Hoa Kỳ sẽ điều động các hệ thống phi đạn tới Đức; Moscow cân nhắc ‘phản ứng quân sự’
Thông báo này trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn, khi các thành viên liên minh tăng cường trợ giúp cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Theo một tuyên bố chung được chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Đức đưa ra, Hoa Kỳ dự định khai triển các hệ thống phi đạn tầm xa tới Đức để khẳng định cam kết của mình với NATO và bảo vệ châu Âu.
Tuyên bố hôm 10/07 cho biết: “Hoa Kỳ sẽ bắt đầu khai triển từng đợt các năng lực hỏa lực tầm xa của Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền ở Đức vào năm 2026.”
Những đợt khai triển phi đạn theo kế hoạch này là nhằm mở đường cho “việc đồn trú lâu dài các năng lực này trong tương lai.”
Tuyên bố cho biết: “Các đơn vị hỏa lực tầm xa thông thường này sẽ gồm có SM-6, Tomahawk, và các vũ khí siêu thanh đang phát triển, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực trên đất liền hiện nay ở châu Âu.”
Hoa Kỳ không công khai khai triển các hệ thống phi đạn như vậy ở châu Âu kể từ thời đỉnh điểm Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô hồi năm 1991.
Nói chuyện với Reuters, một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi quyết định này là một “bước đi cần thiết để ngăn chặn Nga.”
Hoa Thịnh Đốn và Berlin đã đưa ra tuyên bố chung vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài ba ngày do Hoa Thịnh Đốn chủ trì và kết thúc hôm 11/07.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo NATO cho biết cuộc xâm lược Ukraine của Nga—hiện trong năm thứ ba—đã “phá vỡ hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và làm suy yếu nghiêm trọng an ninh toàn cầu.”
Họ nói trong tuyên bố rằng Nga “vẫn là mối đe dọa đáng kể nhất và trực tiếp nhất đối với an ninh của Đồng minh.”
‘Sai lầm nghiêm trọng’
Các quan chức Nga đã nhanh chóng phản ứng với kế hoạch khai triển phi đạn này.
Ông Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, mô tả hành động này là một “chiến thuật đe dọa” của NATO và Hoa Kỳ.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông nói rằng Moscow sẽ có “phản ứng quân sự” trước các đợt khai triển theo kế hoạch của Hoa Kỳ “bằng sự bình tĩnh.”
Ông Anatoly Antonov, đặc phái viên của Moscow tại Hoa Thịnh Đốn, gọi quyết định này là một “sai lầm nghiêm trọng.”
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà ngoại giao này cho biết: “Những bước đi gây bất ổn cao như vậy đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược.”
Ông cho rằng hành động này có nguy cơ gây ra “sự leo thang không thể kiểm soát được trong bối cảnh căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn giữa Nga và NATO.”
Ông Antonov cũng cáo buộc Hoa Kỳ phớt lờ “hậu quả nguy hiểm” của việc vi phạm Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm Trung (INF).
Tháng trước (06/2024), Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ khôi phục lại việc sản xuất phi đạn tầm trung của Nga vốn bị cấm theo Hiệp ước INF.
Kế hoạch khai triển Hoa Kỳ-Đức này cũng đã gặp phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập ở Đức—cả cánh tả lẫn cánh hữu.