NATO công bố cơ cấu chỉ huy mới cho việc huấn luyện quân đội Ukraine
Bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức sẽ do một vị tướng ba sao của NATO lãnh đạo. Vị tướng này sẽ phụ trách giám sát việc ‘huấn luyện, trang bị, và phát triển lực lượng’ của quân đội Ukraine.
HOA THỊNH ĐỐN—NATO sắp công bố các biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước sự xâm lược của Nga và mở đường cho việc nước này cuối cùng sẽ gia nhập liên minh.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này sẽ thành lập một bộ chỉ huy mới để huấn luyện quân đội Ukraine, cung cấp cho Kyiv một đại diện tận tâm, cam kết tài trợ an ninh trị giá 40 tỷ EUR, và cung cấp chiến đấu cơ F-16.
Ông Sullivan nói rằng nỗ lực lớn này là cần thiết để ngăn chặn “cuộc truy lùng của chủ nghĩa đế quốc nhằm khuất phục và chiếm lấy Ukraine” từ Nga.
Ông Sullivan đã công bố các biện pháp này tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng NATO ở Hoa Thịnh Đốn hôm 09/07. Ông cho biết những nỗ lực này được tạo ra để mang lại an ninh cho Ukraine “về lâu dài.”
Ông Sullivan nói rằng có lẽ sự tốn kém và phức tạp nhất của chương trình mới này sẽ là việc thành lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức, nằm dưới sự lãnh đạo một tướng ba sao của NATO, người sẽ giám sát việc “huấn luyện, trang bị, và phát triển lực lượng” của quân đội Ukraine.
Ông cho hay rằng việc huấn luyện và trang bị đó sẽ không chỉ trợ giúp Ukraine duy trì khả năng phòng thủ mà còn chuẩn bị cho nước này gia nhập liên minh NATO với tư cách là thành viên chính thức.
Tương tự như vậy, đại diện cấp cao mới của NATO sẽ đóng quân tại Kyiv, “sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ mang tính tổ chức của Ukraine với Liên minh và đóng vai trò là đầu mối cho các quan chức Ukraine cấp cao của NATO,” ông Sullivan nói.
Cả hai nỗ lực này đều là bộ phận của một loạt những dự án rộng lớn hơn được tạo ra để chuẩn bị cho Ukraine đảm nhận các trách nhiệm của mình trong NATO nếu như nước này cuối cùng được kết nạp vào liên minh, điều mà một quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Biden hồi tuần trước đã nhận định là “cầu nối dẫn đến tư cách thành viên.”
Hiện tại Ukraine không thể gia nhập NATO vì một số lý do, trong đó có việc nước này không duy trì được toàn vẹn lãnh thổ và không nhận được sự ủng hộ nhất loạt của tất cả 32 quốc gia NATO.
Ukraine khó có thể sớm nhận được sự ủng hộ cần thiết để trở thành thành viên, do một số quốc gia, như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, còn do dự tham gia vào những gì họ nhìn nhận là những hành động khiêu khích có chủ ý đối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine cần phải đồng ý không bao giờ gia nhập NATO như một điều kiện để đạt được hòa bình.
Tuy nhiên, những nỗ lực mới này của NATO có thể sẽ bảo đảm cho Ukraine có được sự trợ giúp an ninh quan trọng trong dài hạn, bất kể những thay đổi về chính phủ ở các quốc gia thành viên khác nhau.
Ông Sullivan nhận định hội nghị thượng đỉnh NATO thường niên trong tuần này là “một phiên làm việc hiệu quả” đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng này và ca ngợi cam kết của liên minh này đối với ngành công nghiệp và quân sự “để tăng cường các năng lực phòng không quan trọng của Ukraine,” kể cả việc cung cấp thêm chiến đấu cơ phản lực F-16.
Quan chức Tòa Bạch Ốc này thông báo rằng sau đó trong tuần này, Tổng thống Joe Biden sẽ họp với hơn 20 nhà lãnh đạo thế giới đã ký các thỏa thuận song phương với Ukraine để thể hiện cam kết chung đối với quyền chủ quyền của quốc gia này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks cũng trình bày tại sự kiện này và ca ngợi nỗ lực quốc tế nhằm trợ giúp Ukraine chống lại điều mà bà gọi là “kho vũ khí chuyên chế” của Nga.
Bà nói rằng mặc dù NATO là một liên minh phòng thủ, nhưng liên mình này cần phải chuẩn bị “cho nguy cơ xảy ra chiến tranh kéo dài” do sự gây hấn của các cường quốc độc tài như Nga và Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times