Ngân hàng Nhật Bản gây chấn động thị trường tài chính — nhưng liệu nền kinh tế toàn cầu có bị ảnh hưởng?
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính Á Châu vào ngày 20/12 khi nới rộng trần lãi suất trái phiếu chính phủ chuẩn.
Ngân hàng trung ương này đã thông báo rằng họ sẽ cho phép đường cong lợi tức của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm nằm trong phạm vi 50 điểm cơ bản ở hai bên của mục tiêu 0%. Đó là tăng từ mức giới hạn 25 điểm cơ bản trước đó.
Các quan chức đã sửa đổi cách thực hiện kiểm soát đường cong lợi suất để “cải thiện hoạt động của thị trường và khuyến khích sự hình thành mượt mà hơn của toàn bộ đường cong lợi suất, đồng thời duy trì các điều kiện tài chính phù hợp.” BoJ đã kiềm chế không đề cập đến bất cứ điều gì liên quan đến lạm phát.
Trong các chỉ thị chính sách khác, ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức âm 0.1%. Ngân hàng này có kế hoạch tăng số lượng mua trái phiếu chính phủ lên 9 ngàn tỷ yên (68.1 tỷ USD) từ mức 7.3 ngàn tỷ yên (55.2 tỷ USD). BoJ cũng dự định mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất 0.5% mỗi ngày làm việc thông qua hoạt động mua lãi suất cố định.
Dữ liệu của BoJ cho thấy ngân hàng trung ương này sở hữu hơn 50% tổng số trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang lưu hành.
Các nhà đầu tư đã phản ứng tiêu cực với tin tức này, với Chỉ số Nikkei 225 giảm gần 670 điểm, tương đương 2.46%. Chỉ số Hang Seng giảm 1.33%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 1%. Chứng khoán Hoa Kỳ sụt giảm khi mở cửa nhưng đã phục hồi để kết thúc phiên giao dịch ở mức cao hơn.
Các mức trần trước kia là do Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người dự kiến sẽ từ chức vào tháng Tư, đưa ra hồi tháng Chín năm 2016. Mục tiêu là nâng lạm phát lên gần tỷ lệ mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ảm đạm và lạm phát trì trệ.
Theo Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư và là đối tác sáng lập của Running Point Capital Advisors, các hành động của ông Kuroda có thể mang lại lợi ích cho Tokyo.
Ông nói với The Epoch Times: “Lãi suất trái phiếu cao hơn sẽ giúp củng cố đồng yên, có thể khuyến khích nhiều tiền Nhật Bản quay trở lại hoặc ở lại Nhật Bản hơn, và trên toàn cầu, từ góc độ vĩ mô, có thể gây ra một số hoạt động bán tài sản rủi ro cận biên.”
“Ở một mức độ nào đó, hành động này là một điều đáng mừng vì vào tháng Tư tới, ông Kuroda sẽ rời BoJ sau một thập niên lãnh đạo chính sách lãi suất thấp đã đưa Nhật Bản (và thế giới) hướng tới nới lỏng tiền tệ. Giả định của tôi là việc giải quyết vấn đề đồng tiền yếu và lạm phát trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ phụ thuộc vào thống đốc ngân hàng trung ương tiếp theo. Hành động gần đây của ông Kuroda sẽ giúp quá trình chuyển đổi sang một thống đốc mới của BoJ dễ dàng hơn nhiều và hỗ trợ sự ổn định thị trường trong dài hạn.”
Ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng BoJ sẽ loại bỏ chính sách lãi suất âm.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm cho tháng Mười Một sẽ được công bố hôm 22/12. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 3.9%, trong khi tỷ lệ lạm phát cơ bản, loại trừ thực phẩm nhưng bao gồm chi phí năng lượng, được dự báo sẽ tăng lên 3.7%.
Vậy, quyết định của BoJ có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu?
Tốt hay xấu cho thị trường quốc tế?
Tokyo đã từng là một trong những nước lớn cuối cùng kiên trì trên mặt trận thắt chặt, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng ngăn chặn suy thoái và kích thích nền kinh tế cùng lúc. Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2023. Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters trên các nhà phân tích thị trường dự báo mức giảm 1.1% hàng năm trong quý 3 ở Nhật Bản.
Nếu Nhật Bản làm theo các quốc gia khác và thắt chặt chính sách tiền tệ, điều đó có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng, điều có thể có tác động lan tỏa vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Bất chấp sự suy giảm ban đầu trên thị trường tài chính, các chuyên gia thị trường cho rằng hành động của BoJ có thể dẫn đến những tác động tích cực đối với Hoa Kỳ và các thị trường phát triển khác, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành Tadrus Capital Mina Tadrus nói với The Epoch Times: “Khi các ngân hàng trung ương lớn đồng thời thắt chặt chính sách của họ, điều đó có thể giúp giảm áp lực lạm phát toàn cầu và có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Âu Châu tăng lãi suất ít hơn để giảm lạm phát.”
Đồng thời, hành động thắt chặt này cũng có thể dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn, có thể bù đắp phần nào lạm phát gia tăng trong những tháng gần đây.
Ông Phil Flynn, chiến lược gia năng lượng và là tác giả của Báo cáo Năng lượng, cho biết trong một ghi chú hôm 20/12: “Thi thoảng khi xét đến thị trường dầu mỏ, việc chú ý đến cung và cầu hiện hành không giúp ích vì các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể thay đổi các quy tắc bất cứ khi nào họ muốn. Bằng cách thay đổi các quy tắc, họ có thể thay đổi giá trị của tiền tệ và giá trị của hàng hóa nói chung.”
Chỉ số USD (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, suy yếu gần 1% và giảm xuống dưới 105.00 sau tin tức này. Điều đó có lợi cho các hàng hóa định giá bằng USD vì một đồng USD yếu hơn sẽ khiến những mặt hàng như dầu thô và vàng rẻ hơn để các nhà đầu tư nước ngoài mua vào.
Đồng thời, đồng yên Nhật tăng lên mức cao nhất trong vòng bốn tháng so với đồng USD. Đồng yên đã giảm mạnh khoảng 15% so với đồng bạc xanh trong năm nay.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times