Nepal cấm TikTok với cáo buộc ứng dụng này gây xáo trộn ‘sự hòa hợp xã hội’
Chính phủ Nepal đưa ra quyết định này trong bối cảnh các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok.
Nepal đã ban hành lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok, cho biết nền tảng này đã được sử dụng để truyền bá nội dung gây ảnh hưởng tiêu cực đến “sự hòa hợp xã hội.”
Hành động của chính phủ Nepal được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng giám sát chặt chẽ ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc vì những lo ngại về bảo mật và dữ liệu.
Theo bà Rekha Sharma, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nepal, quyết định gỡ ứng dụng TikTok khỏi thiết bị di động ở Nepal được đưa ra trong cuộc họp nội các ngày 13/11.
Những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và ngôn từ thù hận của TikTok được xem là mối lo ngại lớn. Bà Sharma cho biết nền tảng truyền thông xã hội này “gây xáo trộn sự hòa hợp xã hội và phá vỡ cấu trúc gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội.”
Theo The Kathmandu Post, một tờ báo địa phương, hơn 1,600 vụ tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã được ghi nhận trong bốn năm qua.
Theo bản tin, lệnh cấm này có thể được thực thi sau khi các cơ quan chức năng hoàn tất việc chuẩn bị kỹ thuật.
Bà Sharma nói với Reuters: “Các đồng nghiệp đang nỗ lực trong công đoạn hoàn thiện kỹ thuật.”
Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Nepal Purushottam Khanal cho biết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã được đề nghị phải khóa ứng dụng này.
Ông Khanal nói với Reuters: “Một số [nhà cung cấp] đã khóa ứng dụng đó trong khi những nhà cung cấp khác sẽ làm việc này vào cuối ngày hôm nay.”
The Epoch Times đã liên lạc với TikTok để đề nghị bình luận nhưng không nhận được phúc đáp vào thời điểm phát hành bản tin này.
Sự giám sát ngày càng tăng
Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok, một ứng dụng video thuộc sở hữu của đại công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.
Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị của chính phủ, sau lệnh cấm tương tự của Ủy ban Âu Châu. Canada cũng cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp.
Các nhà lập pháp ở Hoa Thịnh Đốn đã bày tỏ lo ngại về mối liên hệ của TikTok với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho rằng công ty này có thể giao dữ liệu của người dùng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc. Họ lưu ý rằng luật tình báo của Trung Quốc buộc “bất kỳ tổ chức hoặc công dân nào” phải “ủng hộ, trợ giúp, và hợp tác” với các cơ quan an ninh và tình báo khi được yêu cầu.
Các chuyên gia và quan chức cũng cho thấy ĐCSTQ có thể sử dụng việc thu thập dữ liệu cá nhân từ người Mỹ qua ứng dụng tạo hiệu ứng lan truyền này để tiến hành các hoạt động gián điệp hoặc định hình nhận thức của họ sang hướng có lợi cho chính quyền Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói với CBS vào ngày 12/11 rằng ứng dụng lan truyền thông tin nhanh chóng này có thể được sử dụng làm “kênh tuyên truyền cho ĐCSTQ.” Theo ông Warner, khoảng 40% thanh niên Mỹ thu nhận mọi tin tức từ TikTok.
TikTok đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, các nhà lập pháp ở cả hai đảng vẫn thận trọng với TikTok vì mối liên hệ của công ty này với ByteDance và ĐCSTQ, trong đó một số người kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm liên bang.
Montana là tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ cấm ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc TikTok sau khi Thống đốc Greg Gianforte ký luật vào tháng Năm ngăn TikTok hoạt động tại tiểu bang bang này. TikTok đang thách thức lệnh cấm toàn tiểu bang dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/01/2024 của ông Greg. Nhưng các quan chức tiểu bang lập luận rằng hành động này là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của người dân vì ứng dụng này có mối liên hệ với các quốc gia địch thủ của Hoa Kỳ.