al-Shabaab ở Somalia, nơi tiếp tục là “cánh tay đắc lực nhất của al-Qaeda. Quyết định đơn phương của Tổng thống Trump trong những ngày cuối khi chính phủ của ông đương nhiệm chỉ đơn giản là rút khỏi Somalia mà không có bất kỳ kế hoạch nào để theo dõi cũng đã để lại những hậu quả.”
Bà Wallander cho biết cơ quan của bà sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác ở châu Phi và Trung Đông để “phá vỡ” các hoạt động khủng bố.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đối tác và đồng minh của mình để giành được những gì chúng tôi xem là sự cạnh tranh giữa các liên minh đang ngày càng trở nên quan trọng đối với an ninh chung của chúng ta.”
Bà Wallander cho biết thêm lợi thế của Hoa Kỳ trong việc đạt được các mục tiêu, chẳng hạn như ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, là khả năng hợp tác cùng với “các đối tác có năng lực” trong các liên minh.
“Mặc dù các quốc gia khác tìm cách cạnh tranh chiến lược, nhưng không có giải pháp thay thế đáng tin cậy trong chiến đấu, sẵn sàng chia sẻ các khả năng tiên tiến và đầu tư các nguồn lực quốc gia quan trọng để trợ giúp an ninh khu vực và bảo vệ các quốc gia khác trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Bà nói rằng Hoa Thịnh Đốn không thể bỏ qua tầm quan trọng địa chính trị của châu Phi đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
“Nhiều thách thức cấp bách nhất của thế giới, và các giải pháp toàn cầu sẽ bắt nguồn từ lục địa này khi lục địa này tiếp tục phát triển về quyền lực chính trị và kinh tế.”
Tuy nhiên, bà Wallander cho rằng “tiềm năng phi thường” của châu Phi vẫn chịu sự đe dọa của tình trạng bất ổn chính trị, sự suy thoái dân chủ, các mối đe dọa xuyên quốc gia, và “sự hiện diện ngày càng tăng” của các nhóm cực đoan.
“Ở Đông Phi, chúng tôi kiên định ủng hộ các sáng kiến khu vực nhằm chống lại mối đe dọa từ al-Shabaab ở Somalia.
Bà nói với ủy ban này: “Ở Tây Phi, chúng tôi vẫn tập trung vào việc chống lại ISIS và JNIM [liên minh Hồi giáo cực đoan Jama’at Nusrat al Islam wal Muslimeen] bằng cách đầu tư và trợ giúp các đối tác an ninh của chúng tôi.”
Tuy vậy, bà Wallander cũng thừa nhận, “Tình hình an ninh tiếp tục xấu đi ở Sahel và duyên hải Tây Phi. Các mối đe dọa ngày càng tăng do các tổ chức cực đoan bạo lực gây ra, các thách thức về quản trị và thiếu cơ hội phát triển đã làm trầm trọng thêm những xung đột trong khu vực này.”
Bà cho biết những thay đổi mới đây của chính phủ ở các quốc gia “quan trọng” ở châu Phi “đang thách thức sự viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, cũng như khả năng tiếp cận và ảnh hưởng để giúp chống lại những bước tiến của các tác nhân xấu, cụ thể là Nga và CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa].
“CHND Trung Hoa là quốc gia duy nhất có ý định và, ngày càng, có khả năng định hình lại về căn bản trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và châu Phi là chìa khóa trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn CHND Trung Hoa đạt được các mục tiêu của họ.”
Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự rộng lớn tại Djibouti ở vùng Sừng Phi Châu, chỉ cách căn cứ của Mỹ chưa đầy 6 dặm (9.6 km). Bắc Kinh còn tuyên bố muốn xây dựng một “phi trường vũ trụ” ở đó, cũng như một căn cứ hải quân ngoài khơi duyên hải Tây Phi, để cho phép các chiến hạm của họ tiếp cận Đại Tây Dương.
Ông Langley cho biết ông lo ngại về những tác động chiến lược của những diễn biến này và nếu những hành động này thành hiện thực, thì điều đó sẽ cho phép Trung Quốc “thiết lập một nền tảng để phóng chiếu sức mạnh. Điều đó làm thay đổi tính toán chiến lược của Mỹ trong tương lai.”
Để ngăn chặn tình huống này, ông Langley lập luận rằng Hoa Thịnh Đốn phải sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để bảo đảm Hoa Kỳ là “đối tác được lựa chọn” của các quốc gia Phi Châu.
Ông nói: “Trong các chuyến đi xuyên lục địa này, tôi biết rằng các đối tác của chúng ta không muốn bị quân sự hóa về phương diện chiến lược.”
Ông Langley cảnh báo rằng các mối đe dọa từng tồn tại ở lục địa Phi Châu đang biến thành các mối đe dọa toàn cầu.
“Chủ nghĩa khủng bố, tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, và di cư hàng loạt đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Phi Châu. Những điều này đã gieo rắc chủ nghĩa cực đoan bạo lực và sự bóc lột của Nga.
“Lính đánh thuê Wagner của Nga biến sự hỗn loạn thành tiền mặt và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực trên khắp lục địa Phi Châu. Họ cắt giảm lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.”
Ông xác nhận rằng các tổ chức khủng bố bao gồm ISIS và al-Qaeda đang ngày càng lớn mạnh ở châu Phi và gây ra một mối đe dọa trực tiếp và tức thời đối với cuộc sống của người Mỹ.
Ông Langley nói: “Gánh nặng giải quyết những vấn đề to lớn này phải được chia sẻ.”
“Các quốc gia Phi Châu cần phải dẫn đầu các nỗ lực phối hợp quốc tế để tạo ra các kết quả bền vững. Việc giúp đỡ các quốc gia Phi Châu đạt được các mục tiêu của họ đồng thời thúc đẩy các lợi ích của Mỹ chỉ có thể đạt được thông qua một chiến lược đồng bộ của toàn bộ chính phủ.”
Thông điệp của ông là châu Phi cần viện trợ quân sự và huấn luyện, cũng như viện trợ phát triển.
“Chúng tôi gọi đó là cách tiếp cận 3D: Bộ công cụ gồm ngoại giao, phát triển, và quốc phòng. Nhưng chỉ một công cụ thì không thành công trừ phi có cả toàn bộ công cụ. Vì vậy, tôi sẽ ủng hộ việc Bộ Ngoại giao và các đối tác của USAID nhận được những nguồn lực mà họ cần có để thành công.”
Ông Kurilla nói với ủy ban này rằng Iran vẫn là “tác nhân gây bất ổn chính” ở Trung Đông, dưới sự thúc đẩy của các liên minh ngày càng mạnh mẽ của nước này với Trung Quốc và Nga.
Ông Kurilla nói, “Chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ nhanh chóng về năng lực quân sự của Iran theo thời gian. Iran của năm 2023 không còn là Iran hồi năm 1983 nữa [khi CENTCOM được thành lập]. Iran ngày nay có khả năng quân sự mạnh hơn theo cấp số nhân so với năm năm trước.”
“Ngày nay, Iran sở hữu kho vũ khí hỏa tiễn lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông, với hàng ngàn hỏa tiễn hành trình và đạn đạo. Iran cũng duy trì lực lượng UAV (phi cơ không người lái) lớn nhất và có năng lực nhất.
“Các lực lượng ủy nhiệm rộng lớn và có nguồn lực dồi dào của Iran đã gieo rắc sự bất ổn khắp khu vực này và đe dọa các đối tác khu vực của chúng tôi.”
Ông Kurilla đã nói thêm rằng Tehran tiếp tục làm giàu uranium “vượt xa” mức cần thiết cho mục đích thương mại.
Ông cảnh báo, “Iran có thể làm giàu uranium nhanh hơn so với hai năm trước. Một nước Iran với một vũ khí hạt nhân sẽ thay đổi Trung Đông chỉ sau một đêm và mãi mãi.”
Ông Kurilla cho biết quân đội của ông sẽ tiếp tục chiến đấu với ISIS trong khu vực này, nhưng ông đặc biệt lo ngại về tình hình ở Afghanistan.
“Ở Afghanistan, ISIS (ở tỉnh Khorasan) tìm cách mở rộng hàng ngũ của họ và phát triển khả năng truyền cảm hứng, kích hoạt hoặc chỉ thị các cuộc tấn công trong khu vực và xa hơn, với mục tiêu cuối cùng của nhóm này là tấn công quê hương Hoa Kỳ.”
Ông Kurilla cho biết, giữa những thách thức này, sự cạnh tranh chiến lược đang “biểu hiện sâu sắc” ở Trung Đông.
“CHND Trung Hoa tích cực mở rộng các công cụ thông tin, quân sự, và kinh tế của quyền lực quốc gia trên toàn khu vực, và giờ đây Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập ảnh hưởng về ngoại giao của họ.”
Ông cho thấy rằng Trung Quốc phụ thuộc vào Trung Đông để có hơn một nửa lượng dầu thô nhập cảng và hơn một phần ba khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, ông Kurilla cho biết, nước này đang tiến xa hơn các khoản đầu tư vào năng lượng “đến cả cơ sở hạ tầng vật chất và viễn thông nhằm thúc đẩy các sáng kiến vành đai và con đường của họ.
“19 trong số 21 quốc gia CENTCOM đã ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc. Chúng tôi đang chạy đua để hội nhập với các đối tác của mình trước khi Trung Quốc có thể thâm nhập vào khu vực này.”
Ông Kurilla cũng cảnh báo rằng Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ ở Syria, đồng thời “tìm kiếm một căn cứ lâu dài ở đó và phá hoại những nỗ lực của chúng tôi hướng tới sự ổn định và an ninh.”
“Ông Putin tìm kiếm một vị thế để gây ảnh hưởng ở các quốc gia trung tâm, tận dụng … một sự suy giảm rõ rệt trong cam kết của Hoa Kỳ để thách thức ảnh hưởng của chúng tôi ở khu vực này trên thế giới.”
Ông khẳng định rằng Trung Đông “có nguy cơ lớn nhất trong việc khiến cho chiến lược quốc phòng bị đình trệ bằng một biến cố quốc tế nảy lửa có thể đòi hỏi một hành động ứng phó bằng cách sử dụng các nguồn lực hoặc sự chú ý bất ngờ.”
Ông Kurilla cho biết CENTCOM đang xây dựng “các mối quan hệ đối tác sâu sắc, bền vững vốn có thể làm một hàng rào chống lại các mối đe dọa trong khu vực đồng thời ngăn chặn Iran khỏi hành vi phá hoại nhất của nước này. Trung Quốc xem các đối tác của chúng tôi đơn thuần là những người tiêu dùng và khách hàng.”
Để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai vào các mục tiêu của Hoa Kỳ, ông nói với ủy ban CENTCOM cần có thêm các nguồn lực để tăng cường các nỗ lực thu thập thông tin tình báo ở Afghanistan.
Tuy nhiên, ông Rogers nói với các nhân chứng rằng có một mối lo ngại về việc Hạ viện sẽ không thông qua các dự luật ủy quyền quốc phòng một cách kịp thời.
Hai ông Langley và Kurilla đã trả lời rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tài trợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng ứng phó từ lực lượng của họ trước các mối đe dọa.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times