Nga tuyên bố sẽ loại bỏ Boeing và Airbus, tìm cách xây dựng ngành hàng không của riêng mình
Ngành công nghiệp hàng không Nga đang chuẩn bị từ bỏ các nhà sản xuất lớn như các hãng Boeing và Airbus SE, nhằm tập trung vào sản xuất các phi cơ mình cần tại địa phương.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực hàng không của nước này. Do các lệnh trừng phạt hiện hành, Nga không thể bảo đảm các phụ tùng thay thế cần thiết để duy trì phi cơ do ngoại quốc sản xuất. Rostec, một tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, đang xem tình hình này như một cơ hội để thúc đẩy sản xuất phi cơ địa phương.
“Phi cơ ngoại quốc sẽ rời khỏi phi đội,” Rostec nói với Reuters. “Chúng tôi tin rằng quá trình này là không thể đảo ngược và các phi cơ Boeing và Airbus sẽ không bao giờ được chuyển giao cho Nga. … Chúng tôi không mong đợi các biện pháp trừng phạt sẽ được nới lỏng và chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch của mình dựa trên kịch bản khó khăn hiện có.”
Phi cơ do các nhà sản xuất ngoại quốc như Airbus và Boeing chế tạo được sử dụng cho 95% lưu lượng hành khách của Nga. Hãng thông tấn Interfax trích dẫn dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải Nga cho biết, trong số 1,287 phi cơ hoạt động ở Nga tính đến hôm 20/04, chỉ có 470 phi cơ được sản xuất trong nước.
Phương án cơ sở của bộ này ước tính tổng phi đội ở Nga sẽ giảm xuống còn 999 phi cơ vào năm 2025, bao gồm 427 phi cơ do ngoại quốc sản xuất. Đến năm 2030, số lượng phi đội dự kiến sẽ tăng lên 1,602 phi cơ, trong đó có 208 phi cơ ngoại quốc, do sản lượng trong nước được thúc đẩy.
Từ năm 2022 đến năm 2030, Nga cho biết họ có kế hoạch cung cấp 1,036 phi cơ chở khách.
Ông Richard Aboulafia, giám đốc điều hành của AeroDynamic Advisory có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng kế hoạch chế tạo 1,036 phi cơ hàng không của Nga trong vòng bảy năm “về căn bản là không thể.”
Ông chỉ ra rằng cả Nga và Liên Xô cũ mới chỉ chế tạo được khoảng 2,000 phi cơ thương mại cỡ lớn.
Ông Aboulafia nói: “Ngay cả khi họ có thể mua chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác từ phương Tây, họ vẫn gặp khó khăn trong việc sản xuất nhiều hơn là một số ít phản lực cơ.”
Sử dụng phụ tùng phi cơ khác
Hồi tháng Sáu, chính phủ Nga đã khuyến cáo các công ty hàng không sử dụng các phụ tùng từ một số phi cơ của họ để bảo đảm rằng các phi cơ còn lại có thể tiếp tục hoạt động ít nhất là đến năm 2025.
Hiện tại, không có quy định quốc gia nào về việc các hãng hàng không có thể sử dụng các phụ tùng hiện có để sửa chữa phi đội của họ. Ngành hàng không đã yêu cầu chính phủ hệ thống hóa các quy tắc về hoạt động này. Quy định mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023.
Ngay cả khi Nga tìm cách có được các phụ tùng phi cơ thông qua các quốc gia khác đang không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phương Tây, thì các công ty ở những quốc gia này vẫn không có khả năng làm ăn với Nga do lo ngại bị trả đũa.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times