Ngân hàng Nhật Bản mở rộng biên độ kiểm soát đường cong lợi suất, kích hoạt bước nhảy vọt của đồng Yên
Đồng yên Nhật tăng 3% so với đồng USD hôm 20/12 sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sửa đổi biên độ kiểm soát đường cong lợi suất (yield curve control hay YCC — chính sách định hướng lãi suất dài hạn), cho phép giao dịch trái phiếu chính phủ dài hạn trong biên độ rộng hơn.
Theo tuyên bố chính sách của họ, BOJ đã quyết định tăng lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật Bản từ 25 điểm cơ bản lên 50 điểm cơ bản như một phần trong nỗ lực tăng cường tính bền vững của việc nới lỏng tiền tệ.
Ngân hàng này cho biết họ cũng sẽ tăng mua trái phiếu chính phủ hàng tháng từ 7.3 ngàn tỷ Yên (55.16 tỷ USD) lên 9 ngàn tỷ Yên (67.5 tỷ USD) mỗi tháng.
Đồng yên đã tăng sau hành động này, nhưng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 2.46% xuống 26,568.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết biện pháp này nhằm giải quyết những biến dạng của đường cong lợi suất và bảo đảm lợi ích của chương trình kích thích chi tiêu của ngân hàng này được hướng đến thị trường và các công ty.
Ông Kuroda, người có nhiệm kỳ thống đốc BOJ sẽ kết thúc vào tháng Tư năm sau, cho biết: “Bước đi hôm nay nhằm mục đích cải thiện các chức năng của thị trường, từ đó giúp tăng cường hiệu quả của việc nới lỏng tiền tệ của chúng ta. Do đó, đây không phải là một đợt tăng lãi suất.”
Ông nói với các phóng viên, “Sự thay đổi này sẽ nâng cao tính bền vững của khuôn khổ chính sách tiền tệ của chúng ta. Đó hoàn toàn không phải là một sự xem xét sẽ dẫn đến việc từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất hoặc rút khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ.”
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc hôm 20/12, BOJ đã duy trì các mục tiêu cho YCC của mình, đặt ở mức âm 0.1% đối với lãi suất ngắn hạn và khoảng 0% đối với lợi suất trái phiếu 10 năm.
Kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản
Ông Erik Norland, giám đốc điều hành và là nhà kinh tế cao cấp của CME Group, cho biết YCC của Nhật Bản đã góp phần mở rộng bảng cân đối kế toán của họ lên mức gấp hơn bốn lần mức của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ so với GDP tương ứng của Hoa Kỳ.
Ông Norland nêu trong bài báo đăng trên trang web CME hôm 29/11: “Nếu BOJ quyết định chấm dứt mức trần 0.25% đối với [trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm], thì quyết định này có thể gây chấn động thị trường trái phiếu toàn cầu.”
Ông nói, “Một phần lý do tại sao đồng yên yếu đến vậy là do lợi suất trong nước bị giới hạn, các nhà đầu tư Nhật Bản thường tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ các công cụ đầu tư có thu nhập cố định ở ngoại quốc. Do đó, lợi suất thấp của trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể đã ngăn lợi suất trái phiếu ngoại quốc tăng hơn nữa so với trong trường hợp không có sự ảnh hưởng này.”
Ông Norland nói rằng khả năng kết thúc YCC của Nhật Bản có thể có tác động đối với các nhà đầu tư vốn cổ phần, đặc biệt là trên thị trường vốn cổ phần của Nhật Bản, vì một số nhà đầu tư địa phương xem xét các khoản đầu tư vốn cổ phần của họ theo đồng yên.
Ông nói, “Nếu đồng yên Nhật tăng giá sau tin tức về việc chấm dứt kiểm soát đường cong lợi suất, thì yếu tố này có thể khiến chứng khoán Nhật Bản giảm giá, ít nhất là khi nhìn từ góc độ đồng yên. Ngược lại, một đồng yên tăng giá đột ngột so với đồng USD có thể làm tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư USD không có phòng ngừa rủi ro tiền tệ của họ.”
Hôm 24/11, cựu giám đốc điều hành của BOJ, ông Kazuo Momma, cho biết rằng cuối cùng BOJ sẽ phải từ bỏ YCC và quay trở lại chính sách định hướng lãi suất ngắn hạn quanh mức 0, do chi phí của việc nới lỏng tiền tệ kéo dài tăng lên.
“Việc từ bỏ YCC khó thực hiện trong năm tới, khi nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với những khó khăn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. “Mục tiêu này nhiều khả năng sẽ xảy ra vào năm 2024, khi nền kinh tế phục hồi và rõ ràng hơn về việc liệu tiền lương tăng có bền vững hay không.”
Lãi suất cực thấp kéo dài đã làm tổn hại đến lợi nhuận của các tổ chức tài chính, trong khi việc BOJ không ngừng mua trái phiếu để bảo vệ giới hạn lợi suất của mình đã làm biến dạng hình dạng của đường cong lợi suất.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times