Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trong năm 2023
Khởi đầu năm 2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiếp nối chuỗi mua vàng kéo dài hàng tháng của mình.
Theo dữ liệu mới từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất thế giới trong năm 2023, nâng tổng dự trữ kim loại màu vàng của họ lên 225 tấn trong suốt cả năm. Con số này đánh dấu lượng vàng mua vào lớn nhất trong vòng một năm kể từ năm 1977.
Cuối năm 2023, dự trữ vàng của PBOC đã đạt mức 2,235 tấn, chiếm khoảng 4% trong tổng dự trữ quốc tế to lớn trị giá 3.22 ngàn tỷ USD của Trung Quốc.
Một ngân hàng trung ương mua vàng hàng đầu khác là Ngân hàng Quốc gia Ba Lan. Ngân hàng trung ương này đã nâng tổng lượng vàng nắm giữ thêm 57% lên 359 tấn. Cơ quan Quản Lý Tiền Tệ Singapore (MAS) đã bổ sung thêm 77 tấn vàng vào kho dự trữ, đạt 230 tấn. Ngân hàng Trung ương Libya và Ngân hàng Quốc gia Czech đã mua lần lượt 30 tấn và 19 tấn.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 1 tấn, trong khi Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) mua 2 tấn.
Nhóm ngân hàng trung ương bán ròng nhiều nhất là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan (-47 tấn), Ngân hàng Trung ương Uzbekistan (-25 tấn), và Ngân hàng Trung ương Bolivia (-18 tấn).
Mặc dù nhu cầu tổng thể của ngân hàng trung ương đã ổn định trong năm 2023, nhưng nhu cầu này đã giảm so với mức cao kỷ lục đạt được vào năm 2022. Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua 1,037 tấn, giảm 4% so với năm trước.
Giá vàng trung bình năm 2023 là 1,940.54 USD/ounce, tăng 8% so với năm trước. Tính đến ngày 09/02, kim loại màu vàng đang giao dịch ở mức khoảng 2,040 USD trên sàn COMEX của Sở Giao dịch Hàng hóa New York.
Việc mua vàng của Trung Quốc tiếp tục bắt đầu vào năm 2024
Trung Quốc duy trì nhu cầu kim loại quý này trong tháng Một, mua thêm 10 tấn vàng và kéo dài chuỗi mua vàng lên 15 tháng liên tiếp.
Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cao cấp tại WGC, cho biết thị trường đang dự đoán rằng Trung Quốc và các ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục mua vàng trong thời gian còn lại của năm, giữa bối cảnh môi trường kinh tế bất ổn và xung đột địa chính trị tiếp diễn.
Bà Street cho biết trong một tuyên bố: “Nhu cầu không suy giảm từ các ngân hàng trung ương đã trợ giúp cho nhu cầu vàng một lần nữa trong năm nay và giúp bù đắp sự yếu kém ở các lĩnh vực khác của thị trường, giữ cho nhu cầu năm 2023 cao hơn mức trung bình động 10 năm.”
“Chúng tôi biết rằng các ngân hàng trung ương thường lấy hiệu quả của vàng trong thời kỳ khủng hoảng làm lý do để mua, điều này cho thấy nhu cầu từ lĩnh vực này sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay và có thể giúp bù đắp sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng do giá vàng tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.”
Các nhà kinh tế cho rằng việc mua vàng không ngừng nghỉ của Trung Quốc là một hành động chiến lược để bảo vệ nước này khỏi hệ thống tài chính dễ bị tổn thương và giảm dần sự tiếp xúc với đồng USD. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ thị trường chứng khoán lao dốc đến khủng hoảng nợ.
Tìm kiếm sự an toàn trong thời kỳ biến động
Để ứng phó với các mối đe dọa đang nổi lên trong nền kinh tế Trung Quốc, các quan chức PBOC đã công bố nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.
Quyết định chính sách mới nhất bao gồm việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) — số tiền gửi mà một tổ chức tài chính phải có dưới dạng tiền mặt dự trữ — đối với các ngân hàng xuống 50 điểm cơ bản bắt đầu từ hôm 05/02. Biện pháp này sẽ bơm khoảng 140 tỷ USD thanh khoản vào hệ thống tài chính.
Các cơ quan khác đang cân nhắc kế hoạch huy động khoảng 278 tỷ USD vào thị trường chứng khoán sau khi các chỉ số chuẩn hàng đầu giảm hơn 10% vào đầu năm. Các điều kiện trên thị trường chứng khoán ảm đạm đến mức khoảng ¼ tổng số cổ phiếu Trung Quốc chìm trong sắc đỏ hôm 05/02. Đề nghị chính sách này đã tạo ra một đợt phục hồi mạnh để khép lại tuần giao dịch, với chỉ số Shanghai Composite Index tăng 3.4%.
Các chuyên gia cảnh báo, nhiều thách thức mà Bắc Kinh đang đối diện là do các hạn chế về sức khỏe cộng đồng kéo dài trong thời kỳ đại dịch của chính quyền, dẫn đến sự phục hồi chậm chạp.
Kể từ tháng Tư, hoạt động của nhà máy đã giảm chín trong mười tháng qua do xuất cảng hầu hết giảm trong năm qua.
Giá tiêu dùng và giá sản xuất rơi vào tình trạng giảm phát trong bối cảnh nhu cầu trong nước chậm lại. Vào tháng Một, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống mức thấp hơn dự kiến là 0.8%, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp có chỉ số giảm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã rơi vào tình trạng giảm phát 15 tháng liên tiếp.
Tất cả những khó khăn này cộng thêm những thách thức nợ ngày càng tăng đang đè nặng lên Trung Quốc, dù đó là chính quyền địa phương hay đại công ty phát triển địa ốc Evergrande.
Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng khu vực Greater China của ING, cho biết kỳ vọng rằng đây là bước khởi đầu cho chính sách tài khóa và tiền tệ khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách hơn trong suốt cả năm.
Ông cho biết trong một ghi chú nghiên cứu ngày 08/02, “Bước vào Tết Nguyên Đán, tâm lý về nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn ảm đạm. Và điều đó làm tăng kỳ vọng có nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách hơn mặc dù Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng vào năm 2023.”
“Các dấu hiệu ban đầu cho thấy mặc dù nền kinh tế đã ổn định trong những tháng gần đây, nhưng động lực hiện tại vẫn còn yếu.”
Do những diễn biến khác nhau trong năm qua, các nhà kinh tế bắt đầu bác bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế Trung Quốc rốt cuộc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, vượt qua Hoa Kỳ.
Ông Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell và cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặc trách Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Châu Á: “Khả năng dự đoán rằng một ngày nào đó GDP Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ đang giảm dần.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times