Nga, Bắc Hàn ký hiệp ước ‘đối tác chiến lược’ ở Bình Nhưỡng
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn cho biết hiệp ước đã nâng mối quan hệ song phương ‘lên cấp độ liên minh.’
Hôm 19/06, tại hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức ở Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, các nhà lãnh đạo Nga và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước “đối tác chiến lược” toàn diện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đến thủ đô của Bắc Hàn một ngày trước đó, cho biết hiệp ước mới được ký kết này buộc mỗi bên phải đứng ra bảo vệ bên kia nếu họ bị tấn công từ bên ngoài.
“Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết hôm nay cung cấp … sự trợ giúp lẫn nhau trong trường hợp có hành động gây hấn nhắm vào một trong các bên,” ông Putin nói sau lễ ký kết với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thỏa thuận “mang tính đột phá” này cũng yêu cầu tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, và nhân đạo.
Theo ông Putin, hiệp ước này cũng sẽ thiết lập “các tiêu chuẩn toàn diện để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nga-Bắc Hàn về lâu về dài.”
Ông Kim nhấn mạnh bản chất “hòa bình và phòng thủ” của hiệp ước, mà theo ông nói sẽ nâng mối quan hệ song phương “lên cấp độ liên minh.”
“Tôi chắc chắn đây sẽ là một động lực hướng tới việc thành lập một thế giới đa cực mới,” nhà lãnh đạo Bắc Hàn nói.
Ông cũng bày tỏ “sự ủng hộ vững chắc” của đất nước ông đối với quỹ đạo chính sách đối ngoại của Moscow, trong đó có cả cuộc xâm lược miền đông Ukraine đang diễn ra của nước này, hiện đã là năm thứ ba.
Ông Putin đến Bình Nhưỡng hôm 18/06, cùng với Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, và một loạt quan chức Nga khác.
Hôm 19/06, hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau tại Cung điện Kumsusan của Bình Nhưỡng. Tại đây, họ đã tổ chức nhiều tiếng thảo luận kín trước khi ký thỏa thuận.
Ông Yury Ushakov, một phụ tá hàng đầu của Tổng thống Putin, cho biết hiệp ước này tìm cách giải quyết “những thay đổi địa chính trị sâu sắc trong khu vực và thế giới cũng như trong mối bang giao Nga-Bắc Hàn.”
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên rằng chuyến công du của ông Putin tới Bình Nhưỡng cho thấy Moscow “rất cần” phát triển mối quan hệ “với các quốc gia có thể cung cấp cho họ những gì họ cần để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.”
Mặc dù ông Putin đã gặp ông Kim vài lần trước đây, nhưng đây là chuyến công du đầu tiên tới Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Nga này sau 24 năm.
Sau khi rời Bắc Hàn tối 19/06, ông Putin cùng phái đoàn đã tới Hà Nội để hội đàm với các quan chức cấp cao của Việt Nam.
Những lo ngại của Hoa Thịnh Đốn
Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine đầu năm 2022, Moscow đã công khai tìm cách tăng cường bang giao với Bình Nhưỡng, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hoa Thịnh Đốn.
Trong những nhận xét trước đó, các quan chức Nga và Bắc Hàn đã cam kết tăng cường bang giao song phương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ quân sự.
Tháng Chín năm ngoái, ông Putin đã gặp người đồng cấp Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt ở vùng Viễn Đông của Nga.
Vào thời điểm đó, Moscow cho biết việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương gồm cả “giao tiếp quân sự và thảo luận về các vấn đề an ninh khẩn cấp.”
Kèm theo sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ Nga-Bắc Hàn là những tuyên bố thường xuyên của Hoa Kỳ rằng Bình Nhưỡng đang cung cấp vũ khí cho Moscow—đặc biệt là phi đạn đạn đạo—để sử dụng ở Ukraine.
Sau hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ “phải trả giá” nếu phi đạn đạn đạo của Bắc Hàn được Nga sử dụng tại chiến trường Ukraine.
Giống như Nga, Bắc Hàn không lạ gì với các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt.
Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này bắn thử phi đạn đạn đạo vào lãnh thổ Nhật Bản.
Nhưng 5 năm sau, Nga đã cùng Trung Quốc cản trở những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm áp đặt một vòng trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Hàn vì chương trình phi đạn đạn đạo của nước này.
Hồi tháng Một, Tòa Bạch Ốc, trích dẫn “thông tin tình báo đã được giải mật,” đã cáo buộc rằng các lực lượng của Nga đang tích cực sử dụng đạn dược của Bắc Hàn để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Putin, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lặp lại tuyên bố này, nói rằng gần đây Bắc Hàn đã trao cho Nga “hàng chục phi đạn đạn đạo.”
Moscow và Bình Nhưỡng luôn phủ nhận các cáo buộc này.
Các quan chức Nga cũng nhanh chóng lưu ý rằng, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi năm 2022, các đồng minh phương Tây của Kyiv đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí và thiết bị tấn công.
Phát biểu tại Bình Nhưỡng, ông Putin đề cập đến quyết định gần đây của một số thành viên NATO—trong đó có Hoa Kỳ—cho phép Ukraine sử dụng đạn dược của phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
“Đây không chỉ là những tuyên bố suông [của các quan chức phương Tây],” ông Putin nói. “Sự việc đang diễn ra rồi.”
Tính đến thời điểm phát hành bản tin này, các quan chức Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về hiệp ước đối tác mới được ký kết giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times rằng việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nga-Bắc Hàn “nên là mối lo ngại lớn đối với bất kỳ ai quan tâm đến việc duy trì sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, duy trì trạng thái không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, và ủng hộ người dân của Ukraine … chống lại cuộc xâm lược tàn bạo của Nga.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và the Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times