Nga huy động quân đội trong bối cảnh phương Tây chỉ trích các kế hoạch thôn tính lãnh thổ
Hôm 21/09, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã ra lệnh huy động một phần quân đội Nga. Đây là đợt huy động quân đội đầu tiên theo cách như vậy kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Thông báo này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi các nhà lãnh đạo thân Nga tại bốn tỉnh của Ukraine công bố kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine để sáp nhập Liên bang Nga.
Hai diễn biến song song này, thu hút sự lên án nhanh chóng từ Ukraine và các nước đồng minh, dường như đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên.
“Rõ ràng, đó là điều mà chúng ta cần phải xem xét rất nghiêm túc bởi vì, quý vị biết đó, chúng ta không kiểm soát được tình hình. Tôi không chắc ông ấy [Putin] cũng đang kiểm soát được,” Ngoại trưởng Anh Gillian Keegan nói. “Đây rõ ràng là một sự leo thang.”
Trưng cầu dân ý
Hôm 20/09, các nhà lãnh đạo thân Nga ở Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia đã công bố kế hoạch để tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý khác về việc có gia nhập Nga hay không.
Tất cả bốn cuộc bỏ phiếu này dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 23/09 đến ngày 27/09.
Kể từ khi Moscow bắt đầu cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine từ hôm 24/02, quân đội Nga và các đồng minh địa phương của họ đã chiếm gần như toàn bộ Luhansk và khoảng 60% Donetsk vốn vẫn là nơi đang xảy ra giao tranh dữ dội.
Chỉ vài ngày trước khi mở chiến dịch, Moscow đã chính thức công nhận cả hai tỉnh này là “những nước cộng hòa nhân dân” độc lập.
Cả Luhansk và Donetsk tạo nên vùng Donbas nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine. Donbas từng là tâm điểm trong cuộc xâm lược của Nga.
Nga và các đồng minh cũng nắm giữ phần lớn tỉnh Zaporizhzhia phía nam và gần như toàn bộ tỉnh Kherson lân cận, bao gồm cả thủ phủ của tỉnh này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bảo vệ quyết định này.
Ông Lavrov nói: “Người dân của các vùng lãnh thổ tương ứng nên tự quyết định vận mệnh của mình.”
Tuy nhiên, Kyiv và hầu hết các chính phủ phương Tây đều đã lên án hành động này.
“Nga đã, và vẫn là một kẻ xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine,” Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, viết trên Twitter. “Ukraine có mọi quyền để lấy lại tự do cho các vùng lãnh thổ của mình và sẽ tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ đó bất kể Nga có lập luận thế nào.”
Trong 10 ngày qua, các lực lượng của Ukraine đã đạt được những thắng lợi vẻ vang trên chiến trường, chiếm lại các vị trí ở khu vực đông bắc Kharkiv, nơi tiếp giáp với Donbas.
Trong khi chính phủ ở Kyiv đang mô tả cuộc phản công này là một “bước ngoặt” của cuộc xung đột, các quan chức Nga đã đánh giá thấp tầm quan trọng chiến lược của họ.
Kyiv cho biết họ sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga chiếm đóng lãnh thổ của mình trong khi tiếp tục kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí ngày càng tân tiến cho họ.
Liên minh Âu Châu cũng lên án các cuộc trưng cầu được lên kế hoạch nói trên, tuyên bố không công nhận các kết quả đó.
“Nga, giới lãnh đạo chính trị của nước này, và tất cả những ai liên quan đến ‘những cuộc trưng cầu dân ý’ này và các hành vi vi phạm luật quốc tế khác ở Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm,” người đứng đầu về Chính sách An ninh và Ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố.
Ông tiếp tục nói rằng “các biện pháp hạn chế bổ sung chống lại Nga sẽ được xem xét” tùy theo hoàn cảnh.
Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, khu vực Hắc Hải của Crimea, có biên giới với tỉnh Kherson, đã bỏ phiếu rời khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga.
Vốn không được tất cả, trừ một số quốc gia, công nhận, cuộc trưng cầu ở Crimea diễn ra sau “Cách mạng Maidan” của Ukraine. Cuộc cách mạng này đã tước bỏ quyền lực của Tổng thống Viktor Yanukovych, người được cho là thân cận với Moscow.
Moscow huy động quân đội
Hôm 21/09, ông Putin đã làm xung đột leo thang khi thông báo huy động một phần các lực lượng vũ trang của Nga. Lệnh này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông cho biết những thách thức đặt ra từ chiến tuyến dài khoảng 1,000 km (khoảng 621 dặm), cũng như tuyên bố của ông rằng Nga đã tham gia vào cuộc xung đột với “toàn bộ bộ máy quân sự phương Tây,” đã thúc đẩy ông đưa ra quyết định này.
Ông Putin còn tố cáo điều mà ông mô tả là “những tuyên bố của đại diện các nước NATO hàng đầu về khả năng và sự chấp nhận của việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga.”
Hôm 16/09, trình bày sau một hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Á-Âu tại Samarkand, Uzbekistan, ông Putin cáo buộc rằng các cường quốc phương Tây đang tìm cách chia cắt nước Nga thành những nước nhỏ yếu nhược.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đợt huy động mới này có sự tham gia của 300,000 quân dự bị đã từng có kinh nghiệm quân ngũ.
Không có ai tin rằng việc sáp nhập Luhansk, Donetsk, Kherson, và Zaporizhzhia vào Nga — như đã xảy ra ở Crimea hồi năm 2014 — sẽ làm thay đổi sâu sắc bản chất của cuộc xung đột.
“Lấn chiếm lãnh thổ Nga là một tội ác vốn cho phép quý vị sử dụng tất cả các lực lượng tự vệ,” ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (và là cựu tổng thống Nga), cho biết trong một bài đăng trên Telegram. “Đây là lý do tại sao những cuộc trưng cầu dân ý này rất đáng sợ ở Kyiv và phương Tây.”
Hồi tháng Ba, TT Hoa Kỳ Joe Biden cho biết đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Bất chấp những leo thang đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vẫn tỏ ra lạc quan.
“Tình hình trước mắt cho thấy rõ ràng Ukraine đang ở thế chủ động,” ông nói trong một bài diễn văn phát qua video hôm 21/09.
Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Brink mô tả các hành động đó của Moscow là “dấu hiệu của sự yếu kém, về sự thất bại của Nga.”
Ông Brink viết trên Twitter, Hoa Kỳ, “sẽ không bao giờ công nhận yêu sách của Nga về việc thôn tính lãnh thổ Ukraine một cách có chủ đích.”
Chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ ông Putin tại Uzbekistan, Trung Quốc đã phản ứng với cuộc khủng hoảng này bằng cách kêu gọi “đối thoại và tham vấn” và “một đường hướng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh của tất cả các bên.”
Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có cuộc gặp với ông Putin ở Samarkand, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự về “ngoại giao và hòa giải.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times