Nga công khai tuyên bố ủng hộ của Bắc Kinh, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc giữ im lặng
Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong chuyến thăm của ông đến Moscow, khi ông dường như tin rằng đây là một cuộc họp kín. Nhưng Điện Kremlin đã công bố đoạn phim để khiến toàn thế giới biết đến nhận xét của ông.
Ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật quan trọng thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã đến thăm Nga từ ngày 7 đến ngày 10/09 trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Uzbekistan hôm 15/09.
Ông Lật đã gặp ông Putin tại Vladivostok và sau đó gặp gỡ ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma Quốc gia, và bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Hội đồng Liên bang, tại Moscow, cùng với các lãnh đạo của năm đảng chính trị của Duma Quốc gia.
Chuyến thăm không ồn ào của ông tới Nga đã không thu hút nhiều sự chú ý cho đến khi một video lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, khiến dư luận phản đối kịch liệt.
“Với việc Hoa Kỳ và NATO hiện đang ở ngưỡng cửa của Nga, điều đó đã trở thành một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Nga và cuộc sống của người dân nước này,” ông Lật tuyên bố. “Trong hoàn cảnh như vậy, Nga thực hiện một số biện pháp mà nước này cho là phù hợp, và Trung Quốc thấu hiểu sự cần thiết của tất cả những biện pháp mà Nga thực hiện nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích chính của mình. Chúng tôi sẽ hỗ trợ. ”
Vì ông Lật cũng là một đồng minh thân cận của ông Tập nên tuyên bố của ông được xem là đại diện cho lập trường của lãnh đạo ĐCSTQ. Nhiều người cho rằng đây là tuyên bố mạnh mẽ và rõ ràng nhất của Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ Moscow.
Nhận xét của ông Lật được công bố lần đầu trong một văn bản trên trang web chính thức của Duma Quốc gia hôm 09/09. Ngay sau đó, đoạn phim với chữ “Duma” bằng tiếng Nga đã được phát hành.
Ngược lại, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc im lặng trước những nhận xét ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine do ông Lật đưa ra và chỉ đưa tin rằng ông Lật “cảm ơn Nga vì đã ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan”.
Các nhà phân tích cho rằng Moscow cố tình công khai phát ngôn của ông Lật trước cuộc gặp Tập-Putin nhằm gây áp lực buộc ĐCSTQ phải lên tiếng ủng hộ Nga, khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế khó xử.
Nhìn thấu liên minh Trung-Nga
Ông Dương Tư (Yang Si), một nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times hôm 16/09 rằng Bắc Kinh và Moscow đang lợi dụng lẫn nhau.
“Chắc chắn ĐCSTQ đang ủng hộ Nga, nhưng họ chưa bao giờ nói công khai như vậy,” ông Dương nói. “Tuyên bố lần này của ông Lật cũng không phải là một tuyên bố công khai; tuyên bố đó được đưa ra sau những cánh cửa đóng kín. Tôi đoán ông Lật không ngờ Nga sẽ công khai chuyện này. Có lẽ Nga nghĩ rằng các báo cáo bằng văn bản là không đủ, vì vậy họ đã trực tiếp phát hành video gốc, tương đương với việc buộc ĐCSTQ phải công khai tuyên bố ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nga và ĐCSTQ là hai nhóm băng đảng. Họ không có niềm tin chung, cũng không có đạo đức. Nói tóm lại, họ chỉ lợi dụng lẫn nhau.”
Nhà bình luận Lục Thiên Minh (Lu Tianming) chia sẻ quan điểm tương tự.
Bà Lục cho biết: “ĐCSTQ đã lén lút làm rất nhiều việc, nhưng giờ đây tất cả đều bị bóc trần. Quân đội Nga xâm lược Ukraine, và việc ĐCSTQ ủng hộ cuộc chiến này đương nhiên sẽ khiến các quốc gia khác tin rằng ĐCSTQ có thể có những hành động tương tự đối với Đài Loan. Họ sẽ cảnh giác cao độ dõi theo các hành động của ĐCSTQ ở Eo biển Đài Loan.”
Bà cho rằng một số quốc gia bên lề sẽ nhìn thấu ĐCSTQ qua nhận xét của ông Lật. Bà nói: “Việc này sẽ đẩy nhanh tốc độ từ chối và răn đe ĐCSTQ trên toàn cầu.”
Hoa Kỳ và Âu Châu thông qua dự luật hỗ trợ Đài Loan
Chuyên gia về Trung Quốc Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết trong một chương trình YouTube hôm 16/09 rằng việc tiết lộ tuyên bố của ông Lật sẽ giúp Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu thông qua các dự luật hỗ trợ Đài Loan và chống lại ĐCSTQ.
Hôm 15/09, Nghị viện Âu Châu đã áp đảo thông qua một nghị quyết lên án việc Trung Quốc tiếp tục có hành động quân sự và khiêu khích nhằm vào Đài Loan và kêu gọi EU “đảm nhận một vai trò tích cực hơn đối với tình hình ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.”
Nghị quyết gồm 26 đề nghị này đã được 5 đảng lớn trong Nghị viện Âu Châu cùng ủng hộ. Nghị quyết khen ngợi chính phủ Đài Loan và các nhà lãnh đạo chính trị vì phản ứng thận trọng và có trách nhiệm đối với các hành động khiêu khích của ĐCSTQ. Nghị quyết kêu gọi EU tăng cường hợp tác chính trị với Đài Loan. Hơn nữa, Nghị viện Âu Châu sẽ tiếp tục cử đại diện đến Đài Loan trong các chuyến thăm chính thức nhằm ngăn chặn tham vọng tấn công Đài Loan của ĐCSTQ.
Nghị viện Âu Châu cũng yêu cầu Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu của EU (EEAS) bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về một thỏa thuận phục hồi chuỗi cung ứng cùng có lợi với Đài Loan càng sớm càng tốt để tăng cường “lá chắn silicon” của Đài Loan — đề cập đến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn — và để bảo vệ An ninh của Đài Loan.
Nghị viện Âu Châu cũng tin rằng EU nên tìm kiếm hợp tác đầu tư chung với chương trình Hướng Nam Mới của Đài Loan để chống lại các cửa ngõ toàn cầu của ĐCSTQ — Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”).
Ngoài ra, Nghị viện Âu Châu đề nghị Ủy ban Âu Châu đổi tên Văn phòng Kinh tế và Thương mại Âu Châu (ETO) tại Đài Loan để phản ánh mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai bên.
Trước đó, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện của Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 hôm 14/09. Dự luật này được xem là sự tái tổ chức toàn diện nhất chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan kể từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.
Dự luật đề nghị hỗ trợ quân sự 4.5 tỷ USD cho Đài Loan trong bốn năm và tăng thêm 2 tỷ USD trong năm thứ năm. Dự luật cũng bao gồm một đề nghị của Quốc hội về việc đổi tên [đại sứ quán Đài Loan trên thực tế] thành Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ và chỉ định Đài Loan là một “đồng minh chính ngoài NATO”.
Bản tin có sự đóng góp của phóng viên Ellen Wan 
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times